Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) . Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp.
Theo nữ đại biểu đang là Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum)
Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số.
Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nội dung an ninh mạng; cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, phục vụ giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, phục vụ giao dịch điện tử…
Theo ông Huy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng; các yêu cầu về kỹ thuật đối với hệ thống thông tin, hạ tầng công nghệ…đảm bảo phục vụ GDĐT.
Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ trong GDĐT, do đó, không bổ sung các nội dung này.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, ông Huy cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ; cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cơ quan thuộc Chính phủ tuy không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn thực hiện một số trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước theo pháp luật chuyên ngành.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước nói chung, trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ nói riêng đã được quy định tại Chương V về Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. “Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, mong Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7 (dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4) để bảo đảm chặt chẽ và thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Huy nêu.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi giữa các cơ quan có liên quan để tiếp thu, chỉnh lý quy định này.
Việc chỉnh lý theo hướng dựa trên quan điểm phù hợp với chủ trương của Đảng, nhất là quan điểm “… một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính…”.
Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Lê Quang Huy
Đồng thời thống nhất với quy định tại Luật Cơ yếu giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu; thống nhất với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng...
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào dự thảo, theo hướng: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP. HCM), cần xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, có sự tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ.
Ông Đức đề xuất sửa lại dự thảo luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) nói: Chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan Nhà nước. Việc cấp cho các cơ quan Nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dụng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công, phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, chữ ký chuyên dùng công vụ không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước.
Giải trình sau đó, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Huy “tiếp thu ý kiến” của đại biểu Quốc hội theo hướng tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quy định của pháp luật, làm sao thể hiện cho phù hợp nhất.