Trung Quốc biên chế chính thức AEW&C KJ-500
Máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm KJ-2000 và nhóm tiêm kích J-7
Tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly cho biết, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chính thức đưa vào sử dụng chiếc máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không (AEW&C) thế hệ mới nhất “Không cảnh 500” (KJ-500) mang phiên hiệu KJ 30471.
Xuất hiện vào cuối năm 2014, tuy nhiên phải đến ngày 18 tháng 03 năm 2015 bức ảnh đầu tiên của KJ-500 mới được công bố rộng rãi, điều đó cho thấy PLA đã đưa loại máy bay cảnh báo sớm này vào biên chế trong đội hình chiến đấu chính thức.
Tờ “Bình luận Quân sự Trung Quốc” gần đây có bài viết đánh giá tính năng và ưu, nhược điểm cũng như hiệu quả thực tế của của từng loại máy bay cảnh báo sớm này và vị trí, vai trò của chúng trong Không quân Trung Quốc.
AEW&C tích hợp khả năng trinh sát cảnh báo sớm, dẫn đường thông tin, tập hợp thông tin tình báo, chỉ huy kiểm soát thành một thể thống nhất.
Nó là trạm trung chuyển thông tin và đầu mối chỉ huy chiến trường trên không, không chỉ có chức năng dò tìm cảnh báo sớm, chỉ huy kiểm soát, mà còn có nhiều chức năng tích hợp sức mạnh tác chiến.
Đặc biệt là trong tác chiến đường không tầm trung và xa, thông báo tình hình theo thời gian thực và dẫn đường chỉ huy chính xác của máy bay cảnh báo sớm có vai trò quan trọng.
Giúp lực lượng tác chiến kịp thời phát hiện mục tiêu, liên tục bám theo mục tiêu, cơ động chiến thuật chính xác, tập trung ưu thế hỏa lực.
Liên kết dữ liệu thông dụng được nó trang bị vừa có thể truyền các thông tin dò tìm, định vị, nhận biết, bám theo mục tiêu theo thời gian thực cho các bộ phận chỉ huy và vũ khí.
Đưa ra những mệnh lệnh chỉ huy tác chiến cho từng bộ phận, bảo đảm khả năng luôn phát hiện địch trước và ra tay ngăn chặn từ sớm.
Cận cảnh máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm KJ-200
Hiện tại, Không quân PLA đang sở hữu loại máy bay cảnh báo sớm KJ-200, được thiết kế trên cơ sở máy bay vận tải Y-8, bán kính hoạt động 3.400 km chủ yếu được sử dụng trong chỉ huy cảnh báo tầm thấp.
Tuy nhiên, điểm khiếm khuyết của KJ-200 là được trang bị radar dạng cột bố trí trong hộp đặt dọc thân máy bay, tương tự như radar Erieye do Tập đoàn Saab của Thụy Điển chế tạo nên chỉ cho góc quét 240 độ.
Còn loại KJ-2000 được thiết kế trên nguyên mẫu máy bay vận tải IL-76 của Nga, bán kính hoạt động tối đa 5.500 km, thời gian hoạt động trên không 9 giờ, cự ly giám sát 470 km, có thể chỉ huy cảnh báo sớm cho 60 đến 100 máy bay chiến đấu.
Ưu điểm của IL-76 là kích thước lớn, thời gian hoạt động dài, nhưng phạm vi hành trình không lớn và số lượng rất ít.
Hiện chỉ có khoảng 4 chiếc đang được biên chế trong Không quân PLA. Với số lượng như vậy có lẽ không đảm bảo đối với nhu cầu trong thực tế chiến đấu.
Hơn nữa, nhược điểm lớn nhất về kỹ thuật của KJ-2000 vẫn nằm trong tay các nhà sản xuất Nga, thêm vào đó với số lượng ít, không thể hình thành được hệ thống kiểm soát chỉ huy trên diện rộng.
KJ-500 sẽ là nòng cốt trong lực lượng chỉ huy-cảnh báo sớm trên không
Sau khi những bức ảnh về KJ-500 được phát tán rộng rãi truyền thông Đài Loan đồng loạt nhận định:
Hiện tại PLA đang sử dụng máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-200, KJ-2000. Việc có thêm KJ-500 sẽ mang lại cho không quân Đại Lục khả năng cảnh báo sớm toàn diện hơn.
Cận cảnh máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm KJ-2000
Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 do do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thiểm Tây Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, dựa trên dòng máy bay vận tải Y-9.
Máy bay được kết hợp thêm một radar quét mảng pha điện tử dạng hình đĩa do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh (NRIET) chế tạo.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 có khả năng tích hợp sức mạnh tác chiến, giúp Không quân PLA xây dựng hệ thống tác chiến chỉ huy cảnh báo mang tính tấn công.
Nếu được phối hợp với nhau, KJ-500 KJ-200 và KJ-2000 sẽ hình thành mạng lưới cảnh báo sớm trên không ở mọi cấp độ.
CNA cho biết, KJ-500 được thiết kế trên cơ sở máy bay vận tải Y-9, trọng lượng cất cánh lớn nhất có thể lên đến 77 tấn, được trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt, tốc độ bay tuần tra khoảng 550 km/giờ, bán kính hoạt động khoảng 5.700 km.
Ngoài ra, theo bức ảnh chụp mới nhất của KJ-500, cả ba mảng anten radar của KJ-500 đều có cùng kích thước và được đặt trong mái vòm dạng hình đĩa được bố trí trên giữa thân máy bay.
Anten cho góc quét 360 độ, cự ly giám sát 470 km, có thể chỉ huy cảnh báo sớm cho khoảng 100 máy bay chiến đấu.
Trước đó Tập đoàn công nghiệp hàng không Thiểm Tây từng xem xét việc sử dụng mái vòm radar hình giọt nước cho KJ-500 nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ do nhiều hạn chế.
Cận cảnh máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm KJ-500
KJ-500 trang bị radar quét mảng pha điện tử dạng hình đĩa Type H/LJG-346 SAPAR do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh (NRIET) chế tạo. Radar này có thể tiến hành bám theo mục tiêu liên tục với tốc độ nhanh và tỷ lệ chính xác cao, có thể đo vẽ bản đồ.
Hơn nữa, radar của KJ-500 có công suất mạnh, đường kính ăng-ten lớn, sử dụng máy tính tốc độ cao và công nghệ giảm tiếng ồn chuyên dụng.
Phương vị quét mục tiêu của nó có thể đạt 360 độ, cung cấp bức tranh toàn cảnh về không phận ở khoảng cách gần 500 km.
Loại radar này có thể bám theo, dò tìm hàng trăm mục tiêu trên không, trên mặt đất, trên biển, chỉ huy, cảnh báo dẫn đường cho trăm nhóm mục tiêu, khoảng cách dò tìm, độ phân giải có thể ngang hang với thế hệ cùng loại trên thế giới.
Lấy radar quét cơ giới của máy bay cảnh báo sớm E-3 làm ví dụ, anten của nó chuyển 5-6 vòng/phút, chu kỳ quét một mục tiêu khoảng 10s, xác định một mục tiêu và lập ra đường theo dõi mất 3-6 lần quét, mất 30-60s.
Trong khi đó, KJ-500 chỉ cần vài giây, tỷ lệ cập nhật số liệu tình hình trên không tương ứng vượt xa máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm E-3 Sentry tối tân của Mỹ.
Bởi vậy, có thể nhận định rằng, sau khi KJ-500 được sản xuất đồng loạt, nó sẽ giữ vai trò chủ đạo trong cảnh báo sớm trên không của không quân nước này ở mọi cấp độ.