Nhiều người trong số đó được cấp nhà mới và những lãnh đạo chủ chốt được tặng thưởng nhiều huân huy chương tương tự như các anh hùng quốc gia.
Tuy nhiên, nổi bật nhất trong đó là 3 cái tên: So Sang Guk, Jon Pyong Ho và O Kuk Ryol, những người được xem là "cha đẻ" của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Với một quốc gia luôn bị bao phủ bởi tấm màn bí mật thì thông tin về 3 con người này lại càng bí ẩn hơn. Họ lần lượt đảm nhận 3 vai trò không thể thiếu trong chương trình vũ khí hạt nhân: nhà khoa học, chuyên gia quân sự và cuối cùng là người phụ trách hậu cần.
So Sang Guk
Người đầu tiên trong bộ ba này, "bộ não" của chương trình, là So Sang Guk, một tiến sĩ khoa học 77 tuổi, trưởng khoa vật lý nguyên tử của trường đại học Kim Nhật Thành.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, ông này là tác giả của 40 tựa sách, bao gồm “Cơ học lượng tử” và “Lý thuyết hạt cơ bản”.
So Sang Guk còn là thầy của Kim Chính Nhật về bộ môn khoa học hạt nhân và nhận rất nhiều phần thưởng, huân chương của nhà nước.
Năm 1998, đích thân Kim Chính Nhật tặng quà mừng thọ cho So Sang Guk nhân dịp sinh nhật 60 tuổi. Ông So cũng được bổ nhiệm vào một vị trí trong Cục tổ chức và giám sát.
Đây là tổ chức cấp cao và bí mật được Kim Chính Nhật lập ra để củng cố quyền lực trước khi chính thức trở thành lãnh tụ tối cao vào năm 1994.
Vị trí này cho phép ông có thể điều động và giám sát những con người cần thiết cho chương trình, cũng như được phép tiếp cận các tài liệu tuyệt mật.
Tận dụng các mối liên hệ khi còn là sinh viên ở Liên Xô, ông So có thể sang Nga để đàm phán mua các thiết bị cần dùng cho chương trình.
Theo Jang Jin-sung, một người từng học chung với con gái của ông So, cô này từng phàn nàn rằng mình không được ra nước ngoài học vì cha cô phải tham gia một dự án rất quan trọng và bí mật.
Tuy vậy, cô cũng có một chỗ tại trường nhạc hàng đầu Triều Tiên nhờ ảnh hưởng của cha mình. So Sang Guk bị liệt kê trong danh sách những nhân vật chịu lệnh cấm vận tài chính của EU vào năm 2009.
O Kuk Ryol
Tướng O là nhân vật quan trọng thứ 2 trong chương trình hạt nhân của nước này, với vai trò phối hợp về mặt quân sự.
Sinh ra tại Trung Quốc, ông O được thăng hàm tướng vào năm 1984 và từ tháng 4/2009 là phó chủ tịch ủy ban quốc phòng quốc gia, lãnh đạo Tổng cục tình báo, đồng thời là một thành viên của ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Đà thăng tiến nhanh của ông này được cho là nhờ vào mối quan hệ gia đình với một người từng chiến đấu cạnh Kim Nhật Thành trong giai đoạn chống Nhật.
Vào năm 2001, Kim Chính Nhật khi đó tặng 2 chiếc hơi do Mỹ sản xuất cho 2 nhân vật quan trọng nhất của chương trình hạt nhân. So Sang Guk là người được nhận đầu tiên và sau đó là tướng O Kuk Ryol.
Trong giới lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên, O Kuk Ryol hơi khác biệt vì thường tránh xa những buổi tiệc tùng. Thay vào đó, ông này vẫn đi bộ nhiều kilomet mỗi ngày cho dù ở tuổi 85.
Ông cũng được cho là thành thạo tiếng Anh, Nga và Trung. Tướng O nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ từ năm 2013 và được nhìn thấy lần cuối cùng bên cạnh Kim Chính Ân vào tháng 11 năm ngoái.
Jon Pyong Ho
Đây là người phụ trách khâu hậu cần của chương trình hạt nhân và tên lửa, bao gồm nhân lực, cơ sở và trang thiết bị.
Là một trong những cố vấn thân tín của nhà lãnh đạo Kim Chính Nhật sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moscow, Jon Pyong Ho đã trở thành một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp chế tạo - phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Thông tin về việc ông Jon Pyong Ho qua đời trên báo Rodon Shinmun
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề của Liên Hợp Quốc, ông Jon là người trực tiếp tham gia cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006.
Ông Jon từng giúp Triều Tiên xúc tiến thành công một thỏa thuận với Pakistan vào những năm 1990 để nhận được những thông tin quan trọng về công nghệ làm giàu uranium và ngược lại, Pakistan được cung cấp công nghệ tên lửa.
Ông Jon qua đời vào ngày 7/7/2014 ở tuổi 88 và được tổ chức lễ quốc tang với sự có mặt của lãnh tụ Kim Chính Ân (Kim Jong Un).