Quặn lòng bé 7 tháng tuổi dị tật bàn chân khoèo, trật khớp háng hai bên, viêm đa khớp bẩm sinh

Hải Yến |

Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, bé K. đã được các bác sĩ phát hiện bị dị tật hai chân, hai tay. Khi bé chào đời , bên cạnh niềm vui là chồng chất nỗi lo lắng của cha mẹ, gia đình bé bắt đầu xác định một chặng đường dài chiến đấu với bệnh tật mà con mình đang mang.

Ngay từ lúc sinh ra, cháu Lê Bảo K. (7 tháng tuổi, ở Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) đã bị dị tật bàn chân khoèo hai bên, trật khớp háng hai bên, viêm đa khớp bẩm sinh khiến cháu không thể vận động như các bé cùng tuổi.

Anh Lê Đức T. bố cháu K. cho biết, dù có chút nhận thức nhưng khả năng vận động của cháu hầu như không có, chỉ "đặt đâu nằm đấy".

Sau khi được các bác sĩ của Khoa Chấn thương và chỉnh hình, BV Xanh Pôn cùng các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình đến từ CH Pháp khám và hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định đưa cháu vào danh sách phẫu thuật.

Trước hết cháu sẽ được phẫu thuật chỉnh hình bàn chân, sau đó cháu cần phải trải qua nhiều lần mổ chỉnh hình nữa ở đầu gối, khớp háng và tay....

Quặn lòng bé 7 tháng tuổi dị tật bàn chân khoèo, trật khớp háng hai bên, viêm đa khớp bẩm sinh - Ảnh 1.

7 tháng tuổi, nhưng bé đã mang trong mình nhiều dị tật vận động

Chỉ kịp trao đổi vài câu với phóng viên, người cha tất tả bế cháu đi theo bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm chuẩn bị cho ca mổ, tôi có cảm giác không khỏi xót xa, sao số phận quá nghiệt ngã với gia đình nhỏ này, bé mang trong mình quá nhiều căn bệnh nặng...

Cùng hoàn cảnh với K. là cháu Pham Văn T.D (3 tuổi, ở xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên).

Từ khi sinh ra Đ. đã được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot, đến khi cháu lớn lên gia đình phát hiện cháu mắc dị tật bẩm sinh nữa là xương bả vai trái lên cao (bệnh Sprengel ) – căn bệnh không quá hiếm gặp, khiến cháu không thể vận động được tay trái.

Quặn lòng bé 7 tháng tuổi dị tật bàn chân khoèo, trật khớp háng hai bên, viêm đa khớp bẩm sinh - Ảnh 2.

Bác sĩ khám cho cháu Đ. về căn bệnh hiếm vai nhô cao

Anh Phạm Văn H, bố cháu D. cho biết, cháu đã được phẫu thuật tim lúc hơn 1 tuổi , hiện bệnh tim của cháu đã ổn định nhưng dị tật ở vai khiến cháu không thể vận động được khớp vai, tay trái bị hạn chế vận động, mọi việc cháu làm đều nhờ tay phải.

Thêm vào đó, vai trái nhô cao trông rất mất thẩm mỹ, anh H cho biết.

Bs Vũ Tú Nam - Khoa chấn thương chỉnh hình, BVĐK Xanh Pôn cho biết, chuyên gia nước ngoài đã xác định trường hợp dị tật này cần phải được phẫu thuật để cải thiện vấn đề thẩm mỹ sau đó là chức năng hoạt động của xương bả vai.

Tuy nhiên khó khăn là vì đây là khu vực hội tụ các đám rối thần kinh cánh tay, tức là các rễ thần kinh từ cột sống cổ đi ra chi phối vận động cánh tay của bệnh nhi đang bị co ngắn lại.

Quặn lòng bé 7 tháng tuổi dị tật bàn chân khoèo, trật khớp háng hai bên, viêm đa khớp bẩm sinh - Ảnh 3.

Đôi chân yếu ớt của cháu Đ. có hy vọng sẽ bước đi vững chãi hơn.

Nằm trong số 29 ca có chỉ định phẫu thuật dị tật bẩm sinh vận động, phóng viên đã gặp một trường hợp rất đáng thương.

Bé tên là Nguyễn Văn T.Đ. (7 tuổi, Thạch Thất), bị bại não, hệ thần kinh co cứng từ nhỏ. Suốt 7 năm qua bé đã cùng mẹ đi khắp các bệnh viện để điều trị bệnh bại não ảnh hưởng tới thần kinh vận động.

Do gia đình không có điều kiện, chỉ đưa cháu đi điều trị bằng các biện pháp đông y châm cứu, nhưng không có cải thiện nhiều, cháu đi lại rất yếu.

Hiện cháu đi lại bằng cách dùng nửa trên mu bàn chân lê 2 chân đi, chỉ cần một tác động nhẹ cháu cũng có thể bị ngã xấp.

Chị Trần Thị T – mẹ cháu Đ cho biết, 2 tuổi cháu mới bắt đầu tập bò, còn hiện nay dù đã 7 tuổi nhưng cháu đi lại phải có người đỡ, ở trường học, mỗi giờ ra chơi cháu chỉ biết nhìn các bạn chơi đùa, ngay vệ sinh cá nhân cháu cũng phải nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và cô giáo.

Các bác sĩ chỉ định cháu cần được phẫu thuật trị chứng bệnh bàn chân bẹt 2 bên, đây là cách duy nhất giúp cháu có thể đi lại vững vàng hơn.

PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn cho biết, có nhiều dị tật bẩm sinh thường gặp nhưng khó phát hiện sớm, dễ bỏ sót, như dị tật bàn chân bẹt.

Nếu phát hiện sớm, điều trị có thể không phải phẫu thuật, mang lại hiệu quả cao, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, phẫu thuật chỉ giúp cải thiện chức năng vận động chứ không thể đưa về bình thường được.

Với các dị tật bàn chân bẹt, bàn chân khoèo, việc thăm khám phát hiện khi trẻ mới bắt đầu tập đi rất quan trọng.

Khi đó các điều trị chỉnh hình, không phẫu thuật sẽ đem lại hiệu quả rất cao, có thể đạt được chức năng bàn chân gần như bình thường. Nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, các can thiệp chủ yếu để cải thiện, nâng cao chức năng vận động của trẻ.

PGS. Dũng khuyến cáo, các bậc làm cha mẹ, những người đang nuôi con nhỏ, cần quan tâm, để ý đến những bất thường vận động ở trẻ, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm vì những dị tật này khó phát hiện và dễ bỏ sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại