Kể từ sau Thế chiến II, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác đã mất nhiều tàu ngầm cùng thủy thủ đoàn do tai nạn.
Cho đến nay, việc vận hành tàu ngầm vẫn mang đến rủi ro lớn. Ngay cả với những công nghệ hiện đại nhất, nếu các thủy thủ không cẩn thận hoặc thiết bị tàu bất ngờ gặp trục trặc, thảm họa có thể xảy ra.
Dưới đây là 5 thảm họa tàu ngầm nghiêm trọng nhất trong vòng vài thập kỷ trở lại đây.
Thảm họa tàu ngầm Kursk, năm 2000
Xác tàu ngầm Kursk sau khi được vớt lên
Một trong những thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất trong những năm trở lại đây là việc tàu K-141 Kursk, một tàu ngầm hạt nhân lớp Antey của Nga bất ngờ phát nổ dưới lòng biển vào ngày 12/08/2000, khiến toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu thiệt mạng.
Xác tàu Kursk sau đó đã được tìm thấy và kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân tại nạn là do một quả ngư lôi Type-65-76A trên tàu nổ tung.
Mặc dù đây là loại vũ khí lợi hại, có khả năng tiêu diệt một tàu sân bay chỉ bằng một phát bắn, nó được thiết kế để vận hành bằng nhiên liệu hydro peroxit, một hợp chất dễ bay hơi và cần phải rất cẩn thận khi sử dụng.
Đáng tiếc là thủy thủ đoàn của tàu Kursk không được huấn luyện hoặc không có kinh nghiệm trong việc sử dụng loại vũ khí này.
Sau khi thảm họa tàu Kursk xảy ra, Hải quân Nga ngừng sử dụng hoàn toàn các loại thủy lôi chạy bằng nhiên liệu hydro peroxit.
Thảm họa tàu ngầm Komsomolets, năm 1989
Tàu ngầm Komsomolets của Liên Xô trước khi gặp tai nạn
Tàu K-278 Komsomolets là tàu ngầm lớp Plavnik duy nhất của Nga được hoàn thiện. Được thiết kế với mục đích chủ yếu là thử nghiệm các công nghệ mới, tàu Komsomolets có thể hoạt động ở độ sâu hơn 1.000 m dưới lòng biển.
Mục đích của tàu là để ứng dụng các thiết bị tự động cũng như hoàn thiện kỹ thuật gia cố mạn tàu ngầm bằng chất liệu titan chịu lực của Liên Xô.
Tàu Komsomolets chìm vào ngày 07/04/1989, sau khi lửa bất ngờ bốc lên từ trong khoang tàu. Hỏa hoạn lan ra và hủy hoại nhiều bộ phận trên tàu, khiến nước lọt vào bên trong.
Mặc cho những nỗ lực của thủy thủ đoàn, 42 trong tổng số 69 người trên tàu đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này. Chỉ có 4 người chết do bị bỏng, những người còn lại đều tử vong do ngạt khí.
Hiện nay, lò phản ứng hạt nhân và hai đầu đạn hạt nhân của tàu Komsomolets vẫn đang nằm trong xác tàu ở dưới đáy biển Barents, một hiểm họa khôn lường có thể để lại hậu quả nghiêm trọng sau này.
Thảm họa tàu ngầm K-8, năm 1970
Tàu ngầm chiến đấu K-8 của Liên Xô
Tàu K-8 là một tàu ngầm hạt nhân lớp Kit của Nga đã chìm do hỏa hoạn vào ngày 12/04/1970. Vài ngày trước đó, tàu đã một lần bốc cháy do dầu chảy vào hệ thống lưu thông không khí của tàu.
Ngọn lửa lan nhanh đã khiến thuyền trưởng yêu cầu thủy thủ đoàn bỏ tàu. Sau khi được một tàu cứu hộ cứu, vài ngày sau họ lại lên tàu ngầm này một lần nữa, nhưng lần này tàu gặp sự cố và chìm xuống biển sâu cùng toàn bộ 52 người trong thủy thủ đoàn.
Rất nhiều tàu ngầm của Nga đã gặp sự cố do lửa bốc lên trong khoang. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Nga, K-3 Leninsky Komsomol, suýt nữa bị phá hỏa do hỏa hoạn vào tháng 9/1967.
Thảm họa tàu ngầm USS Scorpion, năm 1969
Tàu ngầm USS Scorpion đột ngột gặp nạn
Vào ngày 22/05/1969, tàu ngầm USS Scorpion, một tàu tấn công lớp Skipjack của Mỹ đã chìm cùng toàn bộ 99 thành viên thủy thủ đoàn ở vị trí cách đảo Azores (Bồ Đào Nha) khoảng 650km về phía Tây Nam.
Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với tàu Scorpion. Hải quân Mỹ đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm khi tàu không trở về căn cứ vào vào ngày 5/6 họ tuyên bố tàu đã bị chìm.
Cuối năm 1969, tàu Scorpion đã được tìm thấy ở độ sâu 3.000 m dưới đáy biển nhờ một tàu khảo sát của Hải quân Mỹ hoạt động ở gần dó.
Một số nguồn tin nội bộ nói rằng họ đoán được chuyện gì đã xảy ra với tàu Scorpion, nhưng không tiết lộ chi tiết. Phần lớn các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tàu Scorpion bị chìm là do một quả ngư lôi Mark 37 phát nổ.
Thảm họa tàu ngầm USS Thresher, năm 1963
Thảm họa tàu ngầm Thresher cho đến này vẫn có số người thiệt mạng nhiều nhất trong số các vụ tai nạn tàu ngầm
Tàu USS Thresher chìm vào ngày 10/04/1963 cùng toàn bộ 129 người trên tàu. Đây là thảm họa tàu ngầm hạt nhân đầu tiên và cho đến này là vụ việc có số người thiệt mạng nhiều nhất.
Không như vụ tàu Scorpion, Hải quân Mỹ công khai tuyên bố nguyên nhân tàu bị chìm, đó là do lỗi kỹ thuật.
Năm phút trước khi mất liên lạc với tàu Thresher, tàu cứu hộ Skylark nhận được tín hiệu vô tuyến đứt đoạn từ tàu Thresher rằng tàu đang gặp những vấn đề kỹ thuật nhỏ.
Tàu Skylark tiếp tục nhận được thêm những thông điệp từ tàu ngầm cho đến khi thiết bị sona bắt được tiếng tàu ngầm xấu số vỡ nát.
Hải quân Mỹ sau đó tuyên bố rằng một đường ống của tàu đã bị vỡ khiến lò phản ứng hạt nhân của tàu bị ngừng hoạt động do nước biển tràn vào.
Sau đó, khoang chứa nước chính của tàu Thresher đã không đẩy được nước ra ngoài. Thủy thủ đoàn đã không thể tiếp cận những thiết bị cần thiết để ngăn chặn nước tràn.
Sau khi thảm họa tàu Thresher xảy ra, Hải quân Mỹ khởi động chương trình SUBSAFE, qua đó kiểm tra và báo cáo kỹ càng tình trạng của tất cả các bộ phận trên tàu ngầm hạt nhân định kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.