10 cú nghi binh ngoạn mục trong chiến tranh (P2)

Một số cú đánh lừa táo bạo nhất thành công trên chiến trường gây ra sự thán phục đối với những người cực kỳ thông minh và khôn khéo đã nghĩ ra chúng.

10 cú nghi binh ngoạn mục trong chiến tranh (P1)

5. Viên tướng miền Nam hàng phục đội quân miền Bắc

Nathan Bedford Forrest 

Nathan Bedford Forrest 

Viên tướng phe miền Nam (trong nội chiến Mỹ) Nathan Bedford Forrest không phải ngẫu nhiên được biết đến như là “Phù thủy trên yên ngựa”. Không chỉ nổi tiếng vì vai trò trong vụ thảm sát đẫm máu quân đội Liên bang miền Bắc bại trận ở Fort Pillow, Forrest còn có tiếng là một kỵ sỹ cực kỳ sáng tạo, liên tục qua mặt các đối thủ của mình. Một ví dụ hoàn hảo về mưu trí quân sự của ông thể hiện trong cuộc tấn công tai hại vào Alabama của quân liên bang miền Bắc vào tháng 4/1863.

Đối đầu với lực lượng 1.700 người được gọi là Kỵ binh Jackass (đội quân này có tên như vậy là vì các binh lính cưỡi la) do Đại tá Streight Abel phe Liên bang miền Bắc chỉ huy, hy vọng sẽ phá hủy được tuyến đường sắt địa phương vốn dùng để tiếp tế cho các lực lượng Liên minh miền Nam ở Tennessee. Với một lực lượng chỉ có 500 người, Forrest theo dõi và liên tục quấy rối những kẻ tấn công phe miền Bắc khiến họ cuối cùng phải rút về thị trấn nhỏ Cedar Bluff.

Forrest gặp Streight bị dồn vào đường cùng và yêu cầu ông ta đầu hàng vô điều kiện. Để thuyết phục viên sĩ quan phe miền Bắc rằng ông đang có một lực lượng lớn sẵn sàng lâm trận, Forrest ngầm ra lệnh cho quân lính của mình và các khẩu pháo diễu qua diễu lại nhiều lần trên một sườn núi lân cận. Nhìn thấy lính phe miền Nam đông lúc nhúc, Streight cứng đầu cuối cùng đành nhượng bộ và ra lệnh cho quân mình đầu hàng. Sau khi nhận ra thủ đoạn gian trá của Forrest, Streight đòi Forrest thả binh lính của ông để họ có thể có một trận chiến đàng hoàng nhưng đã bị viên tướng phe miền Nam bác bỏ.

4. Baden-Powell đánh lừa quân Boer

Robert Baden-Powell 

Robert Baden-Powell 

Bên cạnh tính cách lập dị của mình và vai trò trong việc thành lập Hướng đạo sinh, Robert Baden-Powell còn nổi tiếng nhờ bảo vệ thành công thành phố Mafeking ở Nam Phi trong cuộc chiến tranh Boer lần thứ hai. Với một lực lượng chỉ 1.500 người, Baden-Powell thấy cần sử dụng chiến thuật nghi binh để đối phó lực lượng Boer hùng mạnh gồm 8.000 quân vây hãm thành phố. Vì vậy, ông đã nghi binh bằng cách cài những quả mìn giả và chăng thứ dây thép gai giả trong toàn thành phố và cho quân của mình vượt qua như thể chúng là mìn và dây thép gai thật trước sự quan sát chăm chú của kẻ thù.

Baden-Powell thậm chí còn giả mạo một lá thư nói rằng quân tiếp viện Anh đang tới (thực ra không có), buộc đối phương phải rút bớt 1.000 quân để bảo vệ phía sau lưng. Những hành động tâm lý chiến hiệu quả này đã giúp Baden-Powell đứng vững trong 7 tháng cho đến khi quân tiếp viện đến. Sau khi trở về nhà, Baden-Powell đã trở thành một anh hùng dân tộc và nhận được vô số khen thưởng.

3. Haile Selassie khuất phục đối thủ bằng tiệc và rượu

Ras Tafari Makonnen Woldemikael 

Ras Tafari Makonnen Woldemikael (Haile Selassie)

Ras Tafari Makonnen Woldemikael (được biết đến nhiều hơn với tên Haile Selassie I, vua Ethiopia [1930-1974]) đã chứng minh rằng, ông có sự khôn ngoan cần thiết để sống sót trong thế giới chính trị. Đối mặt với một đối thủ mạnh là thái giám Balcha Safo, Selassie sử dụng một kế lừa cổ điển ghi danh trong lịch sử. Năm 1928, ông đã mời Balcha hồi đó là thống đốc một tỉnh đến cung điện của mình để mở tiệc chiêu đãi. Balcha vốn cũng là một chiến binh đáng gờm, từng chiến đấu chống lại người Italia trong trận Adwa năm 1896, đã tới thủ đô và đóng 10.000 quân bên ngoài thành phố .

Không tin tưởng Selassie, Balcha đã đem theo 600 lính thiện chiến nhất đến dự tiệc. Selassie vào vai một chủ nhà hoàn hảo và không ngớt lời ca tụng Balcha. Cuối cùng, các tùy tùng của Balcha bắt đầu lơ là cảnh giác và uống rượu rất nhiều. Sau bữa tiệc, Balcha cùng tùy tùng trở về trại của họ ở ngoài kinh đô nhưng thấy không còn ai ở đó. Trong khi họ còn tiệc tùng trong cung điện, một người của Selassie đã đến trại của Balcha và mua chuộc quân lính của ông ta hạ vũ khí rồi biến mất. Mặc dù sau đó Balcha trốn thoát vào một nhà thờ, ông đã nhanh chóng thấy mình bị bao vây bởi quân lính của Selassie. Không còn lựa chọn nào khác, Balcha đầu hàng và chấp nhận ở lại trong một tu viện cho đến hết đời.

2. Không thành kế của Tokugawa

Không thành kế là một kế phòng thủ nghi binh nhằm lừa địch rằng đang có một bẫy phục kích chờ chúng tại một khu vực hiểm yếu, khiến kẻ địch sợ hãi mà rút lui. Mặc dù kế này đã được nói đến rất nhiều trong các tiểu thuyết như Tam Quốc diễn nghĩa nhưng một trường hợp khác vận dụng của kế này được ghi chép rõ là trận Mikatagahara vào tháng 10/1572. Trong trận đánh đặc biệt này, Takeda Shingen với quân đội đông hơn hẳn về quân số đã dễ dàng đánh bại lực lượng nhỏ hơn nhiều của Tokugawa Ieyasu.

Để tránh cho toàn quân bị tiêu diệt, Tokugawa đã ra lệnh rút lui trở lại lâu đài của họ. Dọc đường rút, ông hạ lệnh thắp các ngọn đuốc dọc theo các tuyến đường và mở tung các cổng. Để cú lừa hiệu quả hơn, một tướng của ông cũng còn thúc một chiếc trống đại trên đỉnh tháp ở gần cổng. Thật khó tin là kế nghi binh của Tokugawa đã thành công: Takeda và quân đội của mình khi nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng trên đã quyết định không tiến vào lâu đài mà thay vào đó là đóng trại để qua đêm. Khi màn đêm buông xuống, một lực lượng nhỏ từ lâu đài đã đánh vào trại và đốt phá buộc Takeda và quân lính phải rút chạy.

1. Hai nguyên soái của Napoleon tình cờ chiếm được cây cầu chiến lược

Trong trận Schongrabern vào tháng 11/1805, khi quân Pháp chuyển sang tấn công quân Áo và Nga, hai sĩ quan kiêu dũng nhất của Napoleon đã chiếm được một cây cầu trọng yếu từ tay quân Áo mà không cần một phát súng. Các nguyên soái Pháp Jean Lannes và Joachim Murat thấy là họ cần chiếm cây cầu được canh gác cẩn mật để vượt sông Danube. Biết rằng cả cây cầu đã bị quân Áo cài đầy bom, họ quyết định dùng kế lừa để chiếm cầu thay vì bằng vũ lực.

Chỉ với một toán quân nhỏ, hai nguyên soái Pháp thờ ơ tản bộ trên cầu trước cái nhìn đầy bối rối của quân Áo. Không lúng túng vì những phát đạn thỉnh thoảng bắn về phía họ, mấy lính Pháp to tiếng la với quân địch ở bên kia sông là giờ đã có lệnh đình chiến và cây cầu sẽ được giao lại cho quân Pháp. Khi một lính Áo toan phá nổ cầu, nguyên soái Lannes mắng mỏ anh ta rằng làm thế sẽ là tội nặng. Lúc đó, viên tướng Áo được giao nhiệm vụ bảo vệ cây cầu ra mặt gặp các nguyên soái Pháp. Bất chấp mọi lời can gián của cấp dưới rằng đây là trò lừa đảo của quân Pháp, viên tướng vẫn hạ lệnh cho quân lính của mình rút khỏi cây cầu. Kế trá ngụy đã chiến thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại