3 "cái nhất" trong đợt ra quân đặc biệt của thủy phi cơ DHC-6 VN

(Soha.vn) - 3 đặc điểm nổi trội này đã khiến thủy phi cơ DHC-6 mỗi lần cất hạ cánh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí.

Mặc dù mới tiếp nhận, khai thác từ cuối tháng 10-2013 và có chuyến bay xa đầu tiên vào sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 2-2014 nhưng ngay khi nhận được lệnh bay tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích ngày 8-3 vừa qua, Phi đội DHC-6 đã tham gia liên tục nhiều chuyến bay biển tìm kiếm máy bay, ghi dấu ấn đầu cho lực lượng thủy phi cơ đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Nhanh chóng cơ động

Ngay khi nhận lệnh của trên, dù chưa kịp nghỉ ngơi sau chuyến bay khảo sát ở biển xa về, Ban chỉ huy Phi đội DHC-6 đã nhanh chóng triển khai các phương án bay tìm kiếm cứu nạn. Phi đội trưởng, Đại úy Vương Đăng Nam vừa về thăm nhà chưa đầy 10 tiếng đã có mặt cùng Phó phi đội trưởng Phạm Vũ Tuấn trực tiếp điều khiển thủy phi cơ đi làm nhiệm vụ. Không khí nóng lên từng phút khi giờ cất cánh đã định. Từ bộ phận chỉ huy đến kỹ thuật đều khẩn trương kiểm tra những phần việc chuẩn bị cuối cùng. Trung tá Nguyễn Đình Hùng, Chính trị viên phi đội cho biết: Đây là nhiệm vụ bay chuyển sân và làm nhiệm vụ đặc biệt nên Phi đội đã quán triệt nghiêm mệnh lệnh của trên và chuẩn bị mọi phương án.

Chưa đầy 1 tiếng làm công tác chuẩn bị, đúng 11 giờ 30 phút ngày 9-3, máy bay DHC-6 rời đường băng Cam Ranh bay thẳng vào Tân Sơn Nhất, từ đây máy bay đón thêm lực lượng đi làm nhiệm vụ và bay thẳng ra Phú Quốc. Không kịp ăn trưa, cả tổ bay cùng lực lượng đi tìm kiếm máy bay ăn tạm bánh mì cầm hơi, nhiều người không kịp mang theo quân tư trang. Dù vậy tất cả đều xác định, đây là nhiệm vụ lớn nên dù khó khăn, gian khổ tất cả đều quyết tâm cao.

Đến gần 16 giờ cùng ngày, chuyến bay tìm kiếm máy bay mất tích đầu tiên của thủy phi cơ Hải quân đã khởi hành ra tọa độ 8 độ 21 p 36”- 103 độ 13p 30”, cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía Đông Nam. Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Hải quân chỉ huy tìm kiếm tại hiện trường từ máy bay. Sau gần 1 giờ bay, máy bay DHC-6 đến khu vực có vật lạ trôi trên biển theo phát hiện trước đó của máy bay C130 của Không quân Hoa Kỳ. Từ hơn 17 giờ đến 18 giờ 30 phút thủy phi cơ Hải quân do Đại úy Vương Đăng Nam và Thượng úy Phạm Vũ Tuấn làm phi công thực hiện cuộc tìm kiếm trên phạm vi 30-50km2, ở độ cao 100m so với mực nước biển. Thời tiết trên biển tốt nên lực lượng tìm kiếm rất dễ quan sát mặt biển. Tất cả hồi hộp căng mắt quan sát mặt biển.

Những hiện vật khả nghi

Vào hơn 18 giờ, khi trời đã bắt đầu tối thì ở vị trí 08 độ 47p 32”- 103 độ 13p 30”, máy bay phát hiện 1 vệt dầu loang và 1 vật thể lạ có kích thước khoảng 1,5x2m màu trắng, có lỗ tròn ở giữa, giống như cửa máy bay. Mọi người reo lên “thấy mảnh vỡ rồi, cửa máy bay thì phải…”. Ngay lúc đó máy bay bay vòng lại sục sạo tìm kiếm. Một vòng, hai vòng, rồi ba vòng, bán kính tìm kiếm chỉ gói gọn 2-3km2. Tuy nhiên do trời chập tối, máy bay không hạ cánh xuống nước để kiểm tra cụ thể được. Vị trí vật thể lạ này trôi cách vị trí xác định ban đầu mà máy bay C130 phát hiện chừng 25km về phía đất liền. Tuy không vớt được vật thể lạ nhưng máy bay đã đánh dấu tọa độ để Sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc thông báo cho UBQGTKCN ngay trong đêm cử lực lượng tàu Hải quân, Cảnh sát biển đến khu vực này tìm kiếm.

Bước vào ngày thứ 2 tìm kiếm máy bay mất tích, bay liên tục với chặng bay hàng nghìn km ở các khu vực biển rộng lớn, thời tiết nhiều hôm không thuận lợi, các phi công và lực lượng tìm kiếm đã thấm mệt, nhiều người gần như kiệt sức nhưng tất cả đều quyết tâm cao bởi khi chưa tìm được dấu tích máy bay mất liên lạc thì các cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục.

Sáng 10-3, máy bay tiếp tục bay ra vị trí đã phát hiện vật thể giống cửa máy bay, tuy nhiên thời tiết xấu, sóng lớn ảnh hưởng đến việc tìm kiếm. Vật thể phát hiện hôm trước đã mất dấu. Tuy nhiên lực lượng tìm kiếm phát hiện rất nhiều vết loang màu vàng, tựa vệt dầu, các vệt màu vàng dài hàng trăm mét. Vì thời tiết xấu nên thủy phi cơ không hạ cánh trên biển để kiểm tra chính xác.

Nghỉ trưa và tiếp nhiên liệu chỉ hơn 1 tiếng, 15 giờ ngày 10-3, thủy phi cơ DHC-6 tiếp tục bay tìm kiếm. Chỉ đạo cuộc tìm kiếm trên máy bay Hải quân có Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân; ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Cục Hàng không, Tổng công ty quản lý bay.

Phạm vi tìm kiếm chiều 10-3 của máy bay Hải quân mở rộng đến khu vực biển giáp Ma-lai-xi-a, cách đảo Phú Quốc hơn 350km. Thủy phi cơ Hải quân bay nhiều vòng ở khu vực biển máy bay Ma-lai-xi-a mất tín hiệu rồi vòng về khu vực phát hiện vết dầu loang. Thời tiết tốt, tầm quan sát tốt, thời gian tìm kiếm liên tục gần 4,5 tiếng trên biển, tuy nhiên ngoài việc phát hiện 1 ít dầu loang, lực lượng tìm kiếm không phát hiện thêm dấu vết nào.

Chiều 11-3 và ngày 12-3 thủy phi cơ DHC-6 xuất phát chuyến thứ 4, thứ 5 liên tục tìm kiếm máy bay mất tích ở phạm vi rộng hơn, tuy nhiên sau hàng chục giờ bay vẫn không phát hiện dấu vết khả nghi nào.

Dấu ấn Thủy phi cơ Hải quân

Hàng trăm phóng viên từ các cơ quan báo chí trong nước và các hãng thông tấn lớn nước ngoài đã đến Sân bay Phú Quốc nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương TKCN và có Thủy phi cơ Hải quân hoạt động. Các hoạt động tìm kiếm của các lực lượng, nhất là Thủy phi cơ DHC-6 được các hãng thông tấn cập nhật từng giờ. Rất nhiều phóng viên quan tâm, bởi đây là Thủy phi cơ duy nhất ở nước ta hiện nay hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích. Đặc biệt DHC-6 có tầm bay xa nhất, hoạt động liên tục trên biển lâu nhất (từ 5-7 tiếng), ở độ cao thấp nhất (từ 100-300m) vì thế mỗi lần DHC-6 cất hạ cánh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí.

Kết thúc chuyến tìm kiếm thứ 4, đồng chí Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp đến thăm, động viên các phi công Phi đội DHC-6. Đại úy Vương Đăng Nam, Phi đội trưởng khẳng định: Phi đội DHC-6 đã sẵn sàng cho các chuyến tìm kiếm tiếp theo, chỉ mong sao nhanh tìm thấy tung tích máy bay để các thân nhân chuyến bay MH 370 bớt đau khổ, mong chờ. Một phóng viên của Trung Quốc cho biết: Các hoạt động tìm kiếm của Hải quân nhân dân Việt Nam những ngày qua thể hiện trách nhiệm tính nhân văn cao cả. Dư luận quốc tế đánh giá cao công tác tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại