Quân Iraq thần tốc chiếm Kirkuk, người Kurd bàng hoàng vì một đảng "lâm trận rút lui"?

Tất Đạt |

Cuộc tấn công và chiến thắng thần tốc của quân Iraq tại Kirkuk chỉ sau 15 giờ giao tranh đã khiến người Kurd bàng hoàng và phải xem xét lại các đảng phái của khu tự trị này.

Cáo buộc phản quốc

Hãng Al Jazeera và tờ Independent dẫn các nguồn tin địa phương cho hay, Tổng Tư lệnh lực lượng Peshmerga (PGC) cáo buộc Liên đoàn Yêu nước người Kurd (PUK) "phản bội", khi quân đội do đảng này kiểm soát đã rút khỏi khu vực cần bảo vệ. 

Đảng PUK đã phủ nhận cáo buộc trên kênh thông tin Rudaw của người Kurd.

Phát ngôn của PGC có đoạn: "Thật không may, nhiều sĩ quan đảng PUK đã nhúng tay vào kế hoạch chống lại đồng bào và phạm tội phản bội cộng đồng người Kurd cũng như những người đã hi sinh tính mạng bảo vệ khu tự trị dưới danh nghĩa đảng PUK."

Trước đó, Charles Stratford, phóng viên Al Jazeera thông tin từ Erbil cho biết, việc quân đội Iraq hoàn thành chiến dịch chỉ trong vòng chưa tới 15 giờ đồng hồ đã khiến Chính quyền Địa phương người Kurd (KRG) bàng hoàng.

Câu hỏi lớn được đặt ra ngay trong cộng đồng người Kurd là liệu có phải 1 tới 2 đảng chính trị Kurd đã hợp tác với quân đội Iraq, dẫn tới chiến thắng nhanh gọn và dễ dàng của chính phủ Iraq tại Kirkuk hay không.

Quân đội Iraq được cho là đã đẩy lùi người Kurd khỏi 2 thị trấn ở Kirkuk. Nguồn: AP

Theo Saad Jawad, giáo sư khoa học chính trị và thành viên cấp cao ở Trung tâm Trung Đông thuộc Đại học Kinh tế London, cho biết những đảng phái người Kurd thường không đồng thuận với nhau.

"Tất nhiên là họ cũng nhất trí trên nhiều vấn đề, nhưng nhìn chung các đảng không thể hòa hợp. Tôi nghĩ chính phủ Iraq đã gây áp lực lên một phần lực lượng Peshmerga thuộc đảng PUK," ông Jawad nhận xét.

Đợt tiến công của quân chính phủ Iraq là một phần trong chiến dịch nhằm chiếm lại Kirkuk, giữa lúc căng thẳng leo thang do cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd Iraq hồi cuối tháng 9. Baghdad bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu này.

Chiến thắng quá dễ dàng

Trong chưa đầy 1 ngày, quân Iraq đã chiếm được sân bay, mỏ dầu, căn cứ quân sự chiến lược K1, quận Taza Khormatu trước khi chiếm được tòa thị chính ở trung tâm thành phố.

Cùng lúc đó, hàng nghìn người, bao gồm dân thường và lính Peshmerga, tìm đường rút lui khỏi thành phố.

Phát ngôn về cuộc giao tranh, một chỉ huy Peshmerga cáo buộc quân đội chính phủ và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phải chịu trách nhiệm vì đã gây chiến, và đe dọa Baghdad sẽ phải "trả giá đắt cho sự không công bằng này."

Chỉ huy này nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi những người Peshmerga đích thực làm mọi thứ để chống trả và tiêu diệt những kẻ tấn công."

Quân Iraq thần tốc chiếm Kirkuk, người Kurd bàng hoàng vì một đảng lâm trận rút lui? - Ảnh 2.

Lính Iraq tháo cờ của người Kurd. Ảnh: Getty

Về phần mình, Thủ tướng al-Abadi thúc giục Peshmerga hợp tác để duy trì hòa bình ở Kirkuk.

"Chính phủ yêu cầu lực lượng Peshmerga tuân thủ nghĩa vụ dưới quyền lãnh đạo của Iraq để những người dân thường Kirkuk được tiếp tục làm công việc thường ngày," ông viết trên Facebook.

Ông Abadi cho biết ông đang hoàn thành nghĩa vụ theo hiến pháp "để phục vụ nhân dân và đảm bảo đất nước thống nhất trước mối đe dọa bất ổn từ cuộc trưng cầu dân ý được người Kurd đơn phương tổ chức".

Thiệt hại kinh tế nặng nề

Mới đây (16/10), hãng Tasnim News dẫn lời Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi tuyên bố thủ lĩnh KRG Masoud Barzani đã đồng ý hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu gần đây.

Theo ông Allawi: "Ông Barzani gửi một bức thư cho chính phủ Iraq, bày tỏ muốn gặp mặt và sẽ tuân theo hiến pháp vô điều kiện."

Quân Iraq thần tốc chiếm Kirkuk, người Kurd bàng hoàng vì một đảng lâm trận rút lui? - Ảnh 3.

Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi. Ảnh: Alsumaria

Quân Peshmerga của người Kurd đã kiểm soát khu vực mỏ dầu với trữ lượng lớn ở Kirkuk sau khi quân Iraq rút khỏi đây để tránh các đợt giao tranh quy mô lớn với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi năm 2014.

Từ đó, chính quyền KRG và chính phủ Baghdad không thể tiến tới đồng thuận ai sẽ là người quản lí khu vực cũng như hưởng lợi từ dầu mỏ.

Các căng thẳng đã leo thang dữ dội từ khi người Kurd bỏ phiếu đòi độc lập hồi tháng trước.

Chính phủ Iraq phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu. Việc điều quân tới chiếm lại quyền kiểm soát Kirkuk là động thái mới nhất của chính quyền Baghdad.

Đây là đòn đánh nặng nề vào nền tự trị của người Kurd, bởi nếu không có dầu mỏ, kinh tế khu vực này khó có thể được đảm bảo. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ trao quyền kiểm soát biên giới nước này với khu vực người Kurd cho chính quyền ông al-Abadi.

Mỹ tuyên bố không can thiệp

Cùng ngày 16, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ không can dự vào mâu thuẫn giữa người Kurd và chính phủ Baghdad, và yêu cầu hai bên nên tìm giải pháp hòa bình, cũng như tập trung tiêu diệt khủng bố.

Quân Iraq thần tốc chiếm Kirkuk, người Kurd bàng hoàng vì một đảng lâm trận rút lui? - Ảnh 4.

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/10. Ảnh: AP

Trả lời phóng viên trong cuộc phỏng vấn ngắn tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Chúng tôi không thích việc họ sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn."

"Trong nhiều năm nay, người Mỹ có mối quan hệ rất tốt với người Kurd. Chúng tôi cũng là bạn của Iraq. Mỹ sẽ không can thiệp, không ủng hộ bên nào. 

Chúng tôi tin rằng vụ giao tranh sáng ngày 16 là một vụ hiểu nhầm và không phải cố ý giữa hai bên," ông Trump bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại