GDVN dẫn tin trên NHK cho biết, một đội gồm tàu khu trục có bãi đỗ trực thăng, một tàu hộ tống, một tàu khu trục Aegis được trang bị đầy đủ của Lực lượng Tự vệ hàng hải Nhật Bản sẽ đến vùng biển ngoài khơi bờ biển California của nước Mỹ tham gia tập trận.
Khoảng 1.000 binh lính của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản chịu trách nhiệm bảo vệ các hòn đảo biên giới cũng sẽ được điều tới tham gia tập trận.
Họ sẽ tham gia diễn tập mô phỏng một cuộc đổ bộ lên một hòn đảo bị chiếm đóng bởi quân địch trong sự phối hợp chặt chẽ với các tàu hải quân Mỹ và và các lực lượng Hải quân Mỹ.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản cũng đã từng tham gia vào cuộc diễn tập tương tự với quân đội Mỹ ở California trong tháng 2/2013.
Họ hy vọng sẽ được lực lượng Mỹ giúp đỡ huấn luyện hoạt động đổ bộ.
Căng thẳng vì tranh chấp chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đang gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. 8 tàu hải giám Trung Quốc hôm 23/4 đi vào vùng biển quanh chuỗi đảo, khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ "trục xuất bằng vũ lực" nếu phía Trung Quốc đặt chân lên chuỗi đảo này.
Trong khi đó, 170 nhà lập pháp của Nhật, gồm cả các bộ trưởng, mới đây tới thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ các binh sĩ chết trận, mà các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng quá khứ đế quốc của Nhật.
Tokyo triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Nhật sau khi các tàu của chính phủ Trung Quốc đi vào vùng nước tranh chấp, còn Bắc Kinh gọi chuyến viếng thăm đền Yasukuni là "hành động chối bỏ quá khứ xâm lược" của Nhật.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, hôm qua cho rằng "áp lực nước ngoài" sẽ không thể khiến Trung Quốc ngừng bảo vệ chủ quyền trên biển Hoa Đông.
"Chúng tôi luôn giữ lập trường đối với các vấn đề liên quan đến chuỗi đảo Điếu Ngư: giải quyết, xử lý và kiểm soát những vấn đề liên quan một cách phù hợp thông qua đối thoại và đàm phán song phương", bà nói.
Trong khi đó, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 29/4 khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được bảo vệ bởi một hiệp ước quân sự giữa Washington và Tokyo.
Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đang ở thăm Mỹ, ông Hagel nói: “Mỹ không có lập trường đối với chủ quyền cuối cùng của quần đảo này, nhưng chúng tôi công nhận nó thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong các nghĩa vụ của hiệp ước an ninh giữa chúng tôi”.
Bộ trưởng Hagel đồng thời nhấn mạnh phải giải quyết cuộc tranh chấp mà theo ông là thách thức chủ chốt đối với an ninh khu vực này một cách hòa bình thông qua sự hợp tác giữa các các bên liên quan.
Ám chỉ những hành động gần đây của Trung Quốc, ông tuyên bố Washington “phản đối bất cứ hành động đơn phương hay cưỡng bức nào nhằm tìm cách làm suy yếu quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản. Bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng hay dẫn tới những tính toán sai lầm đều tác động đến an ninh của toàn bộ khu vực".