3 siêu vũ khí Nga xây “Bức tường thép Crimea” chống NATO

Thiên Nam |

Trong một thông báo mới nhất, Nga cho biết sẽ tăng cường quân lực ở Crimea theo hướng đối phó với những hoạt động của NATO ở Đông Âu.

Nga sẽ tăng cường binh lực cho bán đảo Crimea đáp trả NATO

Đại sứ Alexander Grushko, đại diện thường trực của Nga tại NATO cho biết hôm thứ 15-5 rằng, Nga dự định tăng cường cụm quân sự ở Crimea.

Hành động trên xuất phát từ thực tế Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang đẩy mạnh hoạt động tại Đông Âu và các nước Baltic, nhằm vào Nga.

Phát biểu trong cầu truyền hình Moscow-Brussels do hãng truyền thông đa phương tiện Rossiya Segodnya thực hiện ông Grushko nói rằng, về bản chất sự tăng cường quân lực ở Crimea gắn liền với yêu cầu hiện đại hóa lại Hạm đội Biển Đen mà Nga đã không thể thực hiện vì phía Ukraine cản trở trong những năm qua.

"Xét về kế hoạch cơ bản sẽ không có gì thay đổi, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng quân sự của mình ở Crimea xuất phát từ việc các nước NATO gia tăng hoạt động ở các nước Đông Âu xung quanh, bố trí tiềm lực kề sát biên giới với nước Nga" - ông Grushko tuyên bố.

Quan sát viên Aleksandr Khrolenko của Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" cũng đưa ra nhận xét, tăng cường bảo vệ biên giới phía Nam của Nga không phải là một ý định nhất thời, mà là chiến lược lâu dài trong bối cảnh sự hiện diện quân sự nước ngoài gần biên giới Nga đang gia tăng.

Gần đây, Tổng Tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove cho biết, việc quân sự hóa Crimea có thể được sử dụng để thiết lập sự kiểm soát của Nga trên toàn bộ khu vực Biển Đen.

Rõ ràng, tướng Breedlove coi vùng Biển Đen là khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Hải quân NATO (Bulgaria, Romania, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ) và việc khối này tăng cường binh lực đến các nước xung quanh và thường xuyên đưa tàu chiến vào Biển Đen là hành động sẵn sàng "chống Nga".

Máy bay ném bom Tu-22M3 phóng tên lửa “sát thủ tàu sân bay” Kh-22 Raduga
Máy bay ném bom Tu-22M3 phóng tên lửa “sát thủ tàu sân bay” Kh-22 Raduga

Ông Khrolenko đưa ra ví dụ so sánh rằng, nếu nói về bán đảo Crimea, thì ngoài vấn đề Kosovo, cũng có thể tìm thấy sự tương đồng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas, mà Anh đã giành được quyền kiểm soát, sau khi đánh bại quân đội Argentina.

Mọi người đều nhớ về cách quyết định số phận của vùng lãnh thổ tranh chấp này, tuy nhiên, bà Margaret Thatcher vẫn được coi là một nhà chính trị dân chủ có uy tín.

Thế thì tại sao Mỹ và NATO không tôn trọng sự lựa chọn dân chủ hòa bình của cư dân Crimea vào mùa xuân năm 2014?

Trong khi phong trào Maidan, chính sách bài Nga, chủ nghĩa cực đoan dân tộc và việc quân sự hóa nền kinh tế đất nước đang dẫn Ukraine đến sự sụp đổ, còn bán đảo Crimea của Nga là một thí dụ cho sự phát triển kinh tế năng động, sự ổn định chính trị và tăng cường an ninh.

Quan sát viên Aleksandr Khrolenko của Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" nhật xét: Sau khi bán đảo được sáp nhập vào Liên bang Nga, Hạm đội Biển Đen được bổ sung thường xuyên, mà không quan tâm đến những hạn chế đã được ghi trong hợp đồng với phía Ukraine.

Sau khi về với Nga, đến cuối năm 2014, trên bán đảo này đã triển khai một nhóm các lực lượng độc lập, có khả năng tác chiến khá mạnh nhưng chưa đủ để đối phó với những biến động có thể xảy ra. Bởi vậy Nga đã liên tiếp tăng cường binh lực cho Crimea.

Trọng tâm tăng cường: Vũ khí hạt nhân, tàu ngầm và máy bay ném bom

Vào mùa thu năm 2014, trong thành phần nhóm quân này đã có khoảng 25 nghìn binh lính và 43 tàu chiến.

Đến ngày 30 tháng 3 năm nay, đã có tổng cộng 96 đơn vị quân đội và các tổ chức đã được triển khai tới đây để bảo vệ lợi ích của Nga vùng Biển Đen và trên địa bàn chủ thể Crimea của Liên bang Nga.

Trong số những vũ khí, trang bị mà Nga tăng cường cho hạm đội biển Đen, quan trọng nhất là máy bay ném bom Tu-22M3, tàu ngầm lớp Varshavyanka và vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Trong đó, Hạm đội Biển Đen sẽ được biên chế tổng số 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện được NATO gọi là Kilo.

Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mang số hiệu B-261 Novorossiisk, đã được biên chế chính thức cho hạm đội biển Đen vào tháng 8-2014, chiếc thứ 2 mang số hiệu B-237 Rostov-on-Don (Rostov trên sông Đông) đã bàn giao cho hải quân Nga vào cuối năm ngoái.

Còn chiếc thứ 3 là Stary Oskol được khởi đóng vào tháng 8-2012, chiếc thứ 4 là “Krasnodar” làm lễ hạ thủy ngày 25-4 vừa qua.

Theo kế hoạch, chiếc thứ 3 sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen vào tháng 6 năm nay, chiếc thứ 4 cũng sẽ được bàn giao cho Hạm đội này ngay trong năm nay.

Nhằm đẩy nhanh tốc độ nâng cấp sức mạnh của Hạm đội biển Đen, Nga đã khởi đóng đồng loạt chiếc thứ 5 và thứ 6 B-268 Veliky Novgorod và B-271 Kolpino vào tháng 11-2014. Dự kiến, 2 tàu này sẽ được bàn giao nốt cho Hạm đội Biển Đen vào tháng 11-2016.

Vũ khí quan trọng thứ 2 mà Nga sẽ triển khai ở Crimea là máy bay ném bom tầm xa siêu âm cánh cụp cánh xòe Tu-22M3 (NATO định danh là Backfire), với tổng khối lượng vũ khí có thể mang theo là 24 tấn, và 2 loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là tên lửa đối đất Kh-15 và tên lửa chống hạm Kh-22.

Nga sẽ hiện đại hóa căn cứ không quân mang tên “Cận vệ” (Gvardeyskoye) ở Simferopol, để bố trí một trung đoàn hỗn hợp máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và máy bay ném bom tiền tuyến (máy bay ném bom chiến thuật như Su-34).

Những máy bay này có thể rút từ Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Vũ khí quan trọng nhất của Tu-22M3 là tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 Raduga (NATO gọi là AS-4 “Kitchen”), có tầm bắn 600km, được thiết kế để hủy diệt tàu sân bay Mỹ.

Loại tên lửa này chính là nguyên nhân mà Nga quyết định biên chế Tu-22M3 cho Hạm đội Biển Đen vào năm 2016.

Ngay sau cuộc đảo chính ở Kiev, NATO đã có kế hoạch chiếm các căn cứ hải quân ở Sevastopol - quân cảng tốt nhất trên bờ Biển Đen, với Vịnh Sevastopol dài 8 km có tầm quan trọng chiến lược. Nếu có được quân cảng này, Mỹ và NATO sẽ khống chế hoàn toàn biển Đen.

Phương án như vậy là không thể chấp nhận được nên Nga đã phải sáp nhập bán đảo này về mình.

Điện Kremlin có quyền thông qua quyết định về vấn đề này và bây giờ là quá muộn để Mỹ và NATO bày tỏ sự không hài lòng, không chấp nhận vũ khí hạt nhân Nga trên bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, không rõ Nga có triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược hay không nhưng hiện có thể khẳng định chắc chắn là Nga sẽ triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật như tên lửa trên máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander ở bán đảo này.

Cùng với sự hiện diện của hàng loạt vũ khí chiến thuật khác như tên lửa phòng không S-300, tên lửa bờ đối hạm P-800 Onyx, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm A-50, máy bay chiến đấu Su-27/30, MiG-29, Crimea đã được biến thành bức tường thép ngăn chặn bước tiến của Mỹ-NATO.

>>> Bí mật chiếc trực thăng gián điệp trong chiến tranh Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại