Chính việc thăng tiến thần tốc, trải qua hàng loạt chức danh dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có ưu ái trong quy trình bổ nhiệm cán bộ với trường hợp này?
Thăng tiến thần tốc
Tháng 2.2015, ông Vũ Hùng Sơn hiện là một lãnh đạo trẻ của Bộ Công Thương, được bổ nhiệm vào vị trí GĐ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương.
Việc ông Sơn trúng tuyển chức danh GĐ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại là kết quả của lần đầu tiên Bộ Công Thương xây dựng đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đợt thi tuyển chức danh GĐ diễn ra trong ngày 28.1.2015, chỉ sau 4 ngày bao gồm 2 ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật), ông Đào Văn Hải - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - đã công bố Quyết định số 1268/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn giữ chức GĐ trung tâm này kể từ ngày 4.2.2015.
Sáu tháng sau, ông Sơn tiếp tục được bổ nhiệm làm thư ký của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Và đến tháng 10.2015, ông Sơn được giao phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương khi khuyết vị trí chánh văn phòng.
Tới đầu năm 2016, với loạt các sự việc xảy ra tại Bộ Công Thương có liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã thu hồi hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, trong đó, hủy bỏ mục 3, phần III, Thông báo số 619-TB-BCSĐ ngày 26.9.2015 của Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương về việc điều động ông Vũ Hùng Sơn - Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại giữ chức Chánh Văn phòng kiêm thư ký Bộ trưởng.
Tới tháng 1.2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo cấp trưởng, phó nhiều đơn vị thuộc bộ, trong đó có ông Vũ Hùng Sơn. Chỉ trong ngày 3.1, ông Sơn nhận 2 quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cụ thể, ông Vũ Hùng Sơn - Hàm Phó Vụ trưởng, Văn phòng bộ - được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh điều động nhận công tác tại Cục Quản lý thị trường và bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng.
Đồng thời, Bộ trưởng Công Thương cũng cử ông Vũ Hùng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - đến nhận công tác biệt phái tại Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tới đầu tháng 3.2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - ký văn bản về việc tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ biệt phái giữ chức Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).
Quyết định nêu rõ, tiếp nhận và bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đến công tác và giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Theo quyết định của Bộ trưởng Tài chính, ông Vũ Hùng Sơn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 1,05 theo quy định. Tuy nhiên, quyết định cũng nêu rõ, lương và các chế độ theo quy định do Bộ Công Thương thực hiện.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đảm bảo các chế độ hỗ trợ khác. Ông Sơn sinh năm 1984, với độ tuổi này ông là Phó Chánh văn phòng 389 Quốc gia trẻ nhất tại đây.
Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế (giữa) trao quyết định cho ông Vũ Hùng Sơn (phải). Ảnh: A.C
Có ưu ái trong quy trình bổ nhiệm?
Ông Vũ Hùng Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh vàng bạc nổi tiếng ở Hà Nội. Trước khi vào công tác tại Bộ Công Thương, ông Sơn là một doanh nhân chuyên nhập khẩu mua bán xe ôtô hạng sang ở Hà Nội.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, ông Vũ Hùng Sơn là cháu ruột của chủ doanh nghiệp vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, một trong những doanh nghiệp hàng đầu kinh doanh về vàng bạc đá quý.
Từ năm 2011-2012, ông Vũ Hùng Sơn là chủ một cơ sở kinh doanh xe ôtô hạng sang Sơn Tùng Auto, một trong những nơi chuyên cung cấp xe ôtô đắt đỏ nhất tại Hà Nội.
Bước đường từ doanh nhân trẻ thành đạt rẽ sang con đường chính trị của ông Sơn bắt đầu từ năm 2014 khi tròn 30 tuổi, ông Sơn giữ chức danh Phó Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương.
Trao đổi với PV Lao Động về việc khi bổ nhiệm Phó Chánh VP Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chưa có bằng cao cấp chính trị, ông Vũ Hùng Sơn nói, tháng 4.2016 ông đã hoàn thành và có bằng Cao cấp lý luận chính trị.
Như vậy, từ trước đó, 2014 khi bổ nhiệm là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương, cho tới khi giữ chức Phó Chánh VP Bộ Công Thương, ông Sơn vẫn chưa có bằng cao cấp chính trị. Trả lời vấn đề này ông Sơn nói: Quy định lãnh đạo cấp phó của Bộ Công Thương không cần bằng Cao cấp lý luận chính trị.
Tuy nhiên, khi kiểm tra lại các điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí thì: Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21.8.2007 của Ban Bí thư ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thì lãnh đạo cơ quan báo chí phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Như vậy, ông Sơn không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Tới năm 2016, ông này bị thu hồi quyết định bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương.
Trao đổi với báo chí về những điều bất thường trong đường quan lộ của ông Vũ Hùng Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, Bộ Công Thương có văn bản cử ông Vũ Hùng Sơn sang làm cán bộ biệt phái.
Khi nhận được công văn của Bộ Công Thương, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã xem xét kỹ hồ sơ và làm việc trực tiếp với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) và lắng nghe thêm ý kiến.
Quá trình làm việc, theo ông Thế, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) khẳng định, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tuyển chọn cán bộ theo đúng quy định.
Liên hệ với ông Vũ Hùng Sơn, PV Lao Động đặt vấn đề về bất thường khi được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Sơn cho rằng: “Bất thường hay không thì hỏi Bộ Công Thương, còn bản thân tôi không thấy gì bất thường”.