5 trận đại bại đáng xấu hổ trong lịch sử quân đội Anh

Anh Tuấn |

Trong nhiều thế kỷ, Đế quốc Anh được gọi là “đế chế mà mặt trời không bao giờ lặn”. Thế nhưng trong lịch sử của họ có những mảng tối và một vài trong số đó đã tổn thương đến lòng tự tôn của nước này.

Giống như đế chế La Mã, nước Anh đã đối đầu trước rất nhiều đối thủ. Họ cũng là người đã bị đánh bại bởi nhiều nước nhất, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp, người Anh-điêng, châu Phi, Afghanistan, Nhật và Đức.

Trong trường hợp của Anh, thất bại trong chiến đấu đến từ nhiều nguyên nhân, từ tự cao cho đến sự phân biệt chủng tộc. Dưới đây là 5 trận thua lớn nhất của quân đội Anh theo tổng hợp của tạp chí National Interest (Mỹ).

Saratoga

Thử tưởng tượng một tiểu đoàn Mỹ đầu hàng trước một đạo quân Taliban, bạn sẽ hiểu được tính nghiêm trọng của trận chiến Saratoga diễn ra vào năm 1777.

Một đội quân gồm 7.000 người đã buông súng trước một đội quân mà các chuyên gia châu Âu từng coi là một đội quân tạp nham ở thuộc địa.

Trận chiến Saratoga, khi Anh đã đầu hàng quân khởi nghĩa Mỹ.

Saratoga là trận chiến đáng lẽ không nên diễn ra. Mặc dù là một thế lực lớn của châu Âu, quân đội Anh rất nhỏ và việc đó luôn là sự cản trở đối với việc kiểm soát một vùng rộng lớn như phía đông vùng Bắc Mỹ.

Thế nhưng, Anh có Lực lượng Hải quân Hoàng gia, nổi tiếng với sự cơ động cho phép Anh có khả năng điều quân hoặc rút quân với tốc độ mà quân nổi dậy của George Washington không thể có được.

Và do đó, giống như rất nhiều lần trước đó, quân Anh tỏ ra coi thường đối phương và quyết định tiến hành một cuộc thâm nhập sâu vào nội địa Bắc Mỹ vào mùa thu năm 1777, cách xa hải quân rất nhiều.

Tướng John Burgoyne dẫn đầu 7.000 quân đi từ Canada xuống vùng thượng New York, nơi ông hội quân gần Albany với một cánh quân khác của tướng William Howe đi lên phía Bắc từ New York.

Trên lý thuyết, việc này sẽ giúp cô lập những căn cứ của quân cách mạng khỏi các vùng nổi loạn khác.

Không may là, chỉ huy quân đội Anh cũng bị chia cắt. Thay vì hỗ trợ Burgoyne, Howe quyết định đánh chiếm Philadelphia.

Mặc dù Burgoyne tái chiếm lại Pháo đài Ticonderoga, đội quân của ông giờ đây thiếu quân nhu trong khi mùa đông đang đến gần.

Thay vì rút lui về Canada, ông quyết định tiến sâu vào Albany. Trong khi đó, quân nổi dậy Mỹ dần dần tập hợp một đội quân gồm 15.000 du kích được hỗ trợ bởi tiếp viện đưa đến từ tướng Washington, bao gồm lực lượng súng trường của Daniel Morgan và Benedict Arnold.

Quân Anh không phải là bên duy nhất bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn ở cấp chỉ huy. Arnold đã có mâu thuẫn với tướng Horatio Gates, chỉ huy của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên sau hai trận đánh nhỏ ở Freeman’s Farm và đồi Bemis, quân của Burgoyne giờ đây trở nên ít hơn, bị bao vây và cô lập ở Saratoga, quá xa để có thể đưa quân tiếp viện.

Tướng Burgoyne đã đầu hàng vào ngày 17/10/1777, nhờ đó đã bảo vệ mạng sống của các binh sĩ dưới quyền khỏi một trận đánh vô vọng.

Nhưng việc quân khởi nghĩa đã tiêu diệt một đội quân Anh trên chiến trường khiến cho Pháp quyết định trở thành đồng minh với quân khởi nghĩa Mỹ đang ngày một lớn mạnh và tuyên chiến với Anh, và nối tiếp là Tây Ban Nha.

Ảnh hưởng của trận đánh này đối với lịch sử thế giới là rất lớn.

Isandlwana

Mặc dù bị người Mỹ đánh bại là điều đáng buồn, nhưng ít nhất họ là có tổ tiên và văn hóa bắt nguồn từ châu Âu. Nhưng liệu một đội quân cầm giáo người bản địa châu Phi có phải là đối thủ của đội quân Anh trang bị và huấn luyện kỹ càng?

Cho đến giờ, hình ảnh đó đã được đưa lên màn ảnh rộng trong bộ phim Zulu sản xuất năm 1964, miêu tả cảnh quân đội Anh chống trả lại vô số đợt tấn công của người châu Phi trong trận chiến Rorke’s Drift.

Trận chiến Isandlwana, khi sai lầm trong chiến lược khiến hàng ngàn lính Anh tử trận.

Trận chiến Rorke’s Drift đã thay đổi quan điểm của người Anh và sau đó, thất bại tại Isandlwana đã xảy ra. Người Zulu đã tiêu diệt 1.700 lính Anh và lính thuộc địa tại trận chiến Isandlwana diễn ra vào ngày 22/01/1879.

Anh đã xâm lược Zululand, ngoài mặt là để trả thù cho việc người Anh bị giết hại tại đây, nhưng thực ra là để lập nên một thể chế mới ở Nam châu Phi và điều đó chỉ đạt được bằng cách tiêu diệt đế chế Zulu.

Cũng giống như ở Saratoga, quân Anh lại tự đưa mình vào vị trí chết người. Chỉ huy là Huân tước Chemsford đã chia quân đội gồm 15.000 người thành ba nhánh và tin rằng điều này sẽ cho phép họ bao vây quân đội Zulu.

Huân tước Chemsford chỉ huy nhánh quân chính gồm 5.000 người, thiết lập trại ở Isandlwana, cách một nhóm quân Zulu mà do thám quân Anh đã không phát hiện được khoảng 8km.

Không những không đào công sự phòng thủ, ông ta tiếp tục chia quân mình có bằng cách đưa phần lớn quân truy đuổi một đạo quân mà ông cho rằng là mũi tấn công chính của quân đội Zulu và chỉ để lại 1.700 quân để bảo vệ trại.

Tuy nhiên, quân chủ lực Zulu gồm 20.000 người thực ra lại đang ẩn nấp gần trại lính. Khi do thám của Anh cuối cùng đã phát hiện ra, quân Zulu tấn công.

Họ cầm theo giáo mác và khiên của thời đại Đồ Sắt trong kỷ nguyên Công nghiệp đã có tàu hơi nước và súng máy.

Nhưng quân Zulu đã chứng minh rằng một đội quân có tổ chức, tinh thần chiến đấu cao và di chuyển có chiến lược có thể làm được gì mặc dù yếu thế về công nghệ.

Chiến thuật yêu thích của họ có tên là izimpondo zankomo (nghĩa là “sừng trâu”), tức là dùng những chiến binh Zulu lớn tuổi hơn để trực tiếp tấn công đối phương trong khi những người trẻ hơn vòng sang hai cánh và tấn công.

Chiến thuật đó đã khiến Zulu trở thành đế chế hùng mạnh và tiếng tăm lừng lẫy. Giờ đây, họ đã tiêu diệt quân Anh.

Trận chiến ở Eo biển Đan Mạch

Khi có tin báo vào tháng 5/1941 rằng tàu chiến Bismarck đang đi từ Đức ra phía Bắc Đại Tây Dương, hải quân Anh đã nhanh chóng đáp trả.

Một tàu chiến Đức hoạt động trên tuyến đường hàng hải chuyên cung cấp lương thực và vũ khí cho quân bộ trên bờ sẽ như một con hổ trong trại gà vậy.

Trận hải chiến tại Eo biển Đan Mạch. Tàu chiến Anh đã không thể tiêu diệt tàu chiến của Phát xít Đức.

Tàu Bismarck là một loại tàu chiến lợi hại, hiện đại và tân tiến hơn bất kỳ các tàu mà Anh và Mỹ có vào năm 1941. Được hộ tống cùng tàu tuần tiễu Prinz Eugen, nó là đổi thủ khó lường trong bất kỳ trận hải chiến nào.

Nhưng khi tàu Đức đi qua eo biển Đan Mạch ngày 24/05, không may cho Hải quân Anh rằng hai tàu chặn đánh chúng là tàu Prince of Wales và tàu Repulse.

Tàu Prince of Wales chỉ vừa mới xuất xưởng và vẫn có thợ thuyền trên tàu để hoàn thành nốt công việc. Còn tàu Repulse đã hạ thủy vào năm 1918, khi Thế chiến I vẫn còn tiếp diễn.

Là một chiến hạm, nhanh hơn nhưng không được gia cố như một tàu chiến thường, nó không hợp để đối đầu với một tàu hiện đại như Bismarck.

Mặc dù là chiến hạm, thiết giáp bảo vệ boong tàu rất mỏng, khiến nó rất yếu ớt trước những loạt đạn pháo bắn vào phía trên thay vì hai bên mạn của tàu.

Thay vì chờ đợi quân tiếp viện, quân Anh quyết định chiến đấu trong một trận chiến mà phần thắng không được đảm bảo. Đó là một trận hải chiến cổ điển, không có bóng dáng của máy bay hay tàu sân bay để can thiệp vào cuộc chơi.

Thế nhưng pháo của tàu Prince of Wales đã bị hỏng, khiến tỉ lệ bắn bị giảm đi. Còn tàu Repulse đã góp phần làm nên một ngày đen tối cho Hải quân Hoàng gia Anh.

Chỉ sau vài loạt pháo, tàu chiến đã phát nổ khiến 1.300 thủy thủ hy sinh. Nguyên nhân rất có thể là do đạn pháo của Đức đã bắn trúng boong tàu và phát nổ.

Tàu Prince of Wales đã bắn trúng ba lần vào tàu Bismarck, bao gồm một phát trúng mũi tàu khiến cho nước tràn và làm tàu mất đi một lượng nhiên liệu lớn ở bình trước.

Tuy nhiên thực tế, việc tàu Repulse, một trong những tàu chiến tự hào nhất của Hải quân Anh, bị đánh chìm đã khiến quân Đức thoát thân.

Nhưng chẳng bao lâu sau, sự mất mát của tàu Repulse đã được đền đáp. Đô đốc Hải quân Anh đã ra mệnh lệnh gồm ba từ đi vào lịch sử: “Đánh chìm Bismarck!”.

Tưởng như tàu Đức đã có thể thoát hiểm về đến Pháp, tàu Bismarck đã bị phá hoại bởi một máy bay thả ngư lôi Swordfish và cuối cùng bị hạm đội Anh đánh chìm.

Singapore

Sau khi bị quân nổi dậy Mỹ và người bản địa đánh bại, đến năm 1940, đến lượt người Nhật làm được điều tương tự.

Các chuyên gia Anh trước chiến tranh đã không đánh giá cao quân Nhật vì lý do phân biệt chủng tộc, và đó là một sai lầm lớn.

Trận chiến Singapore, khi quân Anh không thể kháng cự trước phát xít Nhật.

Sự coi thường đó đã khiến quân Anh phải nhận trái đắng khi chiến trường Thái Bình Dương đã bắt đầu 6 tháng, khi lục quân và hải quân phát xít Nhật đã xé toang lực lượng châu Âu trên khắp vùng Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương.

Sự kiện pháo đài Anh ở Singapore thất thủ là đại diện điển hình nhất cho tình hình lịch sử lúc đó.

Singapore đã từng được coi là pháo đài không thể xâm phạm của đế chế Anh tại châu Á. Đó là lòng tin không xác thực, bởi ngân sách hạn hẹp đã khiến hòn đảo này trở nên yếu đuối hơn bao giờ hết.

Tuy vậy, với quân số 80.000 người, người ta vẫn tin rằng Singapore vẫn có thể cầm cự được một thời gian dài cho đến khi viện quân đến.

Nhưng cứu viện không bao giờ xuất hiện. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phần lớn đã bị tiêu diệt ở Trân Châu Cảng.

Tàu chiến Prince of Wales và tàu Repulse khác đã bị máy bay thả ngư lôi đánh chìm ở ngoài khơi bán đảo Malay, khiến Singapore không có hải quân bảo vệ.

Nhưng phần lớn những thất bại của người Anh đến từ những điều không ai có thể giải thích được.

Các phi công Hoàng gia Anh, vốn đã ngạo mạn sau chiến thắng trước không quân Luftwaffe của Đức trong trận không chiến ở Anh, bị áp đảo bởi những phi công Nhật Bản được huấn luyện bài bản cùng phi cơ chiến đấu Zero của họ.

Trong khi đó, lục quân Nhật đã đổ bộ ở bán đảo Malay ở phía Bắc Singapore vào ngày 8/12 có quân số thấp hơn quân Anh, nhưng họ đã chiến thắng đội Ngũ người Anh, Úc và Ấn Độ không được huấn luyện và chỉ đạo bài bản.

Đội quân này được chỉ huy bởi tướng Yamashita, người đã chiến thắng quân Mỹ ở Philippines và sau này được gọi là “Con hổ vùng Malaya”. Còn quân Anh thì do tướng Percival thờ ơ chỉ huy cùng hệ thống cấp dưới hay mâu thuẫn.

Quân số của Yamashita chỉ bằng một phần ba quân Anh và phải tiến hành một cuộc tấn công qua eo biển chia cắt Singapore khỏi lục địa.

Pháo đài đã thất thủ chỉ trong một tuần, 80.000 quân Anh đã đầu hàng, phần lớn họ không thể sống qua sự tàn bạo khi làm tù binh phát xít Nhật. Thủ tướng Anh Winston Churchill miêu tả sự kiện này là thảm họa lớn nhất trong lịch sử đất nước.

Gazala

Sự thờ ơ đã khiến Anh mất pháo đài Singapore đã suýt làm Anh thua trận tại Trung Đông.

Mùa hè năm 1942, sau khi Anh và liên quân phát xít Đức - Ý đã giao tranh trên khắp vùng Bắc Phi trong hai năm, chiến trường tạm thời ổn định trong khi cả hai bên chuẩn bị cho lần đánh tiếp theo.

Trận chiến Gazala, quân Anh tỏ ra hời hợt trong các đợt tấn công cần thiết.

Tại khu vực rộng lơn, không có nước và khoảng cách giữa các thành phố rất lớn, chiến dịch Bắc Phi giống như một trận hải chiến hơn là những trận chiến trên bộ như ở Somme và Normandy.

Giống như các hạm đội trên biển, lục quân luôn phải di chuyển qua trên vùng hoang mạc, nơi phần lớn lãnh thổ không có nhiều giá trị chiến lược, ngoại trừ một số cảng tiếp tế quan trọng như Benghazi và Tobruk.

Nhưng giữa năm 1942, quân Anh quyết định thiết lập đường phòng thủ giống như phòng tuyến Maginot ở châu Âu.

Phòng tuyến Gazala, được xây dựng gần Tobruk, chạy dọc từ bờ biển phía Nam Địa Trung Hải cho đến tận sa mạc. Nó bao gồm một dải với bãi mìn và các tháp được gia cố được nhiều lữ đoàn lục quân canh giữ, và được hỗ trợ ở phía sau bởi xe thiết giáp Anh.

Không may là, vùng hoang mạc rộng lớn không có sông và núi để phòng thủ vững vàng, và phía Nam trở thành một điểm xâm nhập đáng chú ý của phòng tuyến.

Việc để hở sườn trước quân Đức là điều không bao giờ được làm, và tướng Erwin Rommel đã không bỏ lỡ điều này.

Mặc dù quân số Anh nhiều hơn Sư đoàn Bắc Phi của Rommel và đồng minh Ý, Rommel đã tấn công vào ngày 27/05.

Ông ta cho xe tăng đi vòng qua cánh phía Nam của phòng tuyến trong khi quân Ý (phần lớn hành quân trên bộ trên sa mạc) đánh lạc hướng quân Anh bằng cách tấn công các tháp phòng thủ.

Theo đúng kịch bản, phòng tuyến Anh sẽ bị bao vây và tiêu diệt. Nhưng thực tế không diễn ra như kế hoạch và phía Đức mới là bên gặp rắc rối.

Nằm trên đường tấn công của xe tăng Đức là ốc đảo Bir Hacheim, nơi đóng quân của quân lê dương Pháp. Xe tăng Đức bị kẹt giữa Bir Hacheim và bãi mìn Anh, còn nhiên liệu không thể đến chỗ xe tăng được.

Người Anh có thể kết thúc chiến dịch Bắc Phi tại đó nếu các xe thiết giáp mở cuộc tấn công dứt khoát vào quân Đức bị cô lập.

Nhưng cũng giống như ở Singapore, chỉ huy Anh tỏ ra hời hợt bất thường, chỉ gửi đến xe tăng theo các nhóm nhỏ để chống lại xe tăng Đức.

Càng trầm trọng hơn là xe tăng Anh tấn công mà không có bộ binh và pháo binh hỗ trợ nhằm giúp vô hiệu hóa súng chống tăng của quân Đức.

Rommel đã không lãng phí thời gian trời cho này. Ông ta đã mở đường cho tiếp tế, nạp nhiên liệu vào xe tăng và bắn phá số quân Anh còn lại.

Trước mắt Rommel giờ đây là Tobruk, pháo đài mà người Úc đã từng đẩy lui quân của Rommel vào năm 1941.

Nhưng lực lượng phòng thủ đã không được gia cố lại, quân Nam Phi tại đây không được chuẩn bị trước và pháo đài nhanh chóng thất thủ với 30.000 quân đầu hàng.

Với lượng nhiên liệu và quân nhu tiếp tế này, Sư đoàn Bắc Phi thẳng tiến tới Ai Cập và gần đến kênh Suez, chỉ bị chặn đứng tại El Alamein.

Diễn ra chỉ 4 tháng sau khi Singapore thất thủ, Tobruk là điểm đen mới của quân đội Anh. Sau gần 3 năm chiến tranh, quân đội Anh tiếp tục chứng minh rằng họ vẫn không thể trực tiếp đối đầu quân Đức.

Tuy vậy, người Anh cuối cùng đã đánh bại người Zulu, người Đức và người Nhật. Như một người Anh từng nói, “Chúng ta thua mọi trận chiến, chỉ trừ trận cuối”.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ trang tin điện tử của National Geographic, một kênh truyền hình khoa học về thiên nhiên uy tín nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại