Thương vụ này đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng nó đã bị hoãn vào năm 2010 khi Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc thông qua Nghị định 1929 đối với Iran.
Nghị định này mặc dù không cấm các nước bán những loại khí tài như S-300, nhưng nó kêu gọi các nước cần phải “thận trọng và hạn chế” cung cấp vũ khí cho Iran. Kể từ đó, Nga không muốn bán loại vũ khí này, nhưng nay họ đã thay đổi ý định của mình.
S-300 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga.
S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không được trang bị các loại rađa hiện đại cùng các tên lửa tầm xa tốc độ cao, có thể bắn rơi máy bay từ khoảng cách khá xa.
NATO gọi tổ hợp tên lửa này là SA-10 và Mỹ đã nghiên cứu và huấn luyện để chống lại chúng trong nhiều năm. Về cơ bản, S-300 là một dàn phóng tên lửa cơ động, chính xác và lợi hại.
Quyết định bán tên lửa S-300 cho Iran là một sự kiện rất quan trọng vì 3 lý do dưới đây.
Sức mạnh quân sự trong khu vực đã thay đổi
Trong suốt một thập kỷ qua, Mỹ và các đồng minh có thể tự do hoạt động trên vùng trời Trung Đông mà không gặp trở ngại nào.
Những nước thân Mỹ có thể dựa vào hỗ trợ trên không và tầm hoạt động của máy bay Mỹ. Đối thủ của Mỹ thì phải dè chừng trước khả năng do thám và công kích từ trên cao của Mỹ, khiến những lựa chọn chiến thuật của họ bị giới hạn.
Điều này ban đầu là đúng đối với Iran, do khả năng phòng không của họ đã chịu nhiều tổn thất bởi cấm vận. Tuy nhiên, sự xuất hiện của S-300 đã thay đổi điều này.
S-300 không phải là bức tường vô hình và Mỹ có thể đánh bại nó nếu họ muốn.
Tuy nhiên, để có thể phá hủy S-300, quân đội Mỹ phải thực hiện một chiến dịch quy mô lớn bao gồm các khí tài trên không, trên biển và trên bộ, trong đó có cả những loại máy bay và tên lửa tốt nhất và đắt tiền nhất của Mỹ.
Rủi ro đối với con người và thiết bị trong những chiến dịch đó là rất lớn, và cần rất nhiều thời gian để có thể đạt được mục tiêu.
Thể hiện sự phổ biến của các thiết bị phòng không trên thế giới
Năm 2003, ba chuyên gia Andrew Krepinevich, Barry Watts và Robert Work đã từng cảnh báo về sự phổ biến của các loại vũ khí như S-300 trên toàn thế giới.
Họ nói rằng những nước như Iran và Triều Tiên sẽ mua về những loại vũ khí lợi hại như S-300 và buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược của mình để thể hiện sức mạnh.
Với S-300 của Nga, Iran sẽ nâng cao khả năng phòng không cũng như có nhiều lựa chọn về chiến thuật hơn.
Do đó, nhiều quan chức của Mỹ, trong đó có ông Work (nay là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) đã kêu gọi phát triển công nghệ mới để “cản trở” những loại vũ khí tiên tiến như S-300. Sự phổ biến của các loại vũ khí phòng không hiện đại là điều không thể bàn cãi.
Thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại
Lệnh cấm vận của phương Tây với Nga do những cáo buộc về khủng hoảng ở Ukraine đã gây ra những chi phí lớn đối với nền kinh tế Nga và đẩy mạnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Giờ đây, cả hai bên sẽ còn phải đau đầu về vấn đề của Iran nữa. Với việc bán tên lửa S-300 cho Iran, Nga đã có cách để làm gia tăng chi phí cần thiết của Mỹ nếu nước này có ý định can thiệp quân sự.
Hoạt động huấn luyện để chống lại S-300 đã bị ảnh hưởng nặng nề do cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2013.
Gần đây, người đứng đầu Bộ Không quân Hoa Kỳ là bà Deborah James nói rằng một nửa đơn vị của Không quân Mỹ không được huấn luyện để thực hiện những chiến dịch chống lại vũ khí tối tân.
Xét về sự lan rộng của các loại vũ khí phòng không hiện đại do những sự kiện như thương vụ giữa Nga và Iran, điều đó sẽ không thể làm giới chức Mỹ an tâm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.