Khỏi phải nói, Trung Quốc – đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên, đã choáng váng như thế nào về “đòn hạt nhân” trên. Bình Nhưỡng được cho là đang tìm cách buộc Mỹ phải đàm phán với họ. Phải chăng, vì muốn Mỹ thay đổi lập trường, Triều Tiên sẵn sàng “chọc giận” người bạn lớn của mình.
Trung Quốc nổi giận với Triều Tiên
Trong một động thái thể hiện sự thách thức đối với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, cũng như các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên ngày hôm qua (12/2) đã bất ngờ thông báo, nước này vừa thực hiện thành công một vụ thử hạt nhân mới. Bình Nhưỡng cho biết vụ thử hạt nhân mới của họ có sức nổ lớn hơn rất nhiều so với hai vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009 của họ.
Vụ thử hạt nhân thứ ba được Triều Tiên tuyên bố là một hành động tự vệ nhằm vào “chính sách thù địch của Mỹ”. Nước này còn đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh với Mỹ rằng, vụ thử hạt nhân vừa rồi mới chỉ là “đòn đầu tiên”. Nếu cường quốc số 1 thế giới không thay đổi thái độ thì Triều Tiên còn tiếp tục có những “đòn thứ hai và thứ ba” mạnh mẽ hơn.
Một địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên chụp từ vệ tinh
Ngay sau khi thông tin về vụ thử hạt nhân lần ba của Triều Tiên được xác nhận, một trong những nước có phản ứng mạnh mẽ đầu tiên lại chính là Trung Quốc. Đây là điều hiếm khi xảy ra bởi Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết nhất và cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Không chỉ là một trong những nước có phản ứng đầu tiên, Trung Quốc còn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ hiếm có đối với động thái mới nhất của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhanh chóng triệu tập Đại sứ Triều Tiên tại thủ đô Bắc Kinh đến để bày tỏ sự phản đối. Từ ngữ mà Trung Quốc dùng để chỉ trích Triều Tiên cũng rất là cứng rắn. Ông Dương Khiết Trì nói, Trung Quốc “cực kỳ không hài lòng và kiên quyết phản đối” vụ thử hạt nhân. Ông này cũng kêu gọi Bình Nhưỡng “ngừng ngay lập tức bất kỳ lời nói, hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình khu vực đồng thời quay trở lại con đường đúng đắn là đàm phán và đối thoại càng sớm càng tốt".
Rõ ràng, những phát biểu trên của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì gay gắt và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những từ như “quan ngại”, “lo lắng” mà giới lãnh đạo Trung Quốc thường dùng trước đây khi nói về những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bắc Kinh không thể không cảm thấy tức giận khi mà hành động thử hạt nhân của Triều Tiên thực sự đã khiến họ mất mặt. Trung Quốc là một cường quốc, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vốn là đồng minh duy nhất và là nước tài trợ lớn nhất cho Triều Tiên, Trung Quốc được tin là có ảnh hưởng lớn nhất đối với nước láng giềng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thông qua vấn đề Triều Tiên để thể hiện vai trò cường quốc, nước lớn của họ.
Tuy nhiên, với những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tục gần đây, Triều Tiên đã cho thấy, Trung Quốc chẳng có ảnh hưởng gì mấy đối với họ. Điều đó đã khiến Bắc Kinh tức giận và thất vọng. Sau những sự ủng hộ to lớn về cả vật chất và tinh thần cho Triều Tiên, Trung Quốc rõ ràng là không nhận được sự “đền đáp” từ Bình Nhưỡng.
Mặc dù rất tức giận với Triều Tiên nhưng Trung Quốc được cho là sẽ không có nhiều lựa chọn trong việc đối phó với nước láng giềng của mình. Triều Tiên là vùng đệm an toàn chiến lược và vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Chính vì thế, Bắc Kinh được cho là sẽ phải tiếp tục kiềm chế, không đưa ra những hành động mạnh tay có thể làm Bình Nhưỡng nổi giận.
Triều Tiên thử hạt nhân vì Mỹ?
Giới phân tích tin rằng, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba là vì muốn Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với họ. Bình Nhưỡng cho rằng, chỉ có vũ khí lớn hơn, đáng sợ hơn cùng với những hành động khiêu khích mang tính đe dọa mới có thể buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thứ mà họ thực sự muốn, đó là hòa bình.
Không phải ngẫu nhiên mà vụ thử hạt nhân mới nhất và mạnh nhất của Triều Tiên lại diễn ra đúng thời điểm ngay trước thềm sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc thông điệp liên bang quan trọng. Trong thông điệp này, ông Obama sẽ đề cập đến những chính sách đối nội và đối ngoại qua trọng nhất. Động thái của Bình Nhưỡng là nhằm để thu hút sự chú ý của thế giới, là một lời nhắc nhở với thế giới rằng, Triều Tiên có thể nghèo nhưng có sức mạnh có thể làm đảo lộn an ninh và sự ổn định trong khu vực. Bình Nhưỡng muốn trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Có thể nói, từ khi lên cầm quyền trong hơn một năm qua, Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un cùng với giới cố vấn của ông này luôn tìm cách làm thay đổi chính sách của các nước đối với Triều Tiên – đặc biệt là Mỹ.
Mục đích mà Bình Nhưỡng muốn đạt được là buộc Washington phải đối xử với Triều Tiên ngang hàng, như một cường quốc hạt nhân. Triều Tiên không hề muốn chiến tranh với Mỹ nhưng muốn buộc Washington phải tôn trọng chủ quyền và sức mạnh quân sự của nước này. Từ đó, khi ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên sẽ có được lá bài mặc cả với Mỹ. Như đã nói ở trên, mục đích cuối cùng mà Bình Nhưỡng muốn có được là hòa bình.
Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ từng có cuộc chiến tranh năm 1950-1953. Về mặt lý thuyết, giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc vẫn còn chiến tranh với nhau vì hai bên chưa ký kết được một thỏa thuận hòa bình.
Bình Nhưỡng coi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên là mối đe dọa đối với an ninh nước họ và là lý do khiến họ phải phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng có được thỏa thuận hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc. Và Triều Tiên tin rằng, chỉ có những vụ thử tên lửa và hạt nhân mới có đủ sức mạnh buộc Mỹ và Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán với họ. Với niềm tin đó, Bình Nhưỡng có vẻ như không ngại “chọc giận” ngay cả đồng minh lớn nhất của họ.