Tại hội thảo với chủ đề "Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững" do báo Nhân Dân tổ chức chiều 12/6, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết ACV đang quản lý, vận hành 21 sân bay trong nước. Nhưng trong số này chỉ 6 cảng có lãi gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh.
Chủ tịch ACV cho rằng dù đầu tư lớn cho nhiều cảng, đa phần mức giá phục vụ hãng bay vẫn giữ từ năm 2012 hay 2015. Ông Thanh nói rằng ACV đang phải thi hành chính sách nuôi dưỡng nguồn thu từ hãng bay vì sợ khó khăn quá, hãng hàng không phá sản thì ACV cũng "chết" vì là chủ nợ lớn.
Về đề xuất Nhà nước cần cởi mở để có thêm hãng hàng không mới, ông Thanh khẳng định Chính phủ chưa bao giờ ngừng khuyến khích đầu tư vào vận tải hàng không. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều "bỏ của chạy lấy người" vì không nhìn thấy lợi nhuận khi đầu tư vào ngành hàng không.
Lãnh đạo ACV nói cần có giá sàn để chống lại việc các hãng bán phá giá. "Tại nước ngoài có hai cơ chế rất hữu hiệu để chống cạnh tranh không lành mạnh là không dùng giá dưới giá thành để cạnh tranh và không lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá một cách quá đáng", Chủ tịch ACV chia sẻ.
Ông cũng đánh giá trước đây các hãng trong nước cạnh tranh nhau bằng giá vé, tạo cho người dân thói quen đi máy bay với mức giá thấp hơn mức các hãng có lợi nhuận. Giai đoạn trước, dải vé giá rẻ có thể chiếm đến 30% tổng số lượng vé, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5%.
Hàng loạt tỉnh thành sẽ có cảng hàng không
Hồi giữa năm ngoái, Thủ tướng ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc). 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.
Trong đó, sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng. Tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.
Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không. Trong đó có 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).
Cùng đó là 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.
Năm ngoái, tổng hành khách qua các cảng thuộc ACV đạt 113,5 triệu, 96%/kế hoạch năm, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế: 32,6 triệu khách, tăng 2%/kế hoạch năm, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 nghìn tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710 nghìn lượt chuyến.
Về kết quả thực hiện tài chính, tổng doanh thu đạt 20.034 tỷ đồng, đạt 103%/kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế ACV đạt 8.646 tỷ đồng, đạt 102%/kế hoạch năm, tăng 14% so với năm 2022. Các chỉ số tài chính được duy trì lành mạnh, đảm bảo tăng trưởng và phát triển vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại ACV: ROA 10,95%; ROE 14,89%. Nộp ngân sách nhà nước 2.051 tỷ đồng.