“Lô hàng đầu tiên gồm các thiết bị phụ trợ đã tới Ai Cập. Trong năm 2015, các thành phần khác của tổ hợp Antey-2500 sẽ tiếp tục được chuyển giao cho quốc gia Bắc Phi này. Việc thực hiện hợp đồng được tiến hành đúng theo kế hoạch dự kiến”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Như vậy, Ai Cập đã trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Venezuela sở hữu tổ hợp Antey-2500. Iran cũng đang rất quan tâm tới tổ hợp vũ khí phòng không này.
S-300VM được biết tới là biến thể xuất khẩu của dòng tên lửa phòng không lục quân S-300V do Tổ hợp Almaz-Antey phát triển.
Được thiết kế để ngăn chặn các mục tiêu bay của đối phương, trong đó có cả các loại tên lửa hành trình hay đạn đạo, Antey-2500 có khả năng khai hỏa đồng thời vào 24 mục tiêu (2-4 đạn tên lửa cho mỗi mục tiêu).
Tầm bắn của Antey-2500 đạt 250km và tầm cao từ 25-30km. Tốc độ mục tiêu bị đánh chặn có thể lên tới 4.500m/giây.
Mới đây, hôm 5-3, quân đội Nga đã bắt đầu triển khai phiên bản nâng cấp mới S-300V4 với tầm bắn đạt tới 400km.