5 oanh tạc cơ cánh cụp cánh xòe mạnh nhất thế giới

Phi Yến |

Mặc dù thời hoàng kim của máy bay chiến đấu cánh cụp cánh xòe đã qua từ lâu, song những oanh tạc cơ với đôi cánh có khả năng thay đổi hình dạng được dự báo sẽ còn hiện diện trên bầu trời thêm nhiều thập kỷ nữa.

1. F-111 Aardvark

General Dynamics F-111 Aardvark (con lợn đất) là một loại máy bay ném bom chiến lược tầm trung, trinh sát, và chiến đấu được thiết kế trong những năm 1960 (thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 21/12/1964). F-111 được Không quân Mỹ cho nghỉ hưu vào năm 1996 tuy nhiên nó vẫn được Không lực Hoàng gia Australia (RAAF) sử dụng, tại đây nó được gọi là "Pig" (con lợn) cho đến khi về hưu hẳn sau ngày 3/12/2010.

Thông số kỹ thuật máy bay F-111D: Kíp lái 2 người; dài 22,4 m; sải cánh 9,75 m (cụp), 19,2 m (xòe); cao 5,22 m; trọng lượng rỗng 21.537 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 44.896 kg, tải trọng vũ khí 14.300 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF30-P-100 lực đẩy 79,6 kN (lên tới 112 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 2,5; tầm bay 5.190 km; trần bay 17.270 m.

F-111 đi tiên phong trong một số kỹ thuật sản xuất máy bay quân sự, bao gồm thiết kế cánh có thể thay đổi hình dạng (cánh cụp cánh xoè), động cơ phản lực quạt ép có đốt sau và radar theo dõi địa hình để bay nhanh ở cao độ thấp. Thiết kế của nó có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tới các kỹ sư Liên Xô và một số tính năng tiên tiến của nó đã trở thành tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên sự khởi đầu của F-111 mắc phải nhiều vấn đề về thiết kế và nhiều dự định cho vai trò của nó như máy bay tiêm kích đánh chặn dành cho hải quân đã không thể thực hiện được.

F-111A được triển khai đầu tiên tại chiến trường Việt Nam, F-111F đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh nhưng có lẽ thành công lớn nhất của F-111 chính là trong cuộc tấn công hỗn hợp của Không quân và Hải quân Mỹ vào giữa tháng 4/1986 tại El Dorado Canyon, Libya. Trong Không quân Mỹ, F-111 đã được thay thế hiệu quả bởi chiếc F-15E Strike Eagle ở vai trò máy bay tấn công chính xác tầm trung, trong khi nhiệm vụ ném bom chiến lược được tiếp nối bởi B-1B Lancer.

Máy bay F-111A

5 máy bay quân sự cánh quạt nổi tiếng nhất thế giới 5 máy bay quân sự cánh quạt nổi tiếng nhất thế giới

Giữa thời đại phản lực, máy bay quân sự sử dụng động cơ cánh quạt vẫn có chỗ đứng riêng và chưa thể thay thế ít nhất là trong tương lai trước mắt.

2. B-1 Lancer

Rockwell B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu âm cánh cụp cánh xòe của Không quân Mỹ. Phiên bản B-1A được North American Rockwell nghiên cứu phát triển vào đầu những năm 1970, tuy nhiên việc sản xuất hàng loạt bị hủy bỏ và chỉ có 4 chiếc được chế tạo. Năm 1980, dự án B-1 lại hồi sinh do nó được phát hiện có khả năng thực hiện các phi vụ oanh tạc xâm nhập thấp chớp nhoáng. B-1B bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1986.

Thông số kỹ thuật máy bay B-1B: Kíp lái 4 người; dài 44,5 m; sải cánh 24 m (cụp), 41,8 m (xòe); cao 10,4 m; trọng lượng rỗng 87.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 216.400 kg, tải trọng vũ khí 56.700 kg. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 lực đẩy 64,9 kN (lên tới 136,92 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 1,25; tầm bay 11.999 km; trần bay 18.000 m.

Các máy bay B-1B đầu tiên phục vụ trong Không quân Mỹ với vai trò máy bay ném bom hạt nhân chiến lược, đến những năm 1990 nó được chuyển đổi sang máy bay ném bom thông thường. B-1B trải qua thực chiến lần đầu tiên năm 1998 trong chiến dịch Cáo sa mạc, sau đó nó tiếp tục vai trò yểm trợ hỏa lực cho quân đội Mỹ và NATO ở chiến trường Afghanistan và Iraq.

Trong suốt quá trình hoạt động, B-1B gặp phải không ít chỉ trích giống như người tiền nhiệm F-11 ví dụ như hộp số lớn dùng để di chuyển cánh hay bị nứt, động cơ thường rò rỉ nhiên liệu và trong một số trường hợp còn rơi luôn ra khỏi máy bay, bên cạnh đó radar địa hình cho thông số sai lệch cũng như không tương thích với các loại vũ khí mới. Tuy nhiên B-1B Lancer vẫn được tin dùng chủ yếu nhờ khả năng bay thấp tốc độ cao và ném bom có điều khiển rất chính xác.

Máy bay B-1B trong một cuộc thử nghiệm

3.Tu-160

Tupolev Tu-160 (tên định danh NATO Blackjack) là loại máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh với đôi cánh có thể thay đổi hình dạng. Tu-160 là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô mục đích để cạnh tranh với B-1 Lancer của Mỹ, đây cũng là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo.

Thông số kỹ thuật máy bay Tu-160: Kíp lái 4 người; dài 54,1 m; sải cánh 35,6 m (cụp ở góc 650), 55,7 m (xòe ở góc 200); cao 13,1 m; trọng lượng rỗng 110.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 275.000 kg, tải trọng vũ khí 40.000 kg. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Samara NK-321 lực đẩy 137,3 kN (lên tới 245 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 2,05; tầm bay 12.300 km; trần bay 15.000 m.

Năm 1972, phòng thiết kế Tupolev đưa ra mẫu thiết kế máy bay có cánh kéo dài với tên hiệu Aircraft 160M, kết hợp một số yếu tố của Tu-144 để cạnh tranh với các bản thiết kế Myasishchev M-18 và Sukhoi T-4. Thiết kế của Myasishchev đề xuất một máy bay có thể thay đổi hình dạng cánh, được coi là kiểu thành công nhất dù Tupolev được đánh giá cao về khả năng thực hiện dự án. Cuối cùng, năm 1973 Tupolev được chỉ định phát triển loại máy bay mới dựa trên thiết kế của Myasishchev. Đến năm 1977, thiết kế của Tu-160 chính thức được chấp nhận.

Tu-160 Tu-160 có hệ thống kiểm soát "fly-by-wire" tiên tiến, được trang bị 1 radar tấn công Obzor-K và 1 radar theo dõi mặt đất Sopka riêng biệt khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp. Ngoài ra máy bay còn có 1 máy ngắm ném bom điện quang và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.

Tu-160 được sản xuất hàng loạt tại Tổ hợp hàng không Kazan từ năm 1984, ban đầu nó được dự kiến sản xuất với số lượng 100 chiếc nhưng thực tế mới chỉ có 35 chiếc xuất xưởng gồm cả 3 mẫu thử nghiệm. Do sự tan rã của Liên bang Xô Viết nên việc chế tạo diễn ra rất chậm chạp và đã bị ngừng lại vào năm 1994 mặc dù một số chiếc vẫn ở tình trạng chưa hoàn thành.

Thiên nga trắng - Máy bay ném bom siêu âm Tu-160

Top 5 máy bay tuần tra săn ngầm tốt nhất thế giới Top 5 máy bay tuần tra săn ngầm tốt nhất thế giới

Máy bay tuần tra săn ngầm cánh bằng có những lợi thế tác chiến mà tàu ngầm tấn công, tàu mặt nước và trực thăng săn ngầm không thể so sánh nổi.

4. Tu-22M

Tupolev Tu-22M (tên định danh NATO Backfire) là loại máy bay ném bom tấn công siêu âm cánh cụp cánh xoè tầm xa của hải quân Liên Xô, được phát triển nhằm thay thế người tiền nhiệm Tu-22 Blinder không mang lại nhiều thành công như mong đợi, thậm chí ở một số khía cạnh còn kém cả chiếc Tu-16 Badger.

Thông số kỹ thuật máy bay Tu-22M3: Kíp lái 4 người; dài 41,46 m; sải cánh 23,3 m (cụp ở góc 650), 34,28 m (xòe ở góc 200); cao 11,05 m; trọng lượng rỗng 58.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 126.500 kg, tải trọng vũ khí 21.000 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov NK-25 lực đẩy 245,2 kN cho tốc độ tối đa Mach 1,88; tầm bay 7.000 km; trần bay 13.300 m.

Tu-22M ra đời trong thời kỳ ưu điểm của kiểu cánh biến đổi dạng hình dạng như cho phép kết hợp tính năng cất cánh đường băng ngắn, tốc độ bay tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả, duy trì tốc độ cao và khả năng bay thấp đang hấp dẫn các nhà thiết kế.

Nguyên mẫu Tu-22M0 cất cánh lần đầu ngày 30/8/1969, trong những cuộc đàm phán SALT hồi thập niên 1980 Liên Xô gọi nó là Tu-22M. Có tất cả 9 chiếc Tu-22M0 giai đoạn tiền sản xuất được chế tạo, tiếp theo đó là 9 chiếc Tu-22M1 (Backfire A) sản xuất năm 1971 và 1972. Cũng trong năm 1972, phiên bản Tu-22M2 (Backfire B) đã đi vào sản xuất hàng loạt và phiên bản hiện đại nhất Tu-22M3 (Backfire C) trang bị động cơ NK-25 với cửa hút gió kiểu MiG-25 chính thức vào biên chế năm 1983.

Trong Chiến tranh lạnh, Tu-22M3 thường mang theo tên lửa chống tàu AS-4 Kitchen khi tuần tra. Tu-22M3 lần đầu được sử dụng trong chiến đấu tại Afghanistan từ năm 1987 - 1989. Liên bang Nga sử dụng Backfire để tiến hành không kích gần Grozny vào năm 1995. Đã có ít nhất 1 máy bay ném bom Tu-22М3 bị hệ thống phòng không Gruzia bắn rơi trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng năm 2008.

Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ có khoảng 370 chiếc Tu-22M còn hoạt động trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Tình trạng phức tạp và những khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng mạnh tới phi đội này. Việc chế tạo chấm dứt năm 1993, số lượng hiện tại còn 162 chiếc.

Máy bay ném bom Tu-22M3

5. Su-24

 

Sukhoi Su-24 (tên định danh NATO Fencer) là loại máy bay tấn công ném bom 2 động cơ hiện đại của Liên Xô vào giữa những năm 1970 - 1980, có thể hoạt động trong mọi thời tiết, đây là chiếc máy bay Xô Viết đầu tiên được trang bị hệ thống tích hợp số dẫn đường/tấn công, giống như loại General Dynamics F-111 Aardvark của Mỹ.

Thông số kỹ thuật máy bay Su-24M: Kíp lái 2 người; dài 22,67 m; sải cánh 10,36 m (cụp), 17,63 m (xòe); cao 6,19 m; trọng lượng rỗng 22.300 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 39.700 kg, tải trọng vũ khí 8.000 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Saturn/Lyulka AL-21F-3A lực đẩy 75 kN (lên tới 110 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 1,1; tầm bay 2.500 km; trần bay 11.000 m.

Hình dạng khí động học của Su-24 tương tự MiG-23 Flogger, cánh của Su-24 có một đoạn nhỏ gắn cố định trên thân, còn phần cánh còn lại có thể di chuyển đên 4 góc khác nhau: 16° để cất cánh và hạ cánh, 35° và 45° cho bay tuần tiễu tại những độ cao khác nhau và 69° cho tỷ lệ tối thiểu giữa cánh và diện tích khi bay ở độ cao thấp. Cánh cụp cánh xòe cung cấp khả năng thực hiện thao tác STOL hoàn hảo. Lực nâng cánh cao tạo sự vững chắc ổn định khi bay và hạn chế tối đa các rung động khi có gió mạnh, nhưng theo báo cáo thì Su-24 có phần nào hơi khó bay.

Vũ khí trang bị của Su-24 gồm một pháo bắn nhanh GSh-6-23 với 500 viên đạn, máy bay có 8 điểm treo (2 dưới phần khớp quay cánh, 2 dưới cánh ngoài và 4 dưới thân máy bay) mang được các loại vũ khí đối không, đối đất và đối hạm. Tuy nhiên trong cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008, Su-24 chỉ có thể sử dụng bom và rocket không điều khiển. Hiện nay trong Hải quân Nga, Su-24 đang dần được thay thế bởi Su-34 Fullback tiên tiến hơn.

Sức mạnh máy bay cường kích Su-34

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại