Trong bảng xếp hạng của TSAMTO, Ấn Độ là nước thực hiện nhiều thương vụ mua bán vũ khí “khủng nhất”.
Điều này cho thấy được tham vọng của trở thành cường quốc quân sự thế giới của quốc gia Nam Á này. Dưới đây là bảng xếp hạng 7 thương vụ vũ khí hàng đầu thế giới theo bình chọn của TSAMTO.
1. Dassault của Pháp giành chiến thắng trong gói thầu trị giá 10,4 tỉ đôla của Ấn Độ
Cuối tháng 01/2012, hãng chế tạo máy bay Dassault của Pháp đã chính thức giành chiến thắng trong gói thầu cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng tầm trung (MMRCA) trị giá 10,4 tỷ đôla cho Không quân Ấn Độ.
Chiến đấu cơ Rafale của Dassault.
Theo đó, 18 chiếc máy bay đầu tiên sẽ được sản xuất và chuyển giao cho Không quân Ấn Độ, 108 chiếc còn lại sẽ được chế tạo tại Ấn Độ theo hình thức chuyển giao công nghệ.
Trong cuộc thầu này, chiến đấu cơ Rafale của Dassault đã loại các đối thủ nặng ký gồm F/A-18E/F Super Hornet của Boeing, F-16IN Super Viper của Lockheed Martin, Mikoyan MiG-35 của Nga, Typhoon của Eurofighter và Saab JAS 39 Gripen để ginàh chiến thắng.
Hợp đồng trị giá 10,4 tỷ đôla để cung cấp 126 máy bay chiến đấu này là hợp đồng có giá trị lớn chưa từng có đối với công ty Dassault đồng thời cũng là hợp đồng mua bán máy bay lớn nhất thế giới từ trước tới nay.
2. Hợp đồng cung cấp 4 siêu tàng hình cơ thế hệ 5 F-35A cho Nhật Bản
Nhật Bản đã quyết định đặt mua 4 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35A Lightning II (phiên bản không quân) đầu tiên.
Đơn hàng nói trên đã được Cơ quan hợp tác quốc phòng thuộc Lầu Năm góc (DSCA) đệ trình lên Quốc hội Mỹ với trị giá lên tới 10 tỉ đôla.
Tàng hình cơ thế hệ 5 F-35.
Theo DSCA, F-35 chuyển giao cho Nhật sẽ thay thế cho các đơn vị chiến đấu cơ F-4EJ Kai Phantom cũ của nước này và không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.
Cuối tháng 12/2011, Nhật Bản đã chọn chiến đấu cơ F-35 là sản phẩm thắng cuộc trong gói thầu tìm mua 42 chiến đấu cơ mới của không quân nước này
3 Lockheed Martin nâng cấp 145 máy bay F-16A/B của Đài Loan
Trong tháng 10/2012, tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ đã nhận được hợp đồng nâng cấp hệ thống điện tử cho 145 máy bay tiêm kích F-16 A/B Fighting Falcon Block 20 của Không quân Đài Loan.
Chiến đấu cơ F-16.
Theo hợp đồng nâng cấp này, các máy bay chiến đấu Đài Loan sẽ được trang bị rađa quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống định vị toàn cầu và các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại.
Thỏa thuận hiện đại hóa máy bay tiêm kích F-16 được Mỹ và Đài Loan ký kết hồi tháng 7. Trị giá hợp đồng lên đến 3,8 tỷ USD và có thể mở rộng đến 5,3 tỷ USD.
Ngoài việc nâng cấp hệ thống điện tử, các máy bay F-16 của Đài Loan sẽ có một số thay đổi về kết cấu.
4. Thụy Điển đặt mua 22 chiến đấu cơ JAS-39 Gripen NG
Cơ quan mua sắm quốc phòng và công ty xuất khẩu vũ khí FXM của Thụy Điển đã ký kết hợp đồng cung cấp 22 chiến đấu cơ JAS-39 Gripen NG cho Không quân nước này.
Chiến đấu cơ JAS-39 Gripen NG
Việc giao hàng tận nơi lô máy bay đầu tiên được dự kiến vào giữa năm 2018, và toàn bộ 22 chiếc máy bay chiến đấu Gripen NG sẽ được bàn giao hết cho Không quân Thụy Điển vào năm 2021. Chi phí của thỏa thuận được ước tính khoảng 3,1 tỷ đôla.
5. Ấn Độ đã chọn Airbus A-330 MRTT trong gói thầu mua 6 máy bay tiếp dầu trên không
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chọn Airbus A-330 MRTT cho chương trình mua sắm 6 máy bay tiếp dầu trên không của Không quân Ấn Độ trị giá gần 1 tỉ đôla.
A-330.
Ban đầu chương trình có sự tham dự của 6 ứng viên đến từ Mỹ, châu Âu, Nga, Ukraine. Trong đó, nhà thầu Antonov của Ukraineđã chủ động rút khỏi chương trình, để lại cuộc đua cho hai ông lớn là Airbus A-330 MRTT và IL-78.
Tuy nhiên Ấn Độ đã thích máy bay A-330 của châu Âu hơn máy bay Il-78 của Nga và quyết định chọn loại máy bay này cho gói thầu mua 6 máy bay tiếp dầu trên không.
6. Boeing giành chiến thắng trong gói thầu cung cấp hai loại trực thăng hạng nặng cho Ấn Độ
Boeing đã được lựa chọn là nhà cung cấp các máy bay trực thăng tấn công và vận tải cho Không quân Ấn Độ. Theo đó, thỏa thuận cung cấp 22 trực thăng tấn công AH-64 Apache có trị giá 570 triệu đôla và 15 trực thăng vận tải quân sự CH-47 Chinook có trị giá 454 đôla.
Trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Trực thăng vận tải quân sự CH-47 Chinook.
Thương vụ này sẽ đánh dấu một chuyển dịch lớn của Ấn Độ khỏi nhà cung cấp thiết bị quân sự truyền thống là Nga.
Hiện Nga cung cấp khoảng 70% trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ, tuy nhiên New Delhi không hài lòng về việc Moscow khi không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn.
7. Không quân Oman đặt mua 12 chiến đấu cơ Typhoon và 8 máy bay huấn luyện BAE Hawk mới
Bộ Quốc phòng Oman hôm 21/12 vừa đạt được thỏa thuận với hãng BAE Systems của Anh về việc cung cấp 12 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon giao lô thứ 3 và 8 máy bay huấn luyện BAE Hawk mới.
Trị giá của hợp đồng nói trên không được tiết lộ, nhưng theo các thông tin sơ bộ, Oman sẽ tiếp nhận chiến đấu cơ Typhoon đầu tiên từ năm 2017.
Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon.
Máy bay huấn luyện Hawk.
Không quân Oman sẽ dùng máy bay huấn luyện Hawk mới thay thế cho các đơn vị Hawk 103/A và PC-9 cũ hiện có.