50 năm trước, lính Mỹ đầu tiên bị bắt trong chiến tranh Việt Nam

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Gần 1 ngày chiến đấu ta tiêu diệt 78 tên địch, trong đó có 1 tên Mỹ, làm bị thương và bắt sống 332 tên, trong đó có 3 lính Mỹ.

Con đường cách mạng Việt Nam và chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ

Sau khi ký Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954), quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định. Trái lại, cả Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá bỏ Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước. Tình hình này diễn ra trong một thời gian dài làm cho phong trào đấu tranh cách mạng bị tổn thất nặng nề.

Thực tế trên yêu cầu ta phải nhanh chóng thay đổi hình thức đấu tranh. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng chính là ngọn lửa châm ngòi cho cao trào Đồng khởi trên quy mô lớn tại các địa phương ở Nam Bộ và Khu 5.

Trước tình hình đó, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt. Công thức tổng quát của chiến lược chiến tranh đặc biệt là: Quân đội Việt Nam Cộng hoà + Cố vấn Mỹ + Vũ khí Mỹ + Viện trợ kinh tế Mỹ. Chúng sử dụng hai chiến thuật mới là trực thăng vận và thiết xa vận.

 	Chiến thuật trực thăng vận của Mỹ - ngụy trên ở miền Nam Việt Nam

Chiến thuật trực thăng vận của Mỹ - ngụy trên ở miền Nam Việt Nam

Đầu năm 1962, Bộ tư lệnh quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV - Military Assistance Command, Vietnam) được thành lập do Đại tướng Paul Harkins đứng đầu, thay thế cho Cơ quan viện trợ quân sự (MAAG - Military Assistance Advisory Group) của Trung tướng Lionel C. McGarr.

Ngay sau đó, dưới sự chỉ huy của bọn cố vấn Mỹ, chúng tiến hành nhiều cuộc càn quét lực lượng cách mạng, dồn dân vào ấp chiến lược, hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Quân và dân miền Nam đã tiêu diệt nhiều lính Mỹ, nhưng chưa bắt sống được tên nào.

Bắt sống giặc Mỹ đầu tiên

Mãi đến ngày 29/10/1963, cách đây đúng 50 năm, những tên lính Mỹ đầu tiên mới bị bắt tại chiến trường miền Nam trong trận Trí Phải.

Hôm đó, Mỹ đưa học viên trường Sĩ quan chỉ huy biệt kích đặc biệt Huyện Sử, với lực lượng 1 tiểu đoàn học viên hạ sĩ quan lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa và 1 đại đội bảo an quân Sài Gòn (do 6 cố vấn Mĩ chỉ huy) càn quét vùng kênh 7 (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) mừng ngày bế giảng lớp huấn luyện đầu tiên. Chúng tiến quân vào Trí Phải. Máy bay khu trục oanh tạc, trực thăng vũ trang bay từng đoàn yểm trợ; hai trận địa pháo Huyện Sử và Thới Bình bắn cấp tập dọn đường cho bộ binh tiến quân.

Tiểu đoàn T70 của Quân khu IX phối hợp với du kích, bộ đội địa phương huyện Thới Bình bao vây sau đó bắn cháy nhiều máy bay địch. Gần 1 ngày chiến đấu ta tiêu diệt 78 tên địch, trong đó có 1 tên Mỹ, làm bị thương và bắt sống 332 tên (có 3 tên Mỹ). Đây là những tên Mỹ đầu tiên bị bắt trên toàn miền.

Đồng chí Đồng Văn Cống, nguyên Tư lệnh Quân khu T3 (Quân khu 9) nói: “Từ Cái Nước - Đầm Dơi tới Chà Là, đợt tiến công Thu - Đông năm 1963 của Quân khu T3 và tỉnh Cà Mau đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 tên địch, bắn rơi 33 máy bay, bắn bị thương 40 chiếc khác, bắt sống 3 tên Mỹ đầu tiên, tiêu diệt và đánh quỵ 6 tiểu đoàn quân chủ lực tổng dự bị, phá toangcác khu ấp chiến lược ở Nam - Bắc Cà Mau - Bạc Liêu thúc đẩy sự phá mảng, phá dề ấp chiến lược trên các tỉnh khắp quân khu, là một chiến dịch tổng hợp giành thắng lợi to lớn...Nó là chiến dịch tiến công tổng hợp lớn nhất đầu tiên trong toàn miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại”.

 	Phổ biến chính sách đối với tù hàng binh của MTDTGP cho đại diện Mỹ đi nhận tù binh Mỹ được phóng thích tại bến Tà Xiêm, Tây Ninh (1-1-1969). Ảnh tư liệu

Phổ biến chính sách đối với tù hàng binh của MTDTGP cho đại diện Mỹ đi nhận tù binh Mỹ được phóng thích tại bến Tà Xiêm, Tây Ninh (1/1/1969). Ảnh tư liệu

Sau những tên cố vấn Mỹ đầu tiên bị bắt này, đã có hàng ngàn lính Mỹ bị bắt trên chiến trường miền Nam. Ngày 29/3/1973, tên lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Miền Nam Việt Nam. Trước đó, trong đợt cuối cùng, phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN trả 127 tù binh Mỹ ở Lộc Ninh, sau bổ sung thêm một người còn sót lại ở Trà Vinh theo chương trình trao trả tù binh thuộc khuôn khổ hiệp định Paris.

 	Quân Mỹ hạ cờ tại trại Đa-vít vào ngày 29/3/1973 chấm dứt sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam

Quân Mỹ hạ cờ tại trại David vào ngày 29/3/1973 chấm dứt sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại