T-90MS của Nga.
Tuy ngày nay có nhiều ý kiến đánh giá thấp vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại khi mà không quân với các loại đạn chống tăng thông minh dường như đang làm chủ chiến trường.
Những ý kiến này có vẻ chính xác khi chúng ta nhìn nhận lại các sự kiện lịch sử gần đây như sự bất lực của xe tăng Iraq trước hỏa lực máy bay trực thăng AH-64 Apache hay máy bay cường kích A-10 Thunderbolt hoặc thiệt hại nặng nề của lực lượng tăng thiết giáp Nga tại chiến tranh Cherchen lần thứ nhất trước các hỏa lực diệt tăng cá nhân.
Tuy nhiên, nếu vì những sự kiện trên mà coi nhẹ hiệu quả của xe tăng trong chiến tranh hiện đại thì rõ ràng là một sai lầm. Trong một cuộc chiến tranh tổng lực, mọi yếu tố phi đối xứng sẽ không còn, những chiếc trực thăng chống tăng dễ dàng làm mưa làm gió trong chiến trường Vùng Vịnh những năm 1990 sẽ khó có thể hoạt động thoải mái trước hỏa lực phòng không tầm thấp, tầm trung hiện đại như các hệ thống pháo bắn nhanh 35-40 mm điều khiển điện tử, những hệ thống tên lửa cơ động với xác suất diệt mục tiêu cao như Pantsir, Morfey…
Thậm chí, chiến tranh du kích nội đô kiểu Cherchen lần thứ nhất cũng dần không còn phát huy tác dụng dưới hỏa lực dọn đường của pháo hạng nặng, tên lửa nhiệt áp Buratino và xe chiến đấu hộ tăng BMPT. Khi đó, các loại xe tăng với pháo lớn, giáp dày vẫn là một phương tiện bảo vệ bộ binh, phục vụ chiến thuật thọc sâu đánh chiếm vô cùng hữu hiệu.
Không chỉ vậy, ngày nay, các loại xe tăng trên thế giới đều được bảo vệ bằng nhiều tầng phòng thủ. Các hệ thống phòng thủ chủ động như Trophy của Israel, Arena của Nga có khả năng bắn hạ tên lửa hay đạn phóng lựu diệt tăng. Hệ thống phòng thủ quang điện bị động như Shtora có thể đánh lạc hướng tên lửa có điều khiển.
"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", vũ khí chống tăng cũng không ngừng phát triển, tên lửa CKEM với tốc độ 2 km/s có thể dễ dàng đánh bại các hệ thống như Shtora; súng chống tăng RPG-30 với đầu đạn mồi cũng có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ chủ động như Trophy, Arena.
Vì vậy, cuối cùng thì "vỏ quýt" cần phải dày hơn nữa, chiếc xe tăng vẫn phải trông đợi vào chính lớp giáp dày của mình để sống sót giống như trong tác chiến tăng thiết giáp cách đây 70 năm.
Dưới đây là danh sách một số loại xe tăng với vỏ giáp dày hàng đầu hiện nay (dựa trên các thông số đã công bố).
10. Type-90 Kyu-Maru (Nhật Bản)
Xe tăng Type-90 có thiết kế tương tự Leopard 2A4 của Đức nhưng đã được người Nhật cải thiện tốt hơn rất nhiều.
Xe tăng Type-90 bắt đầu được đưa vào biên chế của lục quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 1990 và hiện là nòng cốt chính của lực lượng xe tăng nước này. Dù có ngoại hình tương tự như xe tăng Leopard 2A4 của Đức nhưng Type-90 đã có một số cải tiến đáng kể như giảm khối lượng xe (50 tấn so với 52 tấn của Leopard 2A4), giúp xe có tỷ số công suất hp trên tấn tăng đến 30.
Ngoài ra, Type-90 cũng được lắp đặt máy nạp đạn tự động giúp kíp lái xe tăng giảm xuống chỉ còn 3 người.
9. T-90S (Nga)
Cận cảnh lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5 ở tháp pháo và nóc xe tăng T-90S.
Xe tăng T-90S là biến thể được biên chế rộng rãi hiện đại nhất của Nga hiện nay. Loại xe tăng này đã phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1992 và đã được xuất khẩu cho nhiều nước như Algeria, Ấn Độ.
Là dòng tăng "nhẹ" trong số các loại MBT, T-90S chỉ có khối lượng 46,5 tấn. Xe sử dụng pháo 125 mm với thiết bị nạp đạn tự động với kíp lái ba người.
Ngoài các loại đạn thanh xuyên APFSDS và đạn nổ (HEAT, HEF), xe tăng T-90S có thể sử dụng cả đạn tên lửa 9M119 Refleks-M với khả năng tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách tới 5 km.
Lớp giáp phía trong của T-90S được chế tạo từ thép composite hỗn hợp sử dụng các lớp gốm làm từ ôxit kim loại cứng xen lẫn thép. Bảo vệ phía bên ngoài của xe là giáp phản ứng nổ thế hệ hai Kontak-5 với khả năng bẻ gãy thanh xuyên, giúp khả năng chống đạn động năng của xe tăng đáng kể.
Tuy vậy, do kích cỡ bé, độ dày giáp vật lý thực tế của xe cũng bị hạn chế, do đó, xe tăng T-90S chỉ có thể xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-90S như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 420, 750 hoặc 920 mm tùy từng vị trí, thân trước xe: 670 - 710 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 580 – 1.350 mm, thân trước xe: 990 – 1070 mm
8. T-80U
Xe tăng T-80U biên chế trong quân đội Nga.
Khác với "đồng hương" của mình là T-90, T-80 được phát triển từ loại xe tăng T-64 tại xưởng Omsk, vốn là loại xe tăng chỉ được sử dụng trong quân đội Liên Xô và không được xuất khẩu.
Xe tăng T-80U là biến thể hiện đại nhất được biên chế đại trà của dòng xe tăng này, được phát triển từ năm 1985.
Tương tự như T-90, T-80 cũng được vũ trang với pháo 125 mm có máy nạp đạn tự động với khả năng bắn tên lửa Refleks-M qua nòng pháo.
Lớp giáp phía trước của T-80U có thể bảo vệ xe rất tốt chống lại cả đạn HE và KE.
Cũng được bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ Kontak-5 như T-90S, nhưng nhờ có cấu trúc tháp pháo khác biệt, T-80U có khả năng chống lại các loại đạn tốt hơn một chút khi so sánh với T-90S.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-80U như sau :
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 280 - 850 mm tùy từng vị trí, thân trước xe: 780 mm. Phần nóc xe: 290 – 390 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 960 – 1.450 mm, thân trước xe: 1080 mm
7. M1A2 SEP
Xe tăng M1A2 sau khi được nâng cấp gói SEP.
M1A2 SEP là biến thể nâng cấp hiện đại nhất của dòng xe tăng M1 nổi tiếng đang phục vụ trong Quân đội Mỹ hiện nay.
Đã tham chiến trên nhiều chiến trường, dù có không ít phàn nàn về vấn đề động cơ hay hỏa lực, M1 vẫn là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất.
Gói nâng cấp SEP (System Enhancement Package – Gói nâng cấp cải tiến hệ thống) giúp bổ sung cho M1 những khối giáp composite mới, cải tiến các khoang chứa nhiên liệu cùng đạn dược. Ngoài ra, ở biến thể này, động cơ xe cũng được cải tiến để có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau như xăng hay dầu diesel.
Các hệ thống ngắm bắn, nhìn đêm cũng được nâng cấp. Hiện tại, đã có khoảng 1.000 xe tăng M1 (kể cả loại A1 và A2) đã được nâng cấp theo gói SEP.
Một xe tăng M1A2SEP với gói nâng cấp tác chiến đô thị TUSK (Tank Survival Urban Kit).
Lớp giáp bảo vệ xe M1A2 SEP cũng tương tự như các xe tăng M1 khác là loại composite đa lớp, được bổ sung thêm những lớp uranium nghèo siêu cứng, có tác dụng chống lại các loại đạn thanh xuyên của đối phương.
Nhờ kích cỡ lớn, lớp giáp có độ dày vật lý cao khiến cho khả năng bảo vệ của xe tăng M1A2 SEP tốt hơn các đối thủ của nó đến từ Nga.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng M1A2 SEP như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 880 - 900mm tùy từng vị trí , thân trước xe: 560 - 590 mm. Phần thân dưới phía trước xe: 580 – 650mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 1.310 – 1.620mm, thân trước xe : 510 – 1.050 mm. Phần thân dưới phía trước xe: 800 – 970mm.
6. Merkava MK4 (Israel)
Một chiếc xe tăng Merkava MK4 bị trúng đạn để lộ lớp giáp composite đa lớp trên tháp pháo.
Xe tăng Merkava MK4 được phát triển từ năm 1999 và bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 2004. Là một bản nâng cấp sâu của chiến trường, Merkava MK4 ra đời trong áp lực xung đột liên tục giữa quân đội Israel và các nhóm chiến binh hồi giáo Hezbollah, Hamas xung quanh.
Gần như khác hoàn toàn với các loại xe tăng truyền thống, Merkava MK4 được thiết kế với khoang động cơ ở phía trước thân xe, góp phần tăng thêm một tầng bảo vệ cho tổ lái phía sau. Phía cuối xe còn có cửa thoát hiểm, giúp tổ lái có khả năng thoát hiểm khẩn cấp khi xe bị bắn cháy.
Điều này góp phần đưa con số thiệt hại nhân mạng của tổ lái xe tăng Merkava MK4 thuộc hàng thấp nhất. Trong cuộc xung đột với Lebanon lần hai, trung bình 2 chiếc Merkava MK4 bị bắn hỏng thì Israel mới thiệt hại một thành viên tổ lái.
Là một loại xe tăng hạng nặng, có tổng khối lượng tới 65 tấn (nặng hơn những chiếc xe tăng T80 đến 20 tấn), Merkava được trang bị lớp giáp chobham với rất nhiều lớp gốm và thép xen kẽ, giúp bảo vệ tốt xe tăng chống lại cả đạn động năng và đạn nổ lõm.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng Merkava MK4 như sau :
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 600 – 1.030 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 750 – 1.340 mm
5. AMX-56 Leclerc (Pháp)
Xe tăng Leclerc được chế tạo bởi tập đoàn Giat Industry (cũng là cha đẻ của súng FAMAS nổi tiếng, ngày nay đã đổi tên thành Nexter System) và trang bị cho quân đội Pháp từ năm 1992.
Xe tăng AMX-56 Leclerc của Pháp có khả năng chống đạn nổ lõm cực tốt nhờ vào lớp giáp NERA.
Là con cưng của quân đội Pháp, Leclerc được trang bị hệ thống điện tử có thể nói là tốt nhất hiện nay với các hệ thống quan sát HL-70, ngắm bắn SAVAN-20 của SAGEM.
Không những thế, Nexter cũng đã phát triển bộ thiết bị phòng vệ KCBM chuyên sử dụng cho xe tăng này với thiết bị cảnh báo chiếu laser, thiết bị cảnh báo tên lửa, gây nhiễu hồng ngoại và hệ thống ống phóng lựu Galix có khả năng phóng lựu đạn khói, lựu đạn nổ sát thương hay mồi đạn giả hồng ngoại.
Cận cảnh giáp trước của Leclerc với các thiết bị điện tử hiện đại.
Dù có khối lượng chỉ 54 tấn, nhẹ hơn rất nhiều khi so với một số loại xe tăng phương Tây khác như M1A2, Merkava hay Challenger 2, Leclerc vẫn được bảo vệ không kém những loại xe tăng này với lớp giáp đa lớp kết hợp giữa thép, titan và kim loại siêu cứng tungsten.
Không những thế, với việc sử dụng loại ERA thế hệ mới không chứa thuốc nổ có tên NERA có khả năng vô hiệu hóa cả đầu đạn tandem hai lượng nổ vốn chuyên sử dụng để chống lại các loại giáp ERA thông thường, khả năng chống lại đạn nổ lõm của Leclerc là cực kỳ đáng nể.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng AMX-56 như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo : 400 – hơn 700 mm. Thân trước xe: 600 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE) : Tháp pháo : 1.400 – 1.750 mm. Thân trước xe : 1.060 mm
4. Challenger 2 (Anh)
Nhờ có kích cỡ lớn, không gian bên trong của Challenger 2 vẫn rất rộng rãi mặc dù lớp giáp xe rất dày.
Challenger 2 là loại xe tăng tiên tiến được phát triển tại Vickers Defence System (nay là BAE Systems Land Systems). Loại xe tăng này đã được đưa vào sử dụng cho quân đội Anh từ năm 1998 và đã tham chiến tại Bosnia, Kosovo và chiến tranh vùng vịnh lần 2 tại Iraq năm 2003.
Nguyên bản Challenger 2 sử dụng pháo nòng xoắn L30 cỡ 120 mm (một điều khá hiếm thấy ở cỡ nòng này khi hầu hết các loại xe tăng khác sử dụng pháo nòng trơn), có lẽ vì thế vào năm 2004, Anh đã ký hợp đồng với Rheimetall để lắp pháo nòng trơn L55 của Đức cho xe tăng của mình.
Vỏ giáp chính của xe tăng Challenger 2 là giáp Chobham thế hệ 2 (có sử dụng thêm các lớp hợp kim siêu cứng titan cacbua và tungsten bên cạnh các lớp ceramic và thép truyền thống). Ngoài ra, xe cũng được trang bị hệ thống chống sinh hóa xạ (NBC) và năm ống phóng lựu để sử dụng tạo màn khói ngụy trang hay mồi bẫy nhiệt.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng AMX-56 như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 920 – 960 mm. Thân trước xe: 660 mm. Phần gầm phía trước xe: 590 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 1.450– 1.700 mm. Thân trước xe: 1.000 mm. Phần gầm phía trươc xe: 860 mm
3. T-84 Oplot-M (Ukraina)
Xe tăng T-84 phục vụ trong quân đội Ukraina từ năm 1999, đã được xuất khẩu sang Pakistan và sắp tới có thể là Thái Lan. Đây là loại xe tăng phát triển từ biến thể T-80UD của Liên Xô cũ với khá nhiều cải tiến, do đó, không khó để nói T-84 tốt hơn T-80U về nhiều mặt, cả về lớp giáp bảo vệ.
Đặc biệt, với biến thể T-84 Oplot-M sản xuất năm 2009, loại xe tăng này có thể vượt mặt hầu hết xe tăng của phương Tây và thậm chí là Nga để đứng thứ ba về thông số giáp.
Xe tăng T-84 Oplot-M của Ukraina được công bố có khả năng chống đạn vượt trội so với các xe tăng Nga nhờ vào lớp giáp phản ứng nổ Nozh-2 có khả năng chống đạn tandem.
Ngoài việc trang bị các hệ thống phòng vệ thụ động Shtora và phòng vệ chủ động Zaslon, xe tăng Oplot-M còn được trang bị lớp giáp ERA hoàn toàn mới có tên Nozh-2, được Ukraina công bố vượt xa giáp ERA thế hệ 2 là Kontakt-5 trang bị trên các xe tăng T-80U và T-90S của Nga.
Không chỉ có khả năng bẻ gãy thanh xuyên của đạn động năng như Kontakt-5, Oplot-M còn có khả năng chống lại cả đạn hai liều nổ (tandem) tương tự như giáp NERA trang bị trên xe tăng Leclerc của Pháp.
Oplot-M có khả năng chống đạn KE tốt hơn nhiều so với các xe tăng khác.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-84 Oplot-M như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 850 – 1.100 mm. Thân trước xe: 680 – 720 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 1.250 – 1.600 mm. Thân trước xe: 960 – 1.040 mm
2. T-80UM2 BlackEagle
T-80UM2 là kết quả của một dự án nâng cấp rất sâu xe tăng T-80U của Nga. Ở biến thể này, người ta đã kéo dài thân xe gốc của T-80, lắp thêm một cặp bánh dẫn động và đóng mới hoàn toàn tháp pháo khác có kích cỡ rất lớn với máy nạp đạn tự động kiểu mới cùng khoang chứa đạn để ngoài tháp pháo.
Giáp phản ứng nổ Kaktus của T-80UM2 là bí quyết chống đạn của loại xe tăng này.
Xe tăng Black Eagle được lắp đặt tất cả những hệ thống phòng vệ tốt nhất của Nga như Shtora-8B, hệ thống phòng thủ chủ động Arena hay thậm chí một radar cảnh báo đường không có thể phát hiện máy bay trực thăng đối phương ở khoảng cách 16 km.
Cấu tạo của lớp giáp trên tháp pháo xe tăng T-80UM2.
Ngoài hỏa lực mạnh và thiết bị điện tử tiên tiến, Black Eagle còn có lớp giáp rất dày, đặc biệt ở phần tháp pháo. Ngoài lớp giáp chính, xe tăng Black Eagle còn được trang bị giáp phản ứng nổ Kaktus với khả năng bảo vệ vượt xa giáp Kontakt-5 khi chống lại đạn thanh xuyên dài và đầu đạn nổ hai lần tandem.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-80UM2 Black Eagle như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 1.070 – 1.160 mm. Nóc xe: 240 mm, gầm xe: 210 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE) : Tháp pháo: 1.590 – 1.710 m. Nóc xe : 360 mm. Gầm xe: 250 – 260 mm
1. Leopard 2A6
Xe tăng Leopard 2A6 là bản nâng cấp của biến thể 2A5 với nhiều cải tiến so với nguyên bản.
Được rất nhiều chuyên gia coi là loại xe tăng đứng đầu thế giới, Leopard 2A6 vượt trội hẳn so với các loại xe tăng phương Tây như M1A2 Abrams, Challenger 2 hay Leclerc cả về lớp giáp, hỏa lực và độ cơ động.
Leopard 2A6 vượt xa các xe tăng phương Tây khác không chỉ về vỏ giáp mà còn ở yếu tố hỏa lực và sự cơ động.
Lớp vỏ giáp của Leopard 2A6 chính là điểm đáng tự hào nhất của chiếc xe tăng này.
Toàn thân chiếc xe được bảo vệ bằng giáp composite thế hệ ba với nhiều lớp giáp tăng cường tại tháp pháo và thân trước xe. Ngoài ra, tháp pháo còn được bọc bởi những mô đun giáp rời có thể tháo lắp được.
Thậm chí, ngay cả khi đạn đối phương có thể xuyên thủng lớp giáp này, phần giáp trong cùng làm từ các viên gốm ép cùng chất dẻo đặc biệt sẽ ngăn cản các mảnh vụn sát thương tổ lái phía trong. Ngoài ra, lớp chất dẻo này cũng có tác dụng ngăn cản iếng ồn và cách nhiệt. Các lớp giáp tăng cường phía ngoài xe cũng có khả năng chịu được nhiều phát đạn liên tiếp vào cùng một điểm.
Leopard 2A6 được nhiều chuyên gia đánh giá là loại xe tăng đứng đầu thế giới ở rất nhiều tiêu chí, trong đó có giáp bảo vệ xe.
Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng Leopard 2A6 như sau:
- Chống lại đạn động năng (KE) : Tháp pháo : 920 – 940 mm. Thân trước xe : 620 mm. Gầm xe phía trước : 620 mm
- Chống lại đạn nổ lõm (HE) : Tháp pháo : 1.730 – 1.970 m. Thân trước xe : 750 mm. Gầm xe phía trước : 750 mm
Trong thời điểm hiện tại, rất nhiều cường quốc vẫn đang tiếp tục đưa ra nhiều mẫu xe tăng mới với thông số vỏ giáp chính xác còn nằm trong vòng bí mật như T-90MS của Nga, Type-99KM của Trung Quốc, Type-10 của Nhật Bản hay Altay của Thổ Nhĩ Kỳ,... chắc chắn, khi những loại xe tăng này biên chế phổ biến và công bố thông số, bảng xếp hạng trên sẽ có nhiều xáo trộn.
Điều này cho thấy, dù cho khoa học công nghệ có phát triển các phương pháp bảo vệ xe tăng hiện đại đến mức nào, cuộc chạy đua giáp dày, súng lớn trong lĩnh vực xe tăng trên thế giới sẽ không bao giờ dừng lại.