Núp trong một con hẻm nhỏ 96/1 Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận, TP. HCM là xe phá lấu bà ngoại với hơn 20 năm tuổi.
Chén phá lấu đã từng được lên tivi
Bà Trương Thị Hoa (86 tuổi) là chủ nhân gánh phá lấu bà ngoại nhỏ nép mình trong con hẻm 96/1 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Quán nhỏ bình dị với vài bộ bàn ghế cùng chiếc bạt căng che đầu đã tồn tại được hơn 20 năm ở nơi Sài thành hoa lệ không thiếu những món ăn ngon.
Mỗi ngày ngoại dọn hàng ra con hẻm này từ 9 giờ sáng và dọn dẹp về khi đã bán hết hàng, thường là vào khoảng 17 giờ. “Bà không nghỉ hôm nào. Ngày rằm, lễ cũng bán luôn”- bà Hoa tâm sự.
Bà Hoa - chủ nhân của gánh phá lấu bà ngoại.
Dù tuổi cao sức yếu, nhưng mỗi ngày bà Hoa vẫn thức dậy lúc 4 giờ sáng để sơ chế lòng bò. “Người ta ăn ở nhiều nơi nhưng vẫn khen phá lấu ở chỗ bà ngon do bà ‘mần’ kỹ lắm. ‘Mần’ không kỹ, giả dối là nó hôi. Phải rửa chanh, ngâm phèn chua, ngâm giấm. Con cháu cũng có phụ cho kịp thời gian để dọn hàng.”
Bà Hoa đã theo cái nghề bán phá lấu đã hơn bốn chục năm. Trước kia, bà bán bên cầu Thị Nghè 20 năm ròng, sau dọn về đây vì nơi đây tập trung đông dân lao động, học sinh - những người chuộng món phá lấu dân dã này. Khách “ruột” của bà ăn từ khi còn nhỏ đến lúc lập gia đình vẫn thường ghé lại. Có người còn mua phá lấu theo ký để mang theo khi đi nước ngoài.
Nói về chén phá lấu, trong một chén nhỏ đầy ắp bao gồm tổ ong, phèo, khế, bao tử, lá mía. Bà Hoa không nấu cầu kỳ, chỉ làm theo đúng công thức đơn giản của “ông già” (bố- pv) truyền lại. Nấu cùng nước dừa nên nước dùng vị rất thanh. Bà còn cẩn thận chuẩn bị thêm một chén nước dùng riêng cùng rau răm cho thực khách dùng kèm với bánh mì.
Ngoài ra, quán còn pha chế thêm chén nước mắm chanh ớt, chua chua cay cay dành cho những vị khách muốn thử khẩu vị lạ.
Món phá lấu nức tiếng của bà Hoa.
Người ta khen phá lấu của bà dân dã, giản dị, vị nước dùng thanh mà không gắt. “Phá lấu của bà không dùng nhiều gia vị, chủ yếu là nước dừa nên không quá đậm đà như các quán khác, nhưng hương vị lại rất vừa miệng. Phá lấu tươi, được làm rất kỹ, miếng nào cần giòn thì giòn, cần dai thì dai” - bạn Quang, một bạn trẻ đã nhiều lần ghé lại quán phá lấu này chia sẻ.
Có thời điểm, phá lấu bà Ngoại rất nổi tiếng, được nhiều bạn trẻ đến thưởng thức và review trên các trang mạng xã hội. Dòng khách từ nhiều nơi đến đây, háo hức, tò mò được nếm chén phá lấu đặc biệt. Thậm chí, bà Hoa còn khoe rằng mình được tham gia một cuộc thi, thắng giải và được MC Trường Giang mời lên truyền hình với chén phá lấu đặc trưng.
Giờ ra sao…
Nhưng dạo gần đây, mọi người dường như đã dần quên lãng hàng phá lấu nhỏ bình dị nức tiếng ngày nào. Một buổi chiều tháng 6 mưa rào, gánh phá lấu của bà Hoa vắng khách đến lạ. Trong con hẻm nhỏ chỉ chỏng chơ vài chiếc bàn, ghế.
Bà kể, thời gian đầu bà chỉ bán 5 ký phá lấu bò mỗi ngày, sau tăng dần lên 10 ký, rồi đỉnh điểm - giai đoạn được nhiều bạn trẻ yêu mến nhất, bà bán được hơn 15 ký một ngày. Sau, mọi người cũng đến thưa dần, đặc biệt là trong thời gian mưa bão như giai đoạn này.
Hương vị chén phá lấu 40 năm qua thì vẫn thế thôi, nhưng có nhiều yếu tố tác động, khiến người ta ít khi ghé đến quán nhỏ này. Ngoại Hoa kể.“Xăng tăng giá, người ta ở xa cũng ngại đi tới đi lui. Rồi thì công nhân thất nghiệp, nên người ta ghé cũng ít dần.”
Một buổi chiều tháng 6, gánh phá lấu của bà Hoa vắng khách đến lạ.
Dù xăng tăng, kéo theo nhiều thực phẩm cũng tăng nhưng bà Hoa vẫn giữ chén phá lấu ở mình ở mức bình dân là 30 nghìn đồng. Cái giá này đã từ lâu lắm rồi, trước cả khi dịch bệnh diễn ra. Hỏi bà tại sao không tăng giá khi hiện nay giá thực phẩm đều tăng theo giá xăng, bà cười bảo rằng:“Người bỏ mối thấy bà già rồi nên không tăng giá. Bà suy nghĩ vậy thì cũng không tăng giá. Mình lấy công làm lời thôi.”
Bà Hoa chia sẻ, dù có bán không hết, vài người hàng xóm xung quanh cũng cưu mang bà, mua giúp bà sau những giờ tan ca, nên đối với bà Hoa, chuyện này cũng không có gì đáng nói khi đã qua thời “hoàng kim”.