Là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, quân đội Nga sở hữu nhiều hệ thống vũ khí đa dạng và uy lực cao. Trong kho vũ khí của mình, quân đội Nga có những mẫu vũ khí "độc nhất vô nhị" trên thế giới và hình dạng kì lạ của chúng không hề xuất hiện ở bất kỳ thiết kế vũ khí thông thường nào.
Tờ Russia & India Report mới đây đã liệt kê 5 mẫu vũ khí của Nga có hình dáng "dị thường" này:
1. Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr
Khi di chuyển, những chiếc tàu đổ bộ lớp Zubr dường như vô hình, nó trông như những đợt sóng lớn đang tiến về phía bờ biển. Bất thình lình, chiếc tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất và nhanh nhất trên thế giới này "chồm" lên bờ biển. Bạn chỉ cảm nhận được sức mạnh của Zubr khi chứng kiến tận mắt 4 động cơ của con tàu giúp nó có thể di chuyển là là trên mặt biển.
Các tàu đổ bộ lớp Zubr có thể vận chuyển binh lính cùng các khí tài quân sự hạng nặng lên bất kỳ bờ biển nào mà không cần phải chuẩn bị bãi đáp trước. Là một phương tiện hoạt động được trên nhiều loại địa hình, các tàu lớp Zubr không chỉ di chuyển trên mặt nước mà còn có thể di chuyển trên mặt đất, băng cũng như vượt qua các chướng ngại vật cao đến 1,5m.
Hiện nay tàu đổ bộ lớp Zubr đang có trong biên chế Hải quân Nga, Hy Lạp, Trung Quốc (do Ukraine chế tạo).
2. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần Palma (chiến binh robot trên biển)
Huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật trên tàu Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Trọng Thiết
Điểm đặc biệt mà bạn có thể dễ dàng nhận ra khi quan sát hệ thống Palma là hình dáng cực kỳ giống phần trên cơ thể con người với khuôn mặt (có mắt và miệng), 2 cánh tay. Phần "đầu" chính là hệ thống quang điện tử của Palma, "mắt" và "miệng" là các thiết bị hồng ngoại, quang tuyến và đo xa laze. 2 "cánh tay" là 2 pháo bắn nhanh cỡ 30mm và các tên lửa phòng không.
"Người đàn ông" này có nhiệm vụ bảo vệ tàu chiến trước các mối đe dọa của tên lửa hành trình cũng như các loại trực thăng, máy bay bay thấp,...
Hiện nay các hệ thống Palma đang được lắp đặt trên tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard của Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Nga, sắp tới Nga cũng lắp đặt hệ thống Palma lên khinh hạm lớp Gorshkov hiện đại nhất của mình.
3. Máy bay Su-47 Berkut
Thoạt nhìn chiếc Su-47 Berkut có hình dáng như những máy bay chiến đấu thông thường, điều này chỉ thay đổi khi chúng ta nhìn vào cánh của chiếc máy bay, có cảm giác như bị lắp sai góc. Tuy nhiên, đây lại chính là điểm đặc biệt khi chúng được thiết kế với kiểu cánh cụp phía trước.
Thiết kế này giúp máy bay đạt được tốc độ và độ cao cần thiết để cất cánh với đường băng ngắn hơn thông thường, cũng như tăng khả năng cơ động khi bay ở tốc độ thấp và thực hiện được độc tác bay "rắn hổ mang".
Su-47 Berkut có thể coi là tiền thân của dòng máy bay thế hệ 5 PAK-FA. Tuy nhiên chương trình đã bị dừng lại và chỉ có 1 nguyên mẫu duy nhất được chế tạo.
4. "Tàu đệm khí bay"
Phiên bản “tàu đệm khí bay” lớp Lun của Liên Xô
Đây là một loại phương tiện đặc biệt, lai ghép tính năng giữa tàu biển và máy bay. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể phân loại nó là tàu hay máy bay. Loại thủy phi cơ lai tàu đệm khí này có thể cất hạ cánh trên mặt nước và bay là là cách mặt nước vài mét, với tốc độ lên đến 311 dặm/giờ. Kiểu di chuyển kì lạ đó giúp nó tránh được các mối đe dọa từ thủy lôi và mìn rải trên biển, đồng thời tránh được sự phát hiện của radar.
Liên Xô đã chế tạo 2 lớp thủy phi cơ lai tàu đệm khí là tàu lớp Orlyonok và lớp Lun. Trong đó, lớp Lun được trang bị các tên lửa chống hạm Moskit - mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Chỉ có 1 nguyên mẫu lớp Lun duy nhất được chế tạo.
Lớp Orlyonok được thiết kế với kích thước nhỏ hơn và chuyên dùng để vận chuyển binh lính, với khả năng chuyên chở đến 200 lính và 2 xe tăng.
Liên Xô từng có dự định chế tạo 120 thủy phi cơ lai tàu đệm khí lớp Orlyonok. Sau đó, do khó khăn về tài chính cũng như sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, chương trình này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, mới đây Nga thông báo có ý định khôi phục lại chương trình này.
5. Trực thăng Mi-12
Là loại trực thăng lớn nhất thế giới từng được chế tạo, Mi-12 có thiết kế rất đặc biệt, trong đó 2 cánh quạt kép được lắp đặt trên 2 đầu cánh máy bay với sải cánh lên đến 30m. Đây là kiểu thiết kế cực kỳ hiếm gặp trên các loại trực thăng.
Mi-12 được chế tạo nhằm phục vụ cho mục đích vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng với khối lượng lên đến 30 tấn như các loại tên lửa đạn đạo.
2 cánh của máy bay được thiết kế thon dần từ ngoài vào trong, thiết kế này giúp tăng khả năng cơ động cũng như tăng lực nâng máy bay.
Vào năm 1969, chiếc Mi-12 đã thiết lập kỷ lục thế giới khi nâng 40,2 tấn hàng hóa lên độ cao 2.250m và cho đến nay, vẫn chưa có mẫu trực thăng nào có thể phá vỡ được kỷ lục này.
Mặc dù có những tính năng rất đặc biệt nhưng Mi-12 không được quân đội Liên Xô chấp nhận và các hãng hàng không cũng từ chối mua mẫu máy bay này.