Đề xuất của Fisher được đề cập trong một bản báo cáo gửi tới Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế (IASC) ngày 24/7 vừa qua.
Trước tiên Fisher đề xuất rằng Mỹ cần phát triển một mạng lưới tên lửa đạn đạo chống hạm tầm ngắn và tầm trung, sau đó bán chúng cho các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đã đến lúc Washington cần tuyên bố rằng Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga năm 1987 đã lỗi thời khi phải đối mặt với một mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cần khẳng định rằng một lượng lớn tên lửa chống hạm đã đủ khả năng vô hiệu hóa Hải quân Trung Quốc trong bất kì trận chiến tiềm tàng nào.
Theo một nguồn tin từ tình báo Mỹ, hơn 1.000 tên lửa DF-15 Trung Quốc đã được triển khai, đặt toàn bộ Đài Loan vào trong tầm bắn của nó.
Cũng theo Fisher, Mỹ cần xây dựng một mạng lưới cảm biến tầm xa ở khu vực châu Á nhằm cung cấp cho các thành viên trong mạng lưới này cảnh báo nhanh chóng về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Điều này sẽ cho phép chính phủ các nước trong khu vực có đủ thông tin để tiến hành phản ứng phòng vệ độc lập hoặc tập thể. Fisher cho rằng quân đội Mỹ cũng cần triển khai súng điện từ tới eo biển Đài Loan bởi hệ thống vũ khí mới này có thể mang lại cho Đài Loan khả năng ứng phó với mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc.
Tiêm kích F-35B
Cách thứ tư, theo Fisher, Mỹ sẽ cần đến một lượng lớn các tiêm kích thế hệ 5 F-35.
"Hệ thống cảnh báo cảm biến hồng ngoại của tiêm kích này được cho là có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa từ cự ly 200 dặm, vì vậy, nó có thể hỗ trợ các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa" - Fisher viết trong bản báo cáo.
Ngoài ra, các tiêm kích F-35B với khả năng cất cánh ngắn/ hạ cánh thẳng đứng có thể biến 13 tàu tấn công đổ bộ trực thăng của Hải quân Mỹ trở thành những tàu sân bay thực sự.
Việc xây dựng lực lượng tác chiến mặt đất với khả năng triển khai nhanh là giải pháp thứ 5. "Vẫn cần có một dòng xe chiến đấu mạnh mẽ có trọng tải 30 tấn trở lên và có thể được vận chuyển bởi các máy bay vận tải C-17", Fisher gợi ý, "Mỹ cũng cần phát triển một máy bay kế nhiệm cho các máy bay vận tải C-5 đã cũ". Fisher cũng tin rằng chương trình chế tạo trực thăng vận tải hạng nặng 20-30 tấn vốn đã bị hủy bỏ có thể sẽ trở nên hữu dụng trước Trung Quốc.
Tiếp theo, chuyên gia Fisher cho rằng Mỹ nên hỗ trợ Đài Loan trong một cuộc chiến tranh phi đối xứng chi phí thấp để chống lại cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.
Mỹ cũng cần thúc đẩy các nỗ lực trợ giúp Đài Loan để họ sớm sở hữu tàu ngầm mới. "Ý định tự chế tạo tàu ngầm hiện nay của Đài Loan có thể được Mỹ hỗ trợ bằng cách cho phép Đài Loan tiếp cận những bộ phận như vũ khí, các hệ thống chỉ huy và khí động học có thể đáp ứng yêu cầu của họ".
Cuối cùng, theo Fisher, đã đến lúc Chính phủ Mỹ cần phục hồi Chương trình Mặt Trăng bởi cả Trung Quốc và Nga rất có thể sẽ biến mặt trăng trở thành căn cứ quân sự. Từ các cơ sở hạ tầng quân sự mới, Trung Quốc có thể thăm dò và tấn công các vệ tinh quân sự trái đất hoặc phá hủy những trạm vũ trụ tương lai, cũng như các cơ sở tích lũy năng lượng mặt trời ngoài không gian trong tương lai. Do vậy, việc phục hồi Chương trình Mặt trăng có thể cho phép Mỹ ngăn chặn bất kì hành động quân sự tiềm tàng nào của cả Trung Quốc hoặc Nga từ Mặt Trăng.