C-130A Hercules
Máy bay vận tải C-130A của Không quân Mỹ hoạt động tại Việt Nam
Vận tải cơ hạng trung C-130A Hercules thu được dưới dạng chiến lợi phẩm sau ngày đất nước thống nhất chính là loại máy bay lớn nhất từng phục vụ trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.
C-130A có chiều dài 29,8 m; sải cánh 40,4 m; chiều cao 11,6 m; trọng lượng rỗng 34.400 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 70.300 kg; sức tải lớn nhất 19 tấn hoặc 64 lính dù.
C-130A đã có thời gian phục vụ tích cực trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ở cả vai trò máy bay vận tải lẫn máy bay ném bom. Đến giữa những năm 1980, C-130 đã phải nghỉ hưu do thiếu phụ tùng thay thế.
An-12 Cub
Máy bay vận tải An-12 của Không quân Nga
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ tổng cộng 12 máy bay vận tải hạng trung An-12 Cub trong năm 1979.
An-12 có chiều dài 33,1 m; sải cánh 38,0 m; chiều cao 10,53 m; trọng lượng rỗng 28.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 61.000 kg; tải trọng lớn nhất 20.000 kg (hoặc 90 lính dù). Trong điều kiện hình dạng, kích thước và chức năng, An-12 rất tương đồng với C-130 Hercules của Mỹ.
Mặc dù có khá nhiều tài liệu ghi nhận về sự hoạt động của An-12 trên bầu trời Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh biên giới, tuy nhiên hiện không có khung vỏ hay một bức ảnh nào để chứng minh.
Mi-6 Hook
Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6 tại Bảo tàng Phòng không - Không quân
Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một lượng nhỏ trực thăng Mi-6 Hook trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Đây chính là loại trực thăng lớn nhất mà Không quân Việt Nam từng sở hữu.
Với kích thước khổng lồ: chiều dài 33,18 m; đường kính rotor 35 m; chiều cao 9,86 m; trọng lượng rỗng 27.240 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 42.500 kg; tải trọng 12.000 kg; Mi-6 thường được dùng để vận chuyển những hàng hóa cỡ lớn ở trong khoang hoặc bằng hình thức cẩu dưới bụng.
Toàn bộ số trực thăng Mi-6 của Việt Nam đều đã phải ngừng hoạt động từ cuối những năm 1980 do hết hạn sử dụng, thay thế vai trò vận tải của Mi-6 hiện là những trực thăng Mi-8/17.
Be-12 Chayka
Máy bay tuần tra săn ngầm Be-12 của Hải quân Nga
Be-12 Chayka là loại thủy phi cơ tuần tra hàng hải và chống tàu ngầm chuyên nghiệp duy nhất tính đến thời điểm hiện nay của Không quân và Hải quân Việt Nam.
Máy bay có chiều dài 30,11 m; chiều cao 7,94 m; sải cánh 29,84 m; trọng lượng rỗng 24.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 36.000 kg; tải trọng vũ khí 3.000 kg gồm ngư lôi tự dẫn âm thanh và bom chìm chống ngầm.
Việt Nam được Liên Xô viện trợ 4 thủy phi cơ săn ngầm Be-12 vào đầu năm 1981, ban đầu chúng thuộc biên chế Trung đoàn 933 Không quân, đến tháng 4/1982 thì bàn giao cho Hải quân quản lý và sang tháng 6/1984, toàn bộ phi đội lại trở về Trung đoàn Không quân Hải quân 954.
Có thông tin cho biết 4 chiếc Be-12 đã được Việt Nam trả lại Liên Xô vào cuối thập niên 1980 do không đủ cơ sở hậu cần kỹ thuật cần thiết để tiếp tục duy trì hoạt động.
Su-30MK2 Flanker-C
Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Việt Nam
Su-30MK2 Flanker-C là "người khổng lồ" duy nhất trong danh sách hiện vẫn còn hoạt động. Đây là một chiếc máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng, có thể đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không cho tới cường kích tấn công mặt đất, mặt biển.
Máy bay có chiều dài 21,935 m; sải cánh 14,7 m; chiều cao 6,36 m; trọng lượng rỗng 17.700 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 34.500 kg; vận tốc Mach 2; tầm hoạt động 3.000 km; tải trọng vũ khí 8.000 kg gồm bom, rocket và tên lửa đối không, đối đất, đối hạm.
Su-30MK2 đang là tiêm kích chủ lực của Không quân Việt Nam, có vai trò cực kỳ quan trọng trong thế trận bảo vệ chủ quyền biển đảo.