Trong bối cảnh “ngòi nổ” bị can thiệp quân sự từ bên ngoài với sự khởi đầu là các cuộc không kích quy mô lớn của liên quân Mỹ, Phương Tây, đang được dần tháo gỡ, nhưng không vì thế mà đánh giá thấp khả năng phòng thủ của hệ thống phòng không Syria. Hệ thống này không chỉ lớn ở số lượng, mà còn được trang bị nhiều tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại do Nga chế tạo trong đó có tổ hợp tên lửa Buk-M2E (chữ E ký hiệu cho phiên bản xuất khẩu).
Tuy Buk-M2E chưa có nhiều điều kiện phát huy sở trường trong thực chiến, nhưng thế hệ tên lửa phòng không trước đó của dòng vũ khí này là 2K12 Kub (tên định danh NATO là SA-6 Gainful) đã có những bài thể hiện “miễn chê” trong chiến tranh Trung Đông. Các tổ hợp Kub trong biên chế quân đội Ai Cập đã phóng 96 đạn tên lửa tiêu diệt 64 máy bay của không quân Israel (hiệu suất tác chiến đạt gần 1,4) và được quân đội Israel sợ hãi gọi tên là “3 ngón tay của tử thần” (mỗi bệ phóng của tổ hợp Kub mang 3 đạn tên lửa, trong khi đó mỗi bệ phóng của tổ hợp Buk có 4 đạn).
Buk-M2E được chuyển giao cho quân đội Syria trong giai đoạn 2010-2011 với 48 xe phóng và từng xuất hiện trong cuộc tập trận quy mô của quân đội quốc gia Cận Đông này năm 2012.
Mang đầy đủ tính năng của tổ hợp phòng không chiến trường
Về cơ cấu, mỗi tổ hợp Buk-M2E gồm 2 thành phần chính là:
- Cơ cấu trực chiến là xe chỉ huy 9S510E; một xe ra-đa nhìn vòng cảnh giới 9S18M1-3E; một xe ra-đa chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa hỗ trợ 9S36E (mở rộng); 6 xe phóng tự hành kiêm dẫn bắn 9A317E; 6 xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316E và 48 đạn tên lửa 9M317.
- Cơ cấu đảm bảo chiến đấu là xe chở đạn Ural-5323; xe cẩu nạp đạn 9T31M1; bảo dưỡng kỹ thuật 9V36; xe sửa chữa 9V937, 9V938, 9V894 M1-3E; xe hỗ trợ AG3-M1....
Trong điều kiện chiến đấu, trái tim của tổ hợp chính là xe chỉ huy 9S510E. Nó đảm nhiệm việc thu nhận thông tin từ xe ra-đa cảnh giới 9S510E để phân phối thông tin hướng, tầm của mục tiêu tới các xe phóng 9A317E và ra-đa dẫn bắn nối tiếp chống mục tiêu bay thấp 9S36E. Việc phân công tác chiến có thể tiến hành theo các chế độ tự động hoàn toàn hoặc bằng tay để đối phó với các phương án đối kháng điện tử của đối phương.
Nếu 9S510E là trái tim của tổ hợp, thì ra-đa 9S18M1-3E là đôi mắt. Đài ra-đa này dùng bước sóng cm được thiết kế dạng mảng phát xạ cưỡng bức khe phẳng 3 tham số, có chế độ quét kết hợp giữa quét chùm điện tử và quét cơ khí. 9S18M1E có thể phát hiện các mục tiêu cách 160km.
Cánh tay hỏa lực của tổ hợp Buk-M2E là các xe phóng kiêm ra-đa dẫn bắn 9A317E. Sau khi nhận thông tin từ xe chỉ huy, 9A317E sẽ sử dụng hệ thống ra-đa mảng pha chủ động lái chùm điện tử có thể phát hiện các mục tiêu có tiết diện phản xạ ra-đa 1-2m vuông và bay ở độ cao 3km là trên 20 km và bay ở độ cao 15m là từ 18km tới 20km. Nó có thể bám cùng lúc 10 mục tiêu và khai hỏa vào 4 mục tiêu trong số đó. Trong điều kiện bị đối kháng mạnh hoặc đêm tối, xe phóng có thể dùng hệ thống dẫn bắn quang-điện tử.
Ngoài ra, 9A317E có thể làm nhiệm vụ đồng bộ phần tử bắn cho các xe chấp hành 9A316E. Theo quy định, xe phóng 9A317E có khoảng không gian cơ động xung quanh xe chỉ huy 9S510E 10km và 500m đối với các xe chấp hành 9A316E.
Dù không là trang bị tiêu chuẩn của tổ hợp Buk-M2E, nhưng xe ra-đa chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa hỗ trợ 9S36E là phương tiện cần thiết đảm bảo cho khả năng tác chiến chống mục tiêu bay thấp của tổ hợp.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến đạn tên lửa 9M317E của tổ hợp Buk-M2E. Đạn tên lửa phòng không 9M317E có thiết kế khí động dạng chữ X với cánh lái bố trí sau cánh nâng. Đạn 9M317E nặng 715kg, chiều dài 5.55m, đường kính thân 40cm, sải cánh 86cm, tốc độ bay tối đa của mục tiêu bị xạ kích 1.200m/giây, chịu được lực quá tải tối đa 24G. Sử dụng nguyên tắc nổ tạo thanh giăng định hướng bằng đầu đạn nặng 70kg, 9M317E có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 17m với chế độ nổ cận đích hoặc chạm đích.
Trong chế độ bảo quản, đạn tên lửa 9M317E được để trong khoang kín bơm khí trơ bảo quản. Thời gian niêm cất là 20 năm.
“Khúc xương khó nhằn”
Mới đây, khi nguy cơ Syria bị tập kích đường không cận kề, giới truyền thông đã nói nhiều về hệ thống phòng không của Syria với nhiều tổ hợp phòng không các tầm, trong đó thậm chí có nguồn tin nói Syria nếu có S-300 sẽ chặn đứng được khả năng bị tập kích đường không. Nhận định này chưa thực sự sát thực tế.
Về nguyên lý, S-300 là tổ hợp phòng không tầm trung xa mang tính chất phòng thủ điểm và là lõi của hệ thống phòng không đa cấp (cần được bảo vệ) và cả không quân. Dù được cải thiện khả năng cơ động và giảm thời gian triển khai, thu hồi, nhưng bản chất của S-300 không thay đổi.
Đối với tình hình Syria hiện tại, một quốc gia đang nội chiến và thế trận chiến tranh cài răng lược, việc một tổ hợp vũ khí có quy mô và đặc thù như S-300 rất dễ bị phát hiện và tổn thương. Điều này cũng tương tự với các tổ hợp S-200, S-75 và S-125 của Syria.
Trong khi đó, các tổ hợp phòng không di động như: Pantsir-S1E, Tunguska, Kub, Buk-M2E và có thể là Tor-M1 (chưa được xác định) của Syria lại rất có đất diễn. Tính cơ động cao, thời gian triển khai, thu hồi ngắn, phòng không Syria hoàn toàn có thể tác chiến theo các trận địa cơ động “bắn và chạy” gây áp lực không nhỏ cho lực lượng không quân tấn công. Nếu áp dụng tốt, chiến thuật SEAD của liên quân Mỹ, Phương Tây có thể bị phá sản và hạn chế được thiệt hại tối thiểu do tên lửa hành trình gây ra.
Đối với phòng không, hệ thống ra-đa cảnh giới đóng vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng đầu tiên cần bị loại bỏ khi cuộc tấn công của Phương Tây bắt đầu. Bản thân Syria cũng không có hệ thống ra-đa cảnh giới thực sự mạnh, nhưng đây chỉ là yếu tố nội tại. Trong cuộc chiến với liên quân (có thể xảy ra), ai có thể chắc hệ thống phòng không Syria có nguồn gốc Liên xô, Nga lại không thể đồng bộ được với hệ thống ra-đa cảnh giới trên các chiến hạm, căn cứ ra-đa Nga ở Địa Trung Hải và trên lãnh thổ nước này. Điều này đã được kiểm chứng khi Israel-Mỹ phóng 2 đạn tên lửa với lý do tập trận phòng thủ chung, đã bị ra-đa cảnh báo Nga “bắt sống”. Chưa kể, Syria chắc chắn sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ Iran và các đối tác đồng minh.
“Đối tác” cần thiết của S-300
Như đã đề cập ở trên, Buk-M2/M2E là một thành phần trong hệ thống phòng không liên hoàn, đa tầm mà bản thân lực lượng phòng không-không quân Nga đang sử dụng. Cùng với Pantsir-S1E, Tor-M2E, S-300PMU/S-400, Buk-M2/M2E thực sự sẽ phát huy tối đa hiệu năng tác chiến và phối hợp phòng thủ liên hoàn cùng với các thành phần vũ khí phòng không khác trong hệ thống.
Nhận thức được điều này, Nga hiện đã mô-đun hóa Buk-M2E để lắp đặt trên phiên bản xe dã chiến bánh hơi cùng phiên bản đặt trên xe bánh xích dành cho lục quân hiện có. Ở phiên bản bánh hơi, tổ hợp Buk-M2E sử dụng xe MZKT-6922 do Nhà máy xe kéo bánh lốp Minsk thuộc Doanh nghiệp nhà nước một thành viên khoa học và chế tạo đa ngành Tetraedr (Belarus) chế tạo. Điểm mạnh của phiên bản này là khả năng cơ động nhanh trên hệ thống đường xá có sẵn, thiết lập các trận địa phòng không, phục kích đường không với vai trò là tổ hợp phòng không hướng trong hệ thống phòng không chung. Điều này giúp bổ khuyết cho các yếu điểm của S-300 chống lại các mục tiêu bay thấp và chiến thuật SEAD của đối phương.
Điều này cũng giúp lý giải động thái đặt mua tổ hợp S-300 của Syria, dù nó chưa được hoàn thành. Trong khi đó, đối với các quốc gia đã sở hữu S-300, phương án mua tổ hợp phòng không Buk-M2E phiên bản bánh hơi với nhiệm vụ phòng thủ cũng đáng để cân nhắc.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!