Kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày vừa qua đánh dấu sự “hồi sinh” của nhiều địa phương du lịch với lượng du khách tăng đột biến. Theo thống kê, Tây Ninh “về nhất” với lượng khách du lịch đông nhất là 595.000 lượt. Trong những năm gần đây, Tây Ninh đang nhận được sự quan tâm lớn từ du khách miền Nam - miền Tây, với các điểm đến nổi bật như Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Ma Lữ Quán, Toà Thánh Tây Ninh…
Ngoài điểm đến du lịch, Tây Ninh còn có nhiều đặc sắc ẩm thực. Tuy nhiên có một món đặc sản Tây Ninh sẽ khiến nhiều người phải dè chừng ngay khi nghe tên, đó là thằn lằn Núi Bà Đen.
Thằn lằn núi còn được gọi là thằn lằn ba sọc hay thằn lằn vạch, là một loài bò sát thuộc họ Tắc kè. Thằn lằn núi ở Việt Nam không nhiều, lần đầu được ghi nhận tải đỉnh Bà Đen vào năm 2006. Đặc trưng của dòng thằn lằn núi tại đây là trên lưng có vạch trắng, đuôi màu nâu nhạt/đậm, đầu màu vàng.
Theo người dân địa phương, thằn lằn Bà Đen thường chỉ ăn trái sung, chuối và những cây thuốc nam, thế nên thịt của chúng rất bổ, thơm và dai - dễ ăn, mùi vị mang hương núi rừng chính hiệu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho du khách thưởng thức thằn lằn Núi Bà Đen là hình dáng và cách sơ chế của chúng.
Thuộc họ Tắc Kè nên chúng sở hữu đặc trưng của loài bò sát tứ chi, thoạt nhìn hơi sợ hãi, khi sơ chế, chúng gần như được giữ nguyên con, chỉ bỏ nội tạng. Cảnh tượng “phanh thây” trước khi tẩm gia vị khiến nhiều người khiếp sợ. Dù vậy, người dân địa phương cũng cố gắng nghĩ ra nhiều phương thức chế biến để giảm bớt độ kinh dị về hình dáng như chiên, xào tiêu, nấu cháo băm nhỏ, xào lá lốt, băm nhỏ xúc bánh tráng…
Do sống ở độ cao từ 100 - 500m trên núi, thợ muốn bắt phải chui vào hang, dùng dụng cụ chuyên dụng… nên giá thành khai thác thằn lằn Núi Bà Đen khá cao. Với loại khô có thể lên tới 1,4 triệu/kg, loại tươi thì vài trăm nghìn/kg.
Chiên và băm nhỏ là hai cách chế biến thằn lằn núi phổ biến nhất
Nguồn: Tổng hợp