1. Khinh hạm lớp Formidable
Khinh hạm RSS Formidable
Đứng vị trí số 1 về năng lực phòng không hạm đội tại khu vực Đông Nam Á không lớp tàu chiến nào có thể vượt qua 6 khinh hạm Formidable của Hải quân Singapore.
Formidable là một biến thể dựa trên khinh hạm lớp La Fayette của Pháp, được thiết kế với bề mặt và vật liệu tối ưu cho tính năng tàng hình.
Lớp khinh hạm này được lắp đặt những khí tài điện tử tối tân cùng năng lực tác chiến chống hạm, chống ngầm và phòng không rất toàn diện, trong đó nổi bật nhất là hệ thống phòng không.
Tên lửa Aster-30 được bắn đi từ khinh hạm Formidable
Formidable được trang bị 32 tên lửa phòng không Aster-15/30 đặt trong các ống phóng thẳng đứng Sylver A-50, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đường không từ cự ly 30 km với Aster-15 và lên tới 120 km với Aster-30.
Aster-15/30 sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu và radar chủ động giai đoạn cuối, nó có hệ thống phức hợp điều khiển chính xác cao PIF/PAF với thuật toán tiên tiến, cho phép điều chỉnh lỗi dẫn đường và tăng tính cơ động của tên lửa.
Đặc biệt, Aster-30 với tốc độ Mach 4,5 còn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung tầm bắn lên tới 3.000 km. Với thông số này, ngoài chức năng phòng không hạm đội thì 6 khinh hạm lớp Formidable của Singapore còn đảm nhiệm được cả vai trò lá chắn tên lửa ngoài khơi.
2. Khinh hạm lớp Naresuan
Hải quân Hoàng gia Thái Lan hiện có trong biên chế 2 khinh hạm lớp Naresuan, đây là biến thể của khinh hạm Type 053 "Giang Hồ" được Trung Quốc chế tạo vào giữa thập niên 1990.
Ban đầu Thái Lan dự định đặt đóng tới 4 khinh hạm lớp Naresuan, tuy nhiên do chất lượng không đảm bảo mà số lượng hoàn thành chỉ là 2 chiếc. Lớp chiến hạm này chỉ có phần vỏ là của Trung Quốc còn lại tất cả vũ khí trang bị đều là của Mỹ và phương Tây.
Tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM
Mặc dù có nhiều điều tiếng nhưng không thể phủ nhận rằng năng lực tác chiến của lớp chiến hạm này khá mạnh. Điểm đặc biệt nhất của Naresuan là nó được trang bị 8 bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 32 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM.
RIM-162 Evolved SeaSparrow Missile (ESSM) là phiên bản nâng cấp của RIM-7 Sea Sparrow, có nhiệm vụ bảo vệ tàu chiến khỏi cuộc tấn công của máy bay và tên lửa đối hạm siêu âm. RIM-162 được thiết kế để phóng đi từ bệ phóng Mk 41, 4 tên lửa ESSM có thể "đóng gói" trong một ống phóng.
RIM-162 có tầm bắn 50 km, tốc độ Mach 4, sử dụng hệ dẫn đường quán tính có cập nhật dữ liệu pha giữa và radar bán chủ động pha cuối. ESSM giúp 2 khinh hạm Naresuan trở thành lớp tàu chiến có năng lực phòng không hạm đội đích thực, đảm nhiệm được vai trò bảo vệ cho tàu sân bay Chakri Naruebet.
3. Khinh hạm SIGMA 10514
SIGMA 10514 của Hải quân Morocco
Hải quân Indonesia đã ký hợp đồng với hãng đóng tàu Damen của Hà Lan để chế tạo 2 khinh hạm SIGMA 10514, dự kiến chúng sẽ hoàn thành và chính thức vào biên chế trong năm 2017.
So với SIGMA 9814 mà Hải quân Việt Nam dự định đặt mua thì SIGMA 10514 của Indonesia được bổ sung thêm module chỉ huy để đảm nhiệm vai trò kỳ hạm.
SIGMA 10514 có năng lực tác chiến chống hạm, chống ngầm và phòng không rất toàn diện. Điểm đáng chú ý nhất của SIGMA 10514 là nó có tới 2 lớp phòng thủ.
Tên lửa phòng không VL-MICA
Ngoài cùng là hệ thống VL-MICA-M sử dụng đạn tên lửa VL-MICA có nguồn gốc từ tên lửa không đối không trang bị cho máy bay chiến đấu, gồm 2 phiên bản MICA RF sử dụng đầu dò radar chủ động xung doppler AD4A và MICA IR trang bị đầu dò ảnh nhiệt sóng kép thụ động Sagem.
Dữ liệu về mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng, nguồn dữ liệu có thể được cung cấp bởi radar hoặc các hệ thống quan sát quang học. Sau khi phóng tên lửa bay quán tính, theo thông tin được cung cấp trước đó và giai đoạn cuối đầu dò sẽ dẫn đường tên lửa bắn trúng mục tiêu.
Tên lửa VL-MICA có tầm bắn 20 km, tốc độ Mach 3 và khả năng chịu quá tải lên tới 50G.
Khác với những lớp chiến hạm khác đặt trọn niềm tim vào tên lửa phòng không, SIGMA 10514 của Indonesia còn có thêm hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Millennium.
Millennium được trang bị pháo ổ quay 1 nòng 35 mm Oerlikon KDG35/1000 có tốc độ bắn tối đa 1.000 phát/phút. Pháo kết nối trực tiếp với đường trục truyền dữ liệu của hệ thống điều khiển tác chiến và tiếp nhận tham số mục tiêu 3D từ bất kỳ nguồn nào.
Máy tính là bộ phận hợp thành của pháo, đảm nhiệm chức năng thanh lọc mục tiêu, tính toán góc bắn, hiệu chỉnh và cài đặt ngòi nổ điện tử của đạn AHEAD thông qua sóng radio.
Khi nổ, đạn AHEAD sẽ tạo ra chùm mảnh nổ xoáy tròn hình phễu đan xen nhau bao lấy mục tiêu, với loại đạn này hệ thống Millennium có khả năng tiêu diệt máy bay từ khoảng cách 3,5 km hoặc tên lửa đối hạm và tên lửa chống radar ở cự ly trên 1,2 km.
Hệ thống phòng không của SIGMA 10514 rất toàn diện và có độ tin cậy cao, đáng tiếc là tầm bắn của nó lại chưa đủ để đảm nhiệm vai trò phòng không hạm đội.
(Còn tiếp)