2 tàu tên lửa Molniya Việt Nam tự đóng sẽ được biên chế ở đâu?

Ly Vy |

(Soha.vn) - 2 tàu tên lửa Molniya mang số hiệu HQ-377 và HQ-378 sắp tới sẽ được biên chế vào Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167 thuộc Vùng 2 Hải quân.

Là những chiến hạm đầu tiên trong loạt tàu tên lửa tấn công nhanh có hỏa lực mạnh project 1241.8 được đóng tại Việt Nam, 2 tàu Molniya số hiệu HQ-377 và HQ-378 đã chính thức được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho Quân chủng Hải quân ngày 27/06 vừa qua.

Việc đưa 2 tàu HQ-377, HQ-378 vào biên chế sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Vậy câu hỏi được đặt ra bây giờ là 2 chiến hạm này sẽ trang bị cho đơn vị nào và hoạt động ở đâu?

Theo như thông tin công bố trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 28/06/2014 thì 2 tàu HQ-377, HQ-378 sau khi hoàn thành chạy thử đã được biên chế về Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167 thuộc Vùng 2 Hải quân.

Lữ đoàn 167 được thành lập theo quyết định số 2495/QĐ-BQP ký ngày 12/07/2013 và chính thức ra mắt vào ngày 14/10/2013 vừa qua. Vùng 2 Hải quân có nhiệm vụ quản lý bảo vệ vùng biển, đảo rộng hơn 300.000 km2, bao gồm toàn bộ khu vực thềm lục địa phía Nam kéo dài đến điểm tiếp giáp đường phía Đông giữa 3 nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia và khu vực nhà giàn DK1.

Do chịu trách nhiệm quản lý một vùng biển rộng lớn có vị trí chiến lược với nhiều giàn khoan dầu khí nên Vùng 2 Hải quân được ưu tiên trang bị các loại tàu chiến hiện đại và việc thành lập Lữ đoàn 167 chính là để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Một điểm khá đặc biệt là Lữ đoàn 167 được trang bị các tàu chiến hiện đại và đều là hàng "made in Viet Nam". Ngoài 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya HQ-377 và HQ-378 thì Lữ đoàn còn được trang bị tàu pháo TT-400TP cũng do Việt Nam tự đóng.

Hiện nay trong biên chế của Vùng 2 Hải quân có 2 tàu pháo TT-400TP là HQ-272 và HQ-273. Đây là lớp tàu pháo hiện đại được đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà với thiết kế sơ bộ mua của nước ngoài. Lớp tàu TT-400TP và Molniya có sự tương đồng trong một số loại vũ khí trang bị cũng như radar, thiết bị điện tử đơn cử như đều sử dụng pháo hạm AK-176M, AK-630M với radar dẫn bắn MR-123-02 cùng nhiều thiết bị điện tử, thông tin liên lạc khác... điều này sẽ giúp Lữ đoàn 167 chủ động trong việc huấn luyện, vận hành, đảm bảo tính đồng bộ của trang thiết bị.

Việc thành lập Lữ đoàn 167 cũng như trang bị cho Lữ đoàn 2 tàu tên lửa Molniya đóng trong nước không những giúp tăng cường sức mạnh mà đó còn là biểu tượng thể hiện trình độ và khả năng của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Việt Nam, khi mà chúng ta đang dần tiến tới tự đóng được các loại tàu chiến lớn có độ phức tạp cao hơn.

Tàu Molniya đóng trong nước bắn nghiệm thu tên lửa

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại