Tin liên quan: Khám phá 2 loại trực thăng tàu cảnh sát biển VN có thể trang bị
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) đưa tin, tại hội nghị OPV Asia Pacific 2014 ngày 18/3 vừa qua, Thiếu tá Nguyễn Khắc Vượt, phó giám đốc Bộ phận Quan hệ quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam cho biết lực lượng này đang tìm kiếm mẫu máy bay trực thăng hàng hải để trang bị cho các tàu tuần tra xa xa bờ (OPV) DN2000.
IHS Jane's cho biết 2 mẫu trực thăng Ka-27 (của Nga) và Eurocopter AS565 Panther (hãng chế tạo hàng không châu Âu Eurocopter sản xuất) là 2 ứng viên được Bộ quốc phòng Việt Nam quan tâm, tuy nhiên lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn cân nhắc một số lựa chọn khác, miễn là mẫu trực thăng đó đáp ứng giới hạn tiếp nhận của sàn đáp trên các tàu DN2000.
Đối với lực lượng tuần duyên các nước trên thế giới nói chung và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, trực thăng đóng một vai trò rất cần thiết trong hoạt động tuần tra. Trực thăng trang bị cho cảnh sát biển được dùng để thực hiện một số nhiệm vụ như: tuần tra, kiểm soát tàu thuyền trên biển, cứu hộ cứu nạn... Vì vậy, chúng cần phải có khả năng trang bị các thiết bị trinh sát, tuần thám cũng như các thiết bị cứu hộ.
Dựa vào các tiêu chí cơ bản như trên, một số mẫu trực thăng dưới đây có thể được lực lượng cảnh sát biển Việt Nam quan tâm.
1. Ka-32
Một ứng viên sáng giá không thể không nhắc đến là mẫu trực thăng Ka-32 nổi tiếng của Nga. Được thiết kế dựa trên Ka-27, Ka-32 có thể coi là một phiên bản dân sự hoá của trực thăng ka-27. Ka-32 có nhiều biến thế khác nhau như: Ka-32T (trực thăng vận tải), Ka-32S (trực thăng bay biển), Ka-32A1 (trực thăng cứu hoả)... Trong đó, phiên bản Ka-32S được thiết kế chuyên bay biển nên Ka-32S rất phù hợp với hoạt động của lực lượng cảnh sát biển/tuần duyên.
Ka-32S được trang bị hệ thống định vị hiện đại cùng một radar đặt dưới mũi máy bay, trên máy bay còn được trang bị các hệ thống cứu hộ như tời để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay, Ka-32S đang được trang bị cho lực lượng tuần duyên Hàn Quốc. Việt Nam cũng đang sở hữu 1 trực thăng Ka-32T, vì vậy, nếu trang bị Ka-32S cho cảnh sát biển Việt Nam, chúng ta sẽ dễ dàng trong công tác huấn luyện phi công cũng như bảo dưỡng máy bay.
Giá một chiếc trực thăng Ka-32 vào khoảng 5,2 - 6,5 triệu USD.
2. EC-225
Một mẫu trực thăng khác vốn đã quá quen thuộc và hiện đang có trong trang bị của Việt Nam là mẫu trực thăng EC-225 của hãng Eurocopter. Đây là mẫu trực thăng bay biển được đánh giá là tốt nhất trên thế giới hiện nay.
EC-225 có tổng tải 11 tấn phù hợp để đáp trên tàu DN2000. Máy bay được trang bị 2 động cơ Turbomeca Makila 2A1 giúp nó đạt tốc độ tối đa 275km/giờ, tầm hoạt động 857km. EC-225 có thể lắp thêm các thiết bị để phục vụ cho công tác cứu hộ. Hiện nay EC-225 đang được lực lượng tuần duyên Nhật Bản sử dụng.
Về giá cả, chiếc trực thăng EC-225 VN-8620 mà Hãng Eurocopter (Pháp) bàn giao cho công ty Trực thăng miền Nam vào ngày 5/8 năm ngoái có giá khoảng 600 tỷ đồng (khoảng 30 triệu USD).
3. AS 365 Dauphin
Một loại trực thăng khá nổi tiếng trong dòng trực thăng bay biển là mẫu trực thăng AS 365 Dauphin. AS 365 Dauphin do Eurocopter sản xuất, có chiều dài 13,73m, cao 4,06m, trọng lượng cất cánh tối đa 4.300kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Turboméca Arriel 2C giúp đạt tốc độ tối đa 306km/giờ, tầm bay 827km.
AS 365 Dauphin có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó có phiên bản chuyên về tuần tra và cứu hộ cứu nạn. Trực thăng AS 365 Dauphin hiện được nhiều quốc gia trang bị cho lực lượng tuần duyên như: Mỹ (phiên bản HH-65 Dolphin), Argentina, Hy Lạp, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Malaysia,... Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng phiên bản trực thăng EC155 B1, trị giá 13 triệu USD. Đây là một phiên bản hiện đại hoá của dòng trực thăng AS 365 Dauphin. Vì vậy, nếu AS 365 Dauphin được trang bị cho lực lượng cảnh sát biển, chúng ta hoàn toàn làm chủ được việc huấn luyện phi công cũng như bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Trên đây là 3 mẫu trực thăng bay biển đang được nhiều quốc gia trên thế giới trang bị cho lực lượng cảnh sát biển/tuần duyên. Sở hữu những tính năng vượt trội cùng ưu điểm là dễ dàng trong công tác huấn luyện và bảo trì, bảo dưỡng (do hiện tại Việt Nam đã sở hữu những phiên bản tương đương) nên hứa hẹn đây sẽ là 3 ứng viên sáng giá để trang bị trên tàu DN2000 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.