Theo đài Sputnik, đầu tháng 10, Tổng thống Mỹ thông báo quân Mỹ rút khỏi lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, một ngày sau đó, tuyên bố với nội dung đảo ngược được đưa ra. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu một lượng nhỏ binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hiện diện tại quốc gia Cộng hòa Arab để canh giữ các mỏ dầu tránh rơi vào tay phe khủng bố.
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin binh sĩ Mỹ đã quay trở lại 6 trong tổng số 16 căn cứ và tiền đông tại Syria. Bài viết chỉ rõ lực lượng này chủ yếu được triển khai tại những khu vực giàu dầu mỏ ở phía Đông Bắc Syria, sát biên giới Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông tin từ Anadolu, hiện quân Mỹ đang chiếm đóng tại 11 căn cứ và tiền đồn, 5 trong số đó ở tỉnh Deir ez-Zor, hai cơ sở ở tỉnh Raqqa. Lực lượng này được cho là đang xây dựng thêm 2 tiền đồn ở Deir ez-Zor.
Trước đó, cũng theo hãng thông tấn trên, Washington đã gửi một nhóm chuyên gia tới mỏ dầu al-Omar ở tỉnh Deir ez-Zor – hiện do các tay súng người Kurd địa phương kiểm soát. Những chuyên gia này dự kiến đảm nhiệm vai trò làm tăng sản lượng dầu mỏ khai thác và đào tạo người Kurd vận hành mỏ dầu một cách hợp lý.
Quyết định rút quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Syria của Tổng thống Trump ngay trước thềm Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria đã khiến người dân địa phương tức giận.
Họ cho rằng động thái này của Mỹ là một "sự phản bội", sau nhiều năm hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho họ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mặc dù ra đi vội vã, bỏ lại nhiều căn cứ tại Đông Bắc và Bắc Syria, Mỹ tiếp tục cho một lượng binh sĩ quay lại để canh giữ dầu mỏ tại đây.
Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ "chỉ canh gác các mỏ dầu" và toàn bộ lợi nhuận từ việc khai thác các mỏ dầu này sẽ thuộc về người Kurd. Damascus và Moskva đã lên án gay gắt hành động này, cáo buộc Washington đánh cắp tài nguyên của Syria và kêu gọi họ trả lại các mỏ dầu cho chủ sở hữu hợp pháp của họ.