Ngày 6-3-2011, Mỹ đã phóng thử thành công máy bay vũ trụ không người lái X-37B. Bộ chỉ huy không quân Mỹ đánh giá: chuyến bay thành công của máy bay vũ trụ X-37B là một thành tựu to lớn, mở đầu kỷ nguyên Mỹ thử nghiệm hàng loạt các khí tài bay vũ trụ có khả năng quay trở về trái đất.
Còn theo các chuyên gia quân sự trên thế giới, thành công này làm cơ sở cho "kịch bản” tiến công trên phạm vi toàn cầu bằng phương tiện phi hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã xúc tiến hoàn thành những nội dung then chốt của quan điểm chiến lược tiến công trên phạm vi toàn cầu, gọi tắt là tiến công toàn cầu bằng phương tiện phi hạt nhân. Theo đó, các lực lượng vũ trang Mỹ có khả năng sử dụng vũ khí thông thường có điều khiển và có độ chính xác cao mang đầu đạn phi hạt nhân tiến công chớp nhoáng vào các mục tiêu từ khoảng cách xuyên lục địa. Theo quan niệm chiến lược này, nhiệm vụ lập kế hoạch, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh được giao cho Bộ chỉ huy tiến công toàn cầu và Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp.
Trong khuôn khổ quan niệm chiến lược tiến công toàn cầu, Lầu Năm góc đang tiến hành tối ưu hoá cơ cấu tổ chức của Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp trong các lực lượng vũ trang Mỹ, nghiên cứu soạn thảo và điều chỉnh các kế hoạch tác chiến để sử dụng các hệ thống vũ khí tiến công, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng và phương tiện, hiện đại hoá các loại vũ khí và trang bị hiện có, đồng thời nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí mới.
Theo quan điểm của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ, việc sử dụng các đòn tiến công toàn cầu phi hạt nhân là thành phần quân sự then chốt để Mỹ sẵn sàng hoá giải các nguy cơ và thách thức mới trong nhiều lĩnh vực như chống khủng bố; ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt; bảo vệ các đồng minh và các đối tác của Mỹ trong mọi tình huống; bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ trên khắp thế giới.
Trên cơ sở quan niệm chiến lược tiến công toàn cầu, Mỹ đã xây dựng 5 kịch bản sử dụng các phương tiện phi hạt nhân, trong đó có các loại khí tài vũ trụ hoàn toàn mới như máy bay vũ trụ không người lái X-37B mà Mỹ đã phóng thử thành công và đã tiến hành nhiều chuyến bay bí mật trên quỹ đạo mà người ta chỉ có thể phỏng đoán nhiệm vụ thật sự của nó.
Kịch bản 1: Diễn ra sự đối đầu giữa hai nước, trong đó một quốc gia có tiềm lực quân sự có thể so sánh được với Mỹ (ám chỉ Trung Quốc) và đang có ý định làm rối loạn, thậm chí phá hoại hoạt động của các hệ thống truyền thông và trinh sát vũ trụ của Mỹ. Đây là hệ thống bảo đảm chiến đấu cực kỳ quan trọng đối với các lực lượng vũ trang Mỹ và đồng minh. Theo kịch bản này, Mỹ phải sẵn sàng đối phó với khả năng đối phương có thể tác chiến trong khoảng không vũ trụ và phá hoại có chủ ý đối với một trong các vệ tinh quân sự của Mỹ. Lầu Năm góc coi đó là hành động xâm lược nhằm vào Mỹ và sẵn sàng ngăn chặn, không để cuộc xung đột tiếp tục phát triển thành cuộc đấu đầu quân sự quy mô lớn.
Kịch bản 2: Hoạt động của Mỹ nhằm ngăn chặn các lực lượng khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ. Theo kịch bản này, Mỹ sẽ nhanh chóng áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các lực lượng khủng bố quốc tế sử dụng vật liệu phóng xạ để chế tạo "bom bẩn".
Kịch bản 3: Hoạt động của các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm ngăn chặn một trong các tổ chức khủng bố sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Kịch bản này dự kiến tình hình có thể xảy ra yêu cầu Mỹ nhanh chóng sử dụng lực lượng nhằm ngăn chặn hoạt động sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt của bọn khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ một quốc gia không thân thiện với Mỹ. Đối phương là một tổ chức khủng bố sở hữu phi pháp vũ khí sát thương hàng loạt và có ý định sử dụng vũ khí này chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Kịch bản 4: Hành động của Mỹ nhằm tiêu diệt thủ lĩnh của một hoặc nhiều tổ chức khủng bố tại cuộc gặp của chúng ở thủ đô một nước trung lập. Đối phương là thủ lĩnh các tổ chức khủng bố và đội ngũ thân cận của chúng có kế hoạch trong vòng 24 giờ tới tiến hành cuộc gặp bí mật tại trung tâm thủ đô của một trong các nước trung lập ở Trung Á cách cơ sở tiền duyên của quân đội Mỹ trên 1.500 km.
Kịch bản 5: Hành động của Mỹ nhằm răn đe đòn tiến công bằng tên lửa hạt nhân từ một trong những "quốc gia bất trị". Đối phương là quốc gia có tiềm năng vũ khí hạt nhân hạn chế và các phương tiện mang, đưa ra các yêu sách không thể chấp nhận được đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, đồng thời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân khi những yêu sách này không thực hiện được. Đối phương có tổ hợp tên lửa đường đạn vượt đại châu cơ động và vũ khí hạt nhân được bảo vệ trong các hầm ngầm kiên cố dưới mặt đất và lãnh đạo "quốc gia bất trị” này tuyên bố sẽ ra lệnh tiến công hạt nhân trong trường hợp xuất hiện nguy cơ bị Mỹ và các đồng minh tiến công.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!