Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo. Nguyên mẫu Rafale thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 7/1986 và đến năm 2000 thì được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Pháp, tính đến tháng 7/2014 có 131 chiếc đang hoạt động. Rafale có chiều dài 15,27 m; sải cánh 10,8 m; cao 5,34 m; trọng lượng rỗng 9.500/ 9.770/ 10.196 kg (phiên bản C/B/M) trọng lượng cất cánh tối đa 24.500/ 22.200 kg (Phiên bản C/M); được trang bị 2 động cơ phản lực SNECMA M88 công suất 50,4 kN mỗi chiếc (lên tới 75 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa 2.250 km/h; tầm hoạt động 1.800 km; trần bay 18.000 m; tải trọng vũ khí 9.500 kg.
Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khi thực hiện động tác biểu diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác thao diễn "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động. Nhờ được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử Spectra hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhà sản xuất tuyên bố Rafale sẽ hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không của đối phương.
Eurofighter Typhoon (còn được gọi là EF-2000) là loại máy bay tiêm kích đánh chặn được thiết kế và chế tạo bởi liên doanh Eurofighter GmbH thành lập năm 1986 giữa các nhà sản xuất hàng không Châu Âu. Tuy nhiên những nghiên cứu đầu tiên của dự án này đã bắt đầu ngay từ năm 1979 và phát triển thành chiếc Eurofighter Typhoon như ngày nay. EF-2000 cất cánh lần đầu ngày 27/3/1994, chính thức ra mắt vào năm 2003, tính đến tháng 10/2014 đã có 418 chiếc xuất xưởng. Thông số kỹ thuật cơ bản: dài 15,96 m; sải cánh 10,95 m; cao 5,28 m; trọng lượng rỗng 11.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 23.500 kg. EF-2000 trang bị 2 động cơ Eurojet EJ200 lực đẩy 60 kN mỗi chiếc (lên đến 90 kN khi đốt nhiên liệu lần 2); tốc độ tối đa 2.390 km/h; tầm hoạt động 1.390 km; trần bay 19,812 m; tải trọng vũ khí 7.500 kg.
EF-2000 mặc dù được thiết kế như một máy bay chiến đấu đa nhiệm tuy nhiên chức năng cường kích vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thiết kế gốc của Typhoon EF-2000 rất chắc chắn và mạnh mẽ, bộ khung có khả năng chịu tải trọng cùng với áp lực khi không chiến tốc độ cao. Eurofighter được xem là chiến đấu cơ có khả năng không chiến tốt nhất thế giới, thông qua những cuộc tập trận như Indra Dhanush 2007 hay khi đối đầu với Su-30 MKI của Ấn Độ. Trong tương lai, Eurofighter Typhoon còn có thể được trang bị radar mảng pha quét chủ động AESA Captor-E phát triển dựa trên radar Captor đang sử dụng với phần ăng ten và thiết bị phát năng lượng tần số cao được thiết kế lại cho khả năng không chiến tăng gấp nhiều lần.
JAS-39 Gripen là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ 1 động cơ do công ty hàng không Saab Thụy Điển phối hợp với Ericson (hệ thống điện tử) và Volvo (động cơ) chế tạo. JAS-39 Gripen thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 9/12/1988, chính thức ra mắt ngày 9/6/1996, tính đến nay có 184 chiếc đã sản xuất và 232 chiếc đang được đặt hàng. Kích thước của JAS-39 thuộc hàng nhỏ bé nhất trong số những máy bay chiến đấu hiện đại với chiều dài 14,1 m (14,8 m với phiên bản 2 chỗ ngồi); sải cánh 8,4 m; cao 4,5 m; trọng lượng rỗng 6.800 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 14.000 kg; máy bay được trang bị động cơ Volvo RM12 lực đẩy 54 kN (lên tới 80,5 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa 2.204 km/h; bán kính chiến đấu 800 km (tầm hoạt động có thể lên tới 3.200 km khi mang theo thùng dầu phụ); trần bay 15.240 m; tải trọng vũ khí 5.300 kg.
Thiết kế của JAS-39 gồm cặp cánh delta lớn và cánh mũi mang đậm chất châu Âu, máy bay có ưu điểm là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800 m, trong quá trình chiến đấu chỉ cần vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ khí là lại có thể cất cánh. Bên cạnh đó, JAS-39 còn được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm hoạt động tối đa 120 km. Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 có 67% của Thụy Điển và châu Âu còn lại 33% là của Mỹ. Các quốc gia sử dụng đánh giá cao JAS-39 ở đặc tính nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng và chi phí bảo trì rẻ.
Su-30MKI (tên ký hiệu NATO: Flanker H) là một biến thế của dòng máy bay chiến đấu nổi tiếng Su-30 được Tập đoàn Sukhoi (Nga) và HAL (Ấn Độ) hợp tác cùng phát triển dành riêng cho Không quân Ấn Độ. Su-30MKI là máy bay tiêm kích hạng nặng được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, hoạt động tầm xa. Su-30MKI có chiều dài 21,935 m; sải cánh 14,7 m; cao 6,36 m; trọng lượng rỗng 18.400 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 38.800 kg; máy bay được trang bị 2 động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP có công suất tối đa lên tới 123 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa 2.500 km/h; tầm hoạt động 3.000 km; trần bay 17.300 m; tải trọng vũ khí 8.000 kg.
Do máy bay chiến đấu xuất khẩu thường bị Nga cắt giảm tính năng nên phía Ấn Độ tỏ ra không hài lòng. Chính vì vậy họ đã tiến hành lắp các thiết bị điện tử của Pháp và Israel lên máy bay như: màn hình hiển thị trước mặt phi công (HUD), hệ thống dẫn đường hồng ngoại tiên tiến (NAVFLIR) và thiết bị chỉ thị mục tiêu laser Damocles Laser Designation của tập đoàn Thales (Pháp), cảm biến cảnh báo tên lửa MAW-300 (MAWS) và cảm biến cảnh báo laser (LWS) từ SAAB AVITRONICS bên cạnh các thành phần chủ yếu của Nga như radar NIIP N011M BARS PESA và động cơ 2D TVC AL-31FP. Su-30MKI được đánh giá là biến thể mạnh nhất của gia đình máy bay Sukhoi Su-30, thậm chí còn vượt trội cả Su-30 nguyên bản của Nga khiến nước này phải nội địa hóa ngược phiên bản xuất khẩu để cho ra đời biến thể Su-30SM.
J-10 là loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ tiên tiến nhất của Trung Quốc do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (Chengdu) chế tạo, thiết kế của J-10 gần như giống hệt tiêm kích IAI Lavi của Israel mặc dù cả 2 nước đều phủ nhận mối liên hệ giữa chúng. J-10 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/3/1998 và bắt đầu phục vụ trong không quân PLA từ năm 2002, Trung Quốc dự định trong tương lai sẽ sản xuất tới 1.000 chiếc tiêm kích nhẹ loại này. Thông số kỹ thuật cơ bản: chiều dài 15,49 m; sải cánh 9,75 m; cao 5,43 m; trọng lượng rỗng 9.750 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 19.277 kg; J-10 được trang bị 1 động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FN có công suất tối đa lên tới 125 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa Mach 2,2; bán kính chiến đấu 550 km; trần bay 18.000 m; tải trọng vũ khí 6.000 kg.
Nhờ được trang bị 1 cặp cánh canard và động cơ kiểm soát vector lực đẩy nên J-10 có khả năng cơ động rất tốt (được đánh giá vượt trội so với F-16) cùng những thiết bị điện tử hàng không tiên tiến trong đó đáng kể nhất là hệ thống fly-by-wire số 4 kênh tính hiệu giúp phi công điều khiển máy bay, thông tin sẽ được cung cấp qua 3 màn hình tinh thể lỏng hiển thị đa chức năng trong buồng lái, thanh điểu khiển kiểu phương tây HOTAS (Hands On Throttle And Stick) cũng được tích hợp trong thiết kế chiếc J-10. Từ mẫu J-10A ban đầu, Trung Quốc đang thực hiện một số cải tiến để cho ra đời phiên bản nâng cấp J-10B, đặc điểm phân biệt dễ nhận thấy nhất là ở thiết kế cửa hút gió.