5 cách Nga giúp quân đội Trung Quốc khiến Mỹ suy yếu

Sam Sam |

(Soha.vn) - Chuyên gia Robert Farley đã liệt kê 5 chương trình quân sự mà Nga và TQ nếu hợp tác sẽ rất có lợi cho Bắc Kinh nhưng cũng đồng thời mang lại nhiều rắc rối cho Mỹ.

Theo Farley, mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã thụt lùi từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng nó vẫn duy trì nhiều lợi thế mà Trung Quốc có thể lợi dụng để tăng cường sức mạnh quân sự.

Dưới đây là nội dung bài viết được đăng tải trên tạp chí National Interest (Mỹ):

1. Động cơ máy bay

Việc phát triển động cơ máy bay là một trong những trở ngại lớn của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong thập kỷ qua. Vấn đề về công suất và độ tin cậy của động cơ không chỉ gây khó khăn cho các máy bay thế hệ cũ như J-10, J-11, J-15 mà còn cả những nguyên mẫu máy bay tàng hình thế hệ mới như J-20 và J-31.

Các động cơ do Nga sản xuất không nổi tiếng vì độ tin cậy lớn nhưng luôn biểu hiện tốt hơn hàng Trung Quốc. Một nhà phân tích từng nhận định rằng sở dĩ Bắc Kinh muốn mua các máy bay chiến đấu Su-35 Flanker của Nga là vì muốn mổ xẻ và sao chép động cơ của chúng, từ đó khôi phục ngành công nghiệp động cơ phản lực của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu Su-35 số hiệu 05 bay trình diễn trước các quan chức Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua

Máy bay chiến đấu Su-35S số hiệu 05 bay trình diễn trước các quan chức Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua

Hỗ trợ ngành công nghiệp động cơ phản lực của Trung Quốc sẽ là một mối nguy lớn đối với Nga, bởi điều này sẽ loại bỏ một trong những khách hàng tiềm năng lớn nhất của động cơ Nga (là Trung Quốc), trong khi nâng cao vị thế của Bắc Kinh trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mối quan hệ dài hạn giữa Moscow và Bắc Kinh cũng có ý nghĩa nhất định với Nga.

Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu Trung Quốc trang bị động cơ mạnh mẽ, đáng tin cậy hơn sẽ mang lại mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với hải quân và không quân Mỹ.

2. Máy bay ném bom

Không quân Trung Quốc đang tiếp tục vận hành các máy bay ném bom H-6, phiên bản được thiết kế dựa theo mẫu Tu-16 Badger của Liên Xô. Có nhiều báo cáo khác nhau cho rằng Trung Quốc đang nghiên cứu một mẫu máy bay ném bom mới, với ít nhất một nguyên mẫu tiềm năng đang được chế tạo.

So với Trung Quốc, Nga có kinh nghiệm nhiều hơn đáng kể trong lĩnh vực chế tạo máy bay ném bom hạng nặng và hiện vẫn duy trì nhiều loại máy bay vượt xa tính năng của bất kỳ loại máy bay nào mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu, trong đó bao gồm Tu-95 Bear (và biến thể hải quân Tu-142), Tu-22M Backfire và Tu-160 Blackjack. Tất cả những mẫu máy bay này đã lâu đời nhưng vẫn thể hiện sự vượt trội so với những loại máy bay mà Trung Quốc đang vận hành.

Máy bay ném bom Tu-22M (NATO định danh là Backfire)

Máy bay ném bom Tu-22M (NATO định danh là Backfire)

Trên thực tế, do Liên Xô kỳ vọng lực lượng máy bay ném bom chiến lược của họ có thể chống lại các lực lượng hải quân của NATO nên kinh nghiệm của Nga đối với các loại máy bay ném bom đủ để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Các mẫu máy bay ném bom của Xô Viết đã mang lại mối đe dọa lớn đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong Chiến tranh lạnh và vì vậy phù hợp với hệ thống chống tiếp cận của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích từng đưa ra suy đoán về khả năng Nga bán các máy bay ném bom Tu-22 Backfire cho Trung Quốc nhưng cho tới nay, thương vụ này vẫn chưa thành hiện thực. Sự lưỡng lự có vẻ đến từ phía Nga, do lo ngại nguy cơ rò rỉ bí mật công nghệ và sự lớn mạnh quá mức của Không quân Trung Quốc. Các máy bay Tu-22M sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công tầm xa tăng cường để đối phó với các căn cứ quân sự và tàu chiến của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Dù Nga quyết định xuất khẩu trực tiếp các máy bay ném bom Tu-22M cho Trung Quốc hay chuyển giao công nghệ hoặc chỉ đơn thuần là hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án máy bay ném bom mới của Bắc Kinh thì sự hợp tác này cũng có thể tạo ra một Không quân Trung Quốc nguy hiểm hơn.

3. Tàu ngầm

Cũng như các hệ thống vũ khí khác, trong vòng 30 năm trở lại đây, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc đang vận hành một lượng đáng kể các tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm diesel-điện và thậm chí là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tàu ngầm Trung Quốc về cơ bản vẫn xếp ở “chiếu dưới” so với các tàu ngầm tiêu chuẩn Mỹ, thậm chí chưa thể đáp ứng những tiêu chuẩn áp dụng cho thế hệ tàu ngầm mới nhất của Nga.

Borey-class ballistic missile submarine Yury Dolgoruky

Tàu ngầm Yury Dolgorukiy

Mặc dù đã có những tiến bộ nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn có thể học hỏi được rất nhiều từ các tàu ngầm lớp Akula (theo định danh NATO), hay tàu ngầm đề án 949 (NATO định danh là Oscar), tàu ngầm Yury Dolgorukiy lớp Borei hay thậm chí là lớp tàu ngầm Lada đang gặp vấn đề. Mặc dù các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc được kỳ vọng có thể thực hiện những sứ mệnh tương tự như các tàu ngầm của Xô Viết trong Chiến tranh Lạnh nhưng chúng vẫn có độ ồn lớn hơn nhiều so với những tàu ngầm cùng loại của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa thể phát triển một loại tàu ngầm “sát thủ” có thể đối đầu trực tiếp với các tàu ngầm tiên tiến của Mỹ.

Trước đây, Nga bảo mật rất chặt chẽ các công nghệ tàu ngầm, kỹ thuật chế tạo tàu ngầm cũng có vẻ là quá trình khó làm chủ hoặc khó chuyển giao nhất. Tuy nhiên, việc cho Ấn Độ thuê tàu ngầm lớp Akula trong những năm gần đây cho thấy Nga đang để ngỏ một khả năng có thể thỏa thuận được. Nga sẽ không cung cấp cho Trung Quốc tất cả mọi thứ họ cần để chế tạo được một tàu ngầm tương tự như Yury Dolgorukiy nhưng sự hỗ trợ về kỹ thuật về cơ bản vẫn có thể giúp cải tiến thế hệ tàu ngầm tiếp theo của Trung Quốc.

4. Hệ thống phòng không

Tính toàn vẹn của hệ thống A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập) phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của các hệ thống phòng không Trung Quốc. Nếu máy bay và tên lửa hành trình của Mỹ có thể tấn công các căn cứ quân sự của Trung Quốc, các nút giao thông liên lạc, bệ phóng tên lửa, trung tâm hậu cần và toàn bộ hệ thống của nước này có thể tan tành trước khi kịp hoàn thành sứ mệnh.

Hệ thống phòng không S-400

Hệ thống phòng không S-400

Trung Quốc đã có những tiến bộ trong lĩnh vực hệ thống phòng không, đặc biệt là với sự ra đời của hệ thống phòng không HQ-9 có thể cạnh tranh với các hệ thống khác trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc bổ sung các công nghệ Nga sẽ giúp củng cố mạng lưới phòng không Trung Quốc. Gần đây, có thông tin Moscow đang chuẩn bị xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Bắc Kinh, điều này sẽ giúp quân đội Trung Quốc lấp đầy các khoảng trống về kỹ thuật và độ bao phủ. S-400 có thể theo dõi và tấn công các mục tiêu ở tầm xa hơn HQ-9, cho phép Trung Quốc tạo ra một ô phòng không bao trùm Đài Loan.

5. Tên lửa đạn đạo

Trong 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã có một số bước nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải học hỏi nhiều từ Nga, cả trong lĩnh vực chế tạo tên lửa tầm ngắn và tầm xa. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E của Nga mang những đặc tính cơ động giai đoạn cuối vượt trội so với tên lửa Trung Quốc và sẽ mang lại lợi thế lớn cho nước này trong những cuộc xung đột tiềm năng. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga cũng được đánh giá là vượt trội so với các tên lửa cùng loại của Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa Iskander

Hệ thống tên lửa Iskander

Cũng như với các hệ thống vũ khí khác, Nga không đồng ý xuất khẩu tên lửa cho Trung Quốc do những lo ngại về an ninh và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Trung Quốc sao chép được công nghệ tên lửa Nga, quân đội Trung Quốc có thể đá bật Nga ra khỏi thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, một số thành viên trong các lực lượng vũ trang Nga nhìn nhận việc xuất khẩu các loại tên lửa tầm ngắn tiên tiến cho một quốc gia láng giềng lớn như Trung Quốc là một mối lo ngại thực sự. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sớm bắt kịp với Nga về công nghệ tên lửa, khiến sự dè dặt của Nga trở nên vô nghĩa.

Mọi thứ đã thay đổi kể từ những năm 1990. Trung Quốc đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm quân sự từ Nga, các hệ thống do vũ khí do nước này chế tạo ngày càng có tính cạnh tranh lớn hơn với Nga trên thị trường quốc tế. Đối với Nga, nguy cơ từ việc xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc đã tăng lên, đặc biệt do những lo ngại liên quan tới ý thức kém của Bắc Kinh trong vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, nếu Nga không ngại dấn thân vào một cuộc chơi có một vài rủi ro nhưng lại có thể khiến Mỹ suy yếu thì việc mở rộng tiềm năng xuất khẩu và hợp tác với Trung quốc có thể là một lựa chọn chấp nhận được với Moscow.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Robert Farley, phó giáo sư tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), với nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, các vấn đề an ninh quốc gia và hàng hải.

Xem thêm: [Video] Su-35 tiêu diệt "máy bay địch"

Xem Su-35 tiêu diệt "máy bay địch"

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại