Theo tờ Asia Times, cuộc duyệt binh quân sự kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II là dịp để Trung Quốc phô trương một số vũ khí thông thường và chiến lược của mình, trong đó có một số vũ khí trước đây chưa từng xuất hiện hoặc được thừa nhận chính thức.
Cơ quan tình báo quân sự của Lầu Năm Góc đã giám sát chặt chẽ buổi diễu binh này nhằm tìm ra bằng chứng Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự bí mật và những loại vũ khí công nghệ cao mới mà nước này đang sản xuất.
Một quan chức Lầu Năm Góc phát biểu rằng, điểm gây chú ý trong buổi duyệt binh được dàn dựng thận trọng trên Quảng trường Thiên An Môn là những loại vũ khí không xuất hiện trong sự kiện này.
Chúng bao gồm lực lượng tác chiến mạng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, các tên lửa chống vệ tinh được phóng từ mặt đất và phương tiện bay siêu vượt âm được biết đến với tên gọi DF-ZF của nước này.
Cả ba chương trình trên vẫn là những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc, những chi tiết về chúng khó có thể được công khai trong một sớm một chiều.
Lực lượng chiến tranh mạng
Liên quan đến năng lực tác chiến mạng của Trung Quốc, Asia Times cho biết, hầu hết các hoạt động gián điệp - trinh sát mạng của Trung Quốc được thực hiện bí mật, do Tổng cục kỹ thuật của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành.
Đơn vị này được biết đến là Tổng cục 3 của Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (3PLA), xây dựng theo mô hình cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Một bản báo cáo mới đây của NSA do hãng tin NBC đăng tải trong tháng 7 đã xác định được các hoạt động khai thác mạng của Trung Quốc cùng các đơn vị tấn công trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc và Bộ Tổng tham mưu PLA.
Theo NSA/Mỹ, lực lượng tác chiến mạng của Trung Quốc được tổ chức quy mô (Ảnh minh họa).
Chúng bao gồm: 28 đơn vị tin tặc riêng biệt của 3PLA, cơ quan tình báo quân sự của Trung Quốc với tên gọi 2PLA và một nhóm quân sự khác với tên gọi 4PLA đảm nhiệm thực hiện các biện pháp đối kháng điện tử và radar.
Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động tấn công mạng với ước tính khoảng 28 đơn vị.
3PLA đảm nhiệm chỉ huy đơn vị 61398 có trụ sở tại Thượng Hải. Đơn vị này vốn có tên trong bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó đề cập 5 tin tặc của PLA bị buộc tội tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các công ty của Mỹ.
“Các nhóm tin tặc Trung Quốc được cho là đã phát động chiến dịch gián điệp mạng nhằm vào Chính phủ Mỹ, mạng máy tính của các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp”, Mark Stokes - cựu quan chức Lầu Năm Góc đề cập trong bản báo cáo về hoạt động tin tặc của PLA.
Tên lửa chống vệ tinh
Có tầm quan trọng không kém về mặt năng lực quân sự chiến lược nhưng không xuất hiện trong lễ duyệt binh là 2 loại tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc. Lầu Năm Góc gọi chúng là DN-1 (tiêu diệt vệ tinh ở quỹ đạo thấp) và DN-2 (tiêu diệt vệ tinh ở quỹ đạo cao).
Đồ họa mô tả quá trình phóng diệt vệ tinh của tên lửa DN-1.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các vệ tinh không gian quan trọng được cho là có thể làm tên liệt khả năng tiến hành các chiến dịch liên hợp của quân đội Mỹ.
“Chúng tôi đang nhanh chóng tiếp cận vị trí mà mọi vệ tinh trên mỗi quỹ đạo có thể bị đe dọa” - Trung tướng Không quân Mỹ John “Jay” Raymond, chỉ huy của Bộ Tư lệnh không gian phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 vừa qua.
Vũ khí hạt nhân siêu vượt âm
Theo Lầu Năm Góc, phương tiện bay siêu vượt âm mới DF-ZF của Trung Quốc là một loại vũ khí tấn công hạt nhân (một số nguồn tin cho biết DF-ZF còn có tên gọi khác là Wu-14).
Từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm đối với DF-ZF, một yếu tố cho thấy đây là hệ thống vũ khí được ưu tiên cao.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận những cuộc thử nghiệm của loại vũ khí này nhưng cho biết chúng chỉ là một hệ thống dùng để thử nghiệm.
Phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc được phóng đi từ một tên lửa, di chuyển dọc theo rìa không gian với tốc độ Mach 10. Nó đủ nhanh và cơ động để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và tấn công trúng mục tiêu.
Phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc có tốc độ lên tới Mach 10.
DF-ZF cũng có thể được trang bị đầu đạn thông thường, trở thành loại tên lửa thứ 3 của Trung Quốc được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác đủ để tấn công các tàu chiến trên biển.
Hai loại tên lửa khác có khả năng chống hạm đã được giới thiệu trong cuộc duyệt binh của Bắc Kinh gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26.
Thời báo Hoàn Cầu gọi DF-26 là "sát thủ đảo Guam" bởi nó có khả năng tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ tại đây.
Tên lửa đạn đạo DF-26.
DF-26 được cho là có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân. Đây là một vũ khí mới để Trung Quốc thực hiện mục tiêu răn đe chiến lược, cũng như mang lại cho nước này khả năng tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên mặt đất, các tàu chiến cỡ lớn và trung bình.
Loại tên lửa thứ 2 là DF-21D, với khả năng diệt tàu sân bay. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), DF-21D là một loại vũ khí quan trọng trong chiến lược chiến tranh phi đối xứng của Trung Quốc.