Antonov An-225 Mriya
Antonov An-225 tại Triển lãm hàng không Farnborough 1990
Chiều dài tổng thể 84 m và trọng lượng cất cánh tối đa 640 tấn, Antonov An-225 Mriya chính là chiếc máy bay dài nhất và nặng nhất từng được chế tạo.
Ban đầu An-225 được Antonov thiết kế với vai trò máy bay vận tải phục vụ chương trình tàu con thoi Buran. Nhưng sau khi dự án kết thúc, chiếc Mriya đã chuyển đổi công năng sang lĩnh vực vận chuyển hàng hóa thương mại.
Năm 2009, An-225 thiết lập kỷ lục chuyên chở món hàng lớn nhất vận chuyển qua đường không, đó là máy phát điện nặng 189 tấn của một nhà máy điện chạy khí ở Armenia.
Messerschmitt Me 323 Gigant
Máy bay vận tải hạng nặng Messerschmitt Me 323 Gigant
Vận tải cơ khổng lồ của Đức trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai có thiết kế giống như một chiếc tàu lượn. Khung máy bay được lắp 6 động cơ cánh quạt rất khỏe, cho phép vận chuyển 1 khẩu pháo tự hành Flak 36 cỡ 88 mm hoặc 1 xe tăng Panzer IV.
Me 323 Gigant phục vụ rất đắc lực trong các chiến dịch của Thống chế Rommel tại chiến trường châu Phi, nhưng kích thước lớn cùng tốc độ chậm khiến nó phải chịu tổn thất nặng nề trước tiêm kích đánh chặn của quân Đồng minh.
Tupolev ANT-20
Chế tạo tại Liên Xô vào thập niên 1930 và mang biệt danh "Tiếng nói bầu trời", ANT-20 là chiếc máy bay được sử dụng với vai trò như một trung tâm truyền thông di động nhằm tuyên truyền cho "Chủ nghĩa Stalin".
Chiếc máy bay đầu tiên hoàn thành mang tên nhà văn Liên Xô Maxim Gorky, nó chứa trong mình một đài phát thanh, xưởng in, thư viện và cả rạp chiếu phim có tiếng. Đáng tiếc ANT-20 đã bị rơi trong một buổi trình diễn, làm thiệt mạng 45 người.
Convair XC-99
Máy bay vận tải hạng nặng XC-99 thời điểm năm 1948
XC-99 từng giữ vị trí máy bay sử dụng động cơ piston lớn nhất được chế tạo, với 6 động cơ cánh quạt bố trí ngược khá lạ mắt. Mặc dù chỉ có duy nhất 1 chiếc hoàn thành nhưng nó đã phục vụ rất đắc lực trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Khung máy bay hiện đang lưu trữ tại Tucson, Arizona và chờ được phục hồi để trưng bày.
Linke-Hofmann R.II
Máy bay ném bom Linke-Hofmann R.II
Linke-Hofmann R.II là một loại máy bay ném bom 2 tầng cánh chế tạo tại Đức vào năm 1917, nó được trang bị 4 động cơ Mercedes D.IVa công suất 260 mã lực để cung cấp năng lượng cho cánh quạt cao tới 6,9 m.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ hoàn thành để phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng R.II đã không sẵn sàng cho tới khi kết thúc chiến tranh.
Tupolev Tu-160
"Thiên Nga trắng" Tu-160
Tupolev Tu-160 là máy bay chiến đấu và máy bay siêu âm lớn nhất từng được chế tạo. Đây là chiếc oanh tạc cơ cuối cùng của kỷ nguyên "cánh cụp cánh xòe", có vai trò tương tự như B-1B Lancer của Mỹ.
Hiện Tu-160 vẫn đang phục vụ tích cực trong Không quân Nga, mới đây nó đã được huy động để tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên lãnh thổ Syria.
Mil V-12
Một chiếc V-12 thuộc sở hữu của Hãng hàng không Aeroflot
Mil V-12 thực sự là một phi cơ đáng kinh ngạc, nó chính là chiếc trực thăng lớn nhất thế giới cho tới thời điểm hiện tại. 4 động cơ turbine siêu khỏe cung cấp năng lượng cho 2 cánh quạt lớn, giúp V-12 dễ dàng nâng được tới 40 tấn hàng hóa.
V-12 là trường hợp thành công khác thường, các nguyên mẫu đã thiết lập nên rất nhiều kỷ lục về vận chuyển hàng hóa, thậm chí vượt ra ngoài thông số thiết kế.
Nhưng đáng tiếc Không quân Liên Xô đã không theo đuổi việc sản xuất hàng loạt, do sứ mệnh vận chuyển tên lửa đạn đạo không còn là nhiệm vụ ưu tiên.
Hughes XH-17
Trực thăng quân sự XH-17
Hình thành vào đầu thập niên 1950 với vai trò trực thăng vận tải hạng nặng cho Quân đội Mỹ, Hughes XH-17 được xem như một kỳ quan nhờ chiếc rotor có chiều dài lên tới 39,6 m, cho phép máy bay vận chuyển khối lượng hàng hóa 4.500 kg.
Tuy nhiên hệ thống động lực của XH-17 tồn tại rất nhiều vấn đề dẫn đến sự làm việc không hiệu quả, đáng kể nhất là nó chỉ bay được 40 dặm với 1 bình nhiên liệu duy nhất.
LZ 129 Hindenburg
LZ 129 Hindenburg tại Rio năm 1936
Danh sách các máy bay lớn nhất từng xuất hiện trên bầu trời sẽ có thiếu sót lớn khi chưa nhắc đến chiếc LZ 129 Hindenburg. Với chiều dài 245 m, cao 40 m, Hindenburg được thiết kế cho các chuyến bay chở khách xuyên Đại Tây Dương.
Ngày nay, hầu như mọi người đều biết đến "Thảm họa Hindenburg", đó là khi chiếc khí cầu khổng lồ này gặp tai nạn và bốc cháy trong lúc neo đậu, làm thiệt mạng 36 người.
Ngoài ra, Hindenburg còn được sử dụng như một công cụ tuyên truyền của Đức quốc xã khi thường xuyên phát đi các bài phát biểu, bản nhạc hay tờ rơi trên toàn lãnh thổ nước Đức.
Hughes H-4 Hercules
Thủy phi cơ H-4 Hercules
Mang biệt danh Spruce Goose (ngỗng vân sam), H-4 Hercules là chiếc thủy phi cơ vận tải hạng nặng có thân làm bằng gỗ được chế tạo trong thời kỳ Thế chiến II.
Mặc dù chỉ cất cánh duy nhất một lần và chưa hoàn thiện cho đến khi chiến tranh kết thúc, nhưng vẫn tồn tại huyền thoại cho rằng Spruce Goose là con thuyền bay lớn nhất, nó hiện vẫn giữ kỷ lục về sải cánh, lớn hơn bất kỳ máy bay hiện đại nào, lên tới 97,5 m.