Theo báo cáo của SIPRI về chuyển giao vũ khí quốc tế, "nhập khẩu vũ khí của các nước châu Phi trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng 19% so với giai đoạn 2006 - 2010."
Algeria vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực, với 30% lượng vũ khí nhập khẩu.
Tuy nhập khẩu vũ khí của Algeria trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm 18% so với giai đoạn 2006 - 2010, nhưng trong 5 năm tới nước này sẽ tiếp nhận 4 tàu chiến do Trung Quốc và Đức sản xuất, mua 190 xe tăng, 42 máy bay trực thăng, 14 máy bay chiến đấu và 2 tàu ngầm từ Nga.
Tính trên phạm vi toàn cầu, Algeria đứng thứ 11 trong số 20 nước nhập vũ khí nhiều nhất trên thế giới trong giai đoạn 2011 - 2015 (chiếm 2,4% tổng lượng vũ khí nhập khẩu). Nga và Trung Quốc là hai nước cung cấp vũ khí chủ yếu cho quốc gia Bắc Phi này.
Trong khi đó, nhập khẩu vũ khí của Maroc - nước đứng thứ 2 về lượng vũ khí nhập khẩu tại châu Phi (26%) - cũng tăng 52,8% trong giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015. Cuối năm 2015, Maroc đã đặt hàng 150 xe tăng của Mỹ.
Tại Trung Đông, nhập khẩu vũ khí đã tăng 61% trong giai đoạn 2011 - 2015. SIPRI cho biết dù giá dầu lao dốc, nhưng chi phí cho nhập vũ khí của khu vực này vẫn tiếp tục tăng trong khuôn khổ những hợp đồng đã ký trong 5 năm qua.
Saudi Arabia đứng thứ 2 trong số 20 nước nhập vũ khí nhiều nhất trên thế giới (sau Mỹ), trong khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng thứ 4 và Ai Cập đứng thứ 12./.