Chỉnh sửa và tăng thêm các hệ thống để dung nạp F-35B
Trong một buổi họp báo bên lề Triển lãm quốc phòng hải quân quốc tế châu Á 2013 (IMDEX) tổ chức tại Singapore, Tư lệnh hải quân Mỹ - Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Mỹ đang sửa đổi thiết kế boong chở máy bay và đường băng của loạt tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp để có thể chuyên chở loại máy bay tấn công tàng hình thế hệ thứ 5, cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) F-35.
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết thêm, nội dung chủ yếu trong phương án sửa chữa thiết kế tàu đổ bộ tấn công LHD là để giảm bớt áp lực xuống mặt boong và môi trường xung quanh do khí xả ở bụng máy bay tăng mạnh khi cất, hạ cánh tạo nên.
Mô hình thoát khí và đặc tính bay của F35B đòi hỏi phải tiến hành gia cố các hệ thống chịu lực trên tàu; di chuyển vị trí hoặc loại bỏ một số thiết bị không cần thiết tránh xảy ra trường hợp khi máy bay cất, hạ cánh hoặc tác chiến có thể gây tổn hại đến các hệ thống antena, xuồng cứu sinh, lan can mạn tàu, lưới bảo vệ và trạm nhiên liệu JP-5.
Ngoài ra, đặc tính nhiệt độ cao của F-35 cũng đòi hỏi phải gia cố lại mặt boong, làm chậm các luồng khí phản lực để giảm áp lực. Đồng thời, cũng phải thay đổi lớp sơn phủ bề mặt boong vì lớp sơn cũ không có khả năng chống ăn mòn khi tiếp xúc với các luồng khí phụt từ bụng máy bay để tạo lực nâng. Ngoài ra, hải quân Mỹ còn phải lắp đặt thêm một số thiết bị ổn áp và hệ thống chỉnh lưu.
Do khả năng thực hiện nhiệm vụ của F-35 đã được mở rộng rất nhiều nên các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp cũng cần phải nâng cao năng lực kho chứa và hệ thống vận chuyển đạn dược, đồng thời cũng phải cập nhật thêm chức năng cho các hệ thống thiết bị bảo đảm khác có liên quan đến không quân hạm.
Ngoài ra, một số thiết bị khác cũng có sự điều chỉnh, bao gồm: Hê thống pháo phòng không tầm gần Phalanx, hệ thống tên lửa Ram, lắp đặt thêm hệ thống phóng tên lửa Sea Sparrow của NATO và tăng thêm các biện pháp bảo vệ trạm nhiên liệu. Hệ thống antenna thông tin vệ tinh WSC-8 cũng phải di dời đến vị trí khác, đồng thời tăng cường sử dụng hệ thống tạo bọt chữa cháy AFFF.
Tàu đổ bộ tấn công F-35 Mỹ sẽ thống trị các đại dương
Hiện nay Mỹ đang có 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD), bao gồm: USS Wasp (LHD-1); USS Essex (LHD-2); USS Kearsage (LHD-3); USS Boxer (LHD-4); USS Batan (LHD-5); USS Bonhomme Richard (LHD-6); USS Iwo Jima (LHD-7) và USS Makin Island (LHD-8).
Các tàu lớp này có lượng giãn nước 41.150 tấn, chiều dài 253,2m, rộng 31,8m, mớn nước 8,1m, tốc độ 25 hải lý/h (41km/h), phạm vi hoạt động 9500 hải lý (17.600km) với tốc độ 33km/h, tổng biên chế 1894 người, chuyên chở thêm 1208 lính hải quân đánh bộ.
Năng lực chuyên chở máy bay (trước đây) bao gồm: 6 chiếc máy bay phản lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier II, 4 máy bay trực thăng tấn công AH-1W SuperCobra, 12 máy bay trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc 4 chiếc máy bay vận tải cánh quạt ngiêng MV-22 Osprey, 4 máy bay trực thăng CH-53 Sea Stallion, 3-4 trực thăng UH-1N Huey.
Khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ tấn công lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp sẽ thay đổi biên chế như sau: 42 chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc hơn 22 chiếc MV-22 Osprey. Còn khi đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát biển, các tàu lớp LHD sẽ mang theo 20 máy bay phản lực tấn công AV-8B Harrier II và 6 chiếc trực thăng chống ngầm SH-60F/HH-60H.
Với lượng giãn nước ngang với các tàu đổ bộ tiến công thế hệ mới nhất lớp America (LHA), sau khi được cải tạo xong, tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp sẽ được trang bị 10 chiếc F-35B, còn khi tham gia chiếm lĩnh các đại dương nó có thể mang theo tới 20 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này, trở thành biên đội đổ bộ máy bay chiến đấu có sức mạnh khủng khiếp của hải quân Mỹ.
Ngoài tàu đổ bộ tấn công LHD ra, hải quân Mỹ hiện đang đẩy nhanh tốc độ chế tạo tàu đổ bộ tấn công LHA. Hiện họ đã biên chế tàu LHA-6 America, chiếc thứ 2 là LHA-7 “Tripoli” đã được khởi đóng vào tháng 5/2012. hải quân Mỹ dự định trước mắt sẽ đóng 3 tàu đổ bộ tấn công lớp này.
Tàu lớp “America” có chiều dài 257m, rộng 32m, lượng giãn nước 4,5 vạn tấn, vận tốc tối đa 25 hải lý/h với động cơ Diezen - tuốc bin khí. Nó có thể chuyên chở 1700 lính hải quân đánh bộ và 1060 thủ thủ (65 sĩ quan), khi biên chế đầy đủ máy bay và phi công, con số này có thể lên đến 3000 người.
Đặc biệt, LHA có thể mang tới 38 máy bay các loại, bao gồm 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải cánh quạt V-22 “Osprey”, 8 chiếc trực thăng tấn công AH-1Z “Cobra”, 04 chiếc trực thăng vận tải CH-53E “Super Stallion”, 04 chiếc trực thăng tìm kiếm, cứu hộ MH-60S “Seahawk”.
Ưu điểm cất cánh trên đường băng ngắn khoảng 50m và hạ cánh thẳng đứng của F-35B và kho chứa máy bay dưới khoang ngầm, có bệ nâng, hạ tự động giúp nó tiết giảm được rất nhiều diện tích mặt boong, tăng số lượng chuyên chở. Trên thực tế, khi tác chiến khống chế các đại dương, LHA có thể mang tới 25 chiếc F-35B mà chỉ giảm đi gần một nửa số máy bay khác (còn 16 chiếc).
Ưu điểm nổi bật của các tàu đổ bộ tấn công là, với tải trọng chỉ hơn 4 vạn tấn, chúng có thể mang được tới 3400 tấn nhiên liệu, hơn tàu sân bay “Liêu Ninh” (65.000 tấn) của Trung Quốc tới 900 tấn và gấp rưỡi so với INS Vikramaditya của Ấn Độ. Điều này chứng tỏ khả năng duy trì tần suất cất, hạ cánh, đồng nghĩa với số lượng phi vụ tác chiến và thời gian tác chiến trên không của F-35B trên “America” nhiều hơn gấp bội so với J-15 và Mig-29K.
Trong báo cáo chiến lược xây dựng “lực lượng trên biển thế kỷ XXI”, hải quân Mỹ xác định: 10 tàu sân bay hiện có sẽ hình thành quả đấm sắt tiến công thứ nhất; 12 “hạm đội” tấn công viễn chinh, 9 nhóm tàu tác chiến mặt nước và 04 biên đội tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Ohio cải tiến sẽ hình thành quả đấm sắt tấn công thứ 2.
Để xây dựng 12 “hạm đội” tấn công viễn chinh, hải quân Mỹ đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề tái tổ chức, xây dựng và duy trì 12 cụm đổ bộ tấn công để khống chế toàn bộ các đại dương trên thế giới, nòng cốt của mỗi cụm là 3 tàu đổ bộ và tăng cường thêm 4 tàu tác chiến gồm tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu ngầm hạt nhân.
Kỳ hạm của nhóm tàu đổ bộ sẽ là LHA America hoặc LHD Wasp, 2 tàu còn lại là tàu vận tải đổ bộ lớp “San Antonio” (LPD) và tàu đổ bộ lớp “Whidbey Island” (LSD). Hiện Mỹ đã có 8 tàu đổ bộ tấn công LHD, như vậy, có khả năng họ sẽ đóng tới 4 chứ không phải 3 tàu đổ bộ tấn công LHA.
Lực lượng tàu tác chiến đi kèm sẽ bao gồm 1 tàu tuần dương Aegis lớp Ticonderoga, 1 tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Arleigh Burke, 1 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu ngầm tấn công tên lửa hạt nhân. Chúng và lực lượng trực thăng sẽ đảm nhận nhiệm vụ chống hạm, phòng không hạm, chống ngầm, rà quét lôi, đảm bảo cho mỗi biên đội có sức mạnh ngang bàng một biên đội tàu sân bay.
Xét về tổng thể, các tính năng của tàu đổ bộ tấn công F-35 Mỹ đều ngang bằng, thậm chí là vượt trội so với 2 tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ. Với tổng cộng 12 cụm tàu đổ bộ như vậy, và 10 tàu sân bay hiện đang sử dụng, có thể nói sức mạnh của hải quân Mỹ là tuyệt đối, các nước khác dù có nỗ lực phát triển tàu sân bay đến đâu cũng chỉ để làm đối trọng với nhau chứ không thể so sánh được với Mỹ.