6 lớp tuần dương hạm thông thường của Hải quân Liên Xô (P1)
4. Tuần dương hạm lớp Kresta II
Tuần dương hạm lớp Kresta II - Dự án 1134A Berkut A là biến thể dựa trên Kresta I với mục đích chuyển đổi nhiệm vụ từ chống hạm sang chống ngầm.
Có tất cả 10 chiếc Kresta II được đóng tại nhà máy Zhdanov, Leningrad trong giai đoạn 1966 - 1974, chúng nhanh chóng bị loại biên không lâu sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Kresta II có kích thước tương tự Kresta I với lượng giãn nước đầy tải 7.535 tấn; dài 159 m; rộng 17 m; mớn nước 6 m; thủy thủ đoàn 380 người.
Hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbine hơi nước công suất 91.000 - 100.000 shp cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 10.500 hải lý ở tốc độ 14,5 hải lý/h hoặc 5.200 hải lý khi chạy với tốc độ 18 hải lý/h.
Kresta II được trang bị hệ thống điện tử đồ sộ hơn Kresta I khá nhiều gồm radar trinh sát trên không MR-600 và MR-310; radar hàng hải Don và Volga; sonar MG-26, MG-35, MG-322; radar kiểm soát hỏa lực Grom của tên lửa phòng không, MR-103 của pháo AK-725 và Drakon RP-33.
Vũ khí chủ lực của các tuần dương hạm Dự án 1134A Kresta II là 8 tên lửa chống ngầm SS-N-14 Silex (2 cụm 4 ống phóng) thay vì tên lửa chống hạm SS-N-3 Shaddock. Ngoài ra tàu còn được trang bị tên lửa hạm đối không SA-N-3 thế hệ mới (72 tên lửa bắn đi từ 2 ray phóng đôi).
Vũ khí phụ gồm có 2 pháo AK-725 57 mm, 4 pháo phòng không bắn nhanh AK-630 30 mm, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm (2 cụm 5 ống phóng) và 1 trực thăng chống ngầm Kamov Ka-25.
5. Tuần dương hạm lớp Kara
Kara là tên định danh của NATO dành cho lớp tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển Dự án 1134B (Berkut B). Hải quân Liên Xô gọi nó một cách đơn giản là “Chiến hạm săn ngầm cỡ lớn” chứ không phải “Tuần dương hạm”.
Về cơ bản Kara chính là biến thể phóng to của tuần dương hạm lớp Kresta II với động cơ turbine khí thay cho động cơ hơi nước truyền thống. Lớp tàu chiến này thường đảm trách nhiệm vụ kỳ hạm với khả năng chỉ huy, điều khiển và giao tiếp được nâng cao.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 9.700 tấn; dài 173,2 m; rộng 18,6 m; mớn nước 6,7 m. Tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí công suất 120.000 mã lực cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý; thủy thủ đoàn 380 người.
Để đảm trách chức năng chống ngầm, vũ khí chủ đạo của Kara là 8 tên lửa SS-N-14 Silex bố trí trong 2 cụm 4 ống phóng. Bên cạnh đó là 2 x 5 ống phóng ngư lôi PTA-53-1134B cỡ 533 mm và 4 bệ phóng rocket săn ngầm (2 RBU-6000 và 2 RBU-1000).
Ngoài săn ngầm, Kara còn có năng lực phòng không rất mạnh với 80 tên lửa tầm trung SA-N-3 Goblet và 40 tên lửa tầm ngắn SA-N-4 Gecko.
Đặc biệt, chiếc tuần dương hạm Azov còn được sử dụng làm tàu thử nghiệm hệ thống phòng không tầm xa SA-N-6 (phiên bản hải quân của S-300) với 24 tên lửa.
Vũ khí phụ gồm 2 pháo 76 mm nòng đôi AK-726, 4 pháo phòng không bắn nhanh AK-630 30 mm. Sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu cho phép mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-25 hoặc Ka-27.
Tổng cộng có 7 tuần dương hạm săn ngầm lớp Kara được đóng trong khoảng thời gian 1968 - 1975 tại nhà máy Mykolaiv bên bờ Biển Đen, hiện nay chỉ duy nhất chiếc Kerch còn hoạt động trong thành phần Hạm đội Biển Đen của Nga.
6. Tuần dương hạm lớp Slava
Slava - Dự án 1164 Atlant là một lớp tuần dương hạm cỡ lớn được đóng cho Hải quân Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiện nay chúng vẫn là lớp tàu chiến có sức mạnh hàng đầu của Hải quân Nga cũng như trên thế giới.
Slava được thiết kế từ những năm 1960 xoay quanh tên lửa hành trình chống hạm tầm xa SS-N-12 Sandbox (P-500 Bazalt) với mục đích đảm trách vai trò kỳ hạm như một giải pháp kinh tế hơn so với tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov.
Tuy nhiên do có sự chậm trễ kéo dài trong việc thiết kế, trong khi các vấn đề với tên lửa P-500 đã được giải quyết từ lâu dẫn đến việc chiếc đầu tiên phải đến năm 1982 mới chính thức đi vào hoạt động.
Slava cũng được đóng tại nhà máy Mykolaiv, chúng gần như là phiên bản kéo dài phần thân của tuần dương hạm lớp Kara và 2 lớp tàu này cũng thường kết hợp với nhau trong chiến đấu.
Tuần dương hạm lớp Slava có kích thước khổng lồ với lượng giãn nước đầy tải 12.500 tấn; dài 186,4 m; rộng 20,6 m; mớn nước 8,4 m; thủy thủ đoàn 485 người (trong đó có 66 sĩ quan).
Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp COGOG gồm động cơ turbine khí và động cơ turbine hơi nước với tổng công suất 130.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 7.500 hải lý (12.100 km) khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h (33 km/h).
Hệ thống điện tử của Slava cũng thuộc hàng tinh vi và đồ sộ bậc nhất với radar kiểm soát đường không tầm xa MR-800 Voshkod/Top Pair 3D, MR-700 Fregat/Top Steer hoặc MR-710 Fregat-MA/Top Plate 3D.
Bên cạnh đó là radar kiểm soát hỏa lực Volna/Top Dome, MPZ-301 Baza/Pop Group của tên lửa phòng không và Argument/Front Door-C của tên lửa chống hạm.
Sonar tần số cao MG-332 Tigan-2T/Bull Nose và Platina/Horse Tail MF VDS của Slava có thể phát hiện và định vị cũng như cung cấp thông tin về các loại tàu ngầm, tầu nổi của đối phương trong phạm vi lên đến vài trăm hải lý.
Vũ khí của Slava rất toàn diện gồm 16 tên lửa chống hạm P-500 Bazalt, 8 bệ phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm xa SA-N-6 Grumble (S-300PMU) với 64 đạn, 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 Gecko (OSA-M).
Ngoài ra, trên tàu còn có 1 pháo 130 mm nòng kép AK-130, 6 pháo phòng không AK-630 30 mm, 2 bệ phóng rocket săn ngầm RBU-6000, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm và 1 trực thăng săn ngầm loại Ka-27.
Hiện nay Hải quân Nga có trong biên chế 3 tuần dương hạm lớp Slava gồm Moskva - soái hạm Hạm đội Biển Đen; Varyag - soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương và Nguyên soái Ustinov hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.