Tại đây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc nhấn mạnh: Học viện Quân y, Cục GGHB Việt Nam cần chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ và quy trình khám, chữa bệnh, hoạt động tại môi trường phái bộ.
Bên cạnh đó, chủ động, thường xuyên phối hợp với BVDC 2.1 trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, triển khai và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tại thực địa.
Các quân nhân tham gia cần nỗ lực đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Liên hợp quốc về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, sức khỏe, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
“Việt Nam đã cam kết hàng năm gửi luân phiên các bệnh viện tới tham gia hoạt động GGHB tại Phái bộ ở Nam Sudan.
Khi các bệnh viện này về nước sẽ trở thành các bệnh viện cơ động của quân đội, tham gia các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, các cuộc diễn tập song phương và đa phương quốc tế, các hoạt động quân dân y kết hợp trong tình huống khẩn cấp”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Theo đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, lực lượng BVDC 2.2 là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ nhiều đơn vị trong toàn quân và từng bước được kiện toàn về tổ chức, biên chế theo chuẩn của Liên hợp quốc.
Theo yêu cầu của Liên hợp quốc, một BVDC cấp 2 cần đảm bảo những năng lực như khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không, đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê; khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kì tình huống nào…
Đại úy, điều dưỡng viên Cao Thùy Dung (một trong 10 nữ quân nhân tham gia BVDC 2.2) cho biết:
“Tới làm nhiệm vụ tại một nơi có sự khác biệt về văn hóa, phải giao tiếp với các nhân viên Liên hợp quốc từ nhiều nước khác nhau nên các thành viên trong bệnh viện, nhất là các nữ quân nhân như chúng tôi phải luôn giữ gìn bản lĩnh của quân nhân, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế với 8 chữ vàng “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.