Quan hệ Trung-Ấn ở thời khắc khó khăn nhất: Nepal trở thành "sàn đấu" quyền lực mới của hai ông lớn

Tiêu Chiến |

Hai gã khổng lồ châu Á đã bế tắc về tình hình biên giới ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya kể từ tháng 6 năm nay.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan tâm đặc biệt của nước lớn. Mỹ , Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga đều thực hiện chính sách “tái cân bằng” về khu vực này nhằm cạnh tranh ảnh hưởng, xác lập vị thế và vai trò tại khu vực. Trong đó, cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ là cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc có vị thế và vai trò nhất định tại đây. Cả hai nước đều có khát vọng xác lập vị thế và vai trò ngày càng lớn hơn tại khu vực để vươn ra thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Đáng chú ý, gần đây hai quốc gia này đã triển khai cuộc cạnh tranh mới tại Nepal.

Quan hệ Ấn - Trung đang trong giai đoạn “trắc trở nhất”

Tờ Al-Jazeera ngày 9/12 dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở giai đoạn “khó khăn nhất trong vòng 3 - 4 thập kỷ qua”, trong bối cảnh bế tắc liên quan đến xung đột biên giới kéo dài nhiều tháng qua tại vùng Ladakh, thuộc dãy Himalaya vẫn tiếp diễn. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bị đẩy lên cao kể từ tháng 6/2020 khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đối đầu “bạo lực” với quân đội Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đến nay vẫn không đưa ra con số thương vong chính xác từ phía họ.

Cả hai bên đều cáo buộc nhau “xâm nhập qua đường biên giới” vốn chưa được phân định chính xác, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) dài 750 km. Phát biểu trong phiên họp trực tuyến của Viện nghiên cứu Lowy (Úc), ông Jaishankar cho biết: “Chúng tôi đã có thể có nhiều tranh cãi hơn nữa. Lần cuối cùng từng có quân nhân Ấn Độ thương vong ở khu vực biên giới LAC là vào năm 1975”.

Ông Jaishankar nhấn mạnh rằng, kể từ năm 1988 đến nay, quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc từng gặp trục trặc nhưng “đi theo chiều hướng tích cực”. Theo ông, mặc dù hai nước đang dành thời gian để giải quyết vấn đề biên giới, nhưng họ ngầm hiểu rằng sẽ duy trì “hòa bình và yên ổn” dọc theo đường biên giới không chính thức này, đồng thời hai nước đã có nhiều thỏa thuận yêu cầu cả hai bên không đưa lực lượng lớn đến LAC.

Ngoại trưởng Ấn Độ cáo buộc: “Giờ đây, vì một số lý do nào đó mà phía Trung Quốc đưa ra cho chúng tôi 5 cách giải thích khác nhau, song rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận. Theo đúng nghĩa đen, Trung Quốc đã điều hàng chục nghìn binh sĩ, theo nhiều nguồn tin khoảng 5.000 quân, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại đến LAC ở vùng Ladakh. Tất nhiên, mối quan hệ sẽ bị xáo trộn sâu sắc vì điều này”.

Quan hệ Trung-Ấn ở thời khắc khó khăn nhất: Nepal trở thành sàn đấu quyền lực mới của hai ông lớn - Ảnh 1.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã lên cao kể từ tháng 6 khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đối đầu với quân đội Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Phunchok Stobdan, nhà phân tích chính sách đối ngoại và là cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ, nói với Al-Jazeera rằng, bình luận của ông Jaishankar chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nước đã bị tổn hại như thế nào, và nếu Trung Quốc muốn tiến lên, vấn đề biên giới phải được giải quyết. “Những gì ông ấy (Ngoại trưởng Ấn Độ) đang muốn nói là mọi thứ không bình thường, thậm chí là nghiêm trọng. Chừng nào vấn đề biên giới chưa được giải quyết, mọi thứ không thể được bình thường hóa”, ông Stobdan phân tích.

Theo Alka Acharya, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, bình luận của Ngoại trưởng Jaishankar cũng chỉ ra một thực tế rằng các mối quan hệ đang “thực sự khủng hoảng”. Acharya cho rằng, ông Jaishankar đã nói rõ sự nghi kỵ về việc mối quan hệ Ấn-Trung đang trở nên rất nghiêm trọng. “Mặc dù các nỗ lực vẫn đang được thực hiện, nhưng mọi thứ có vẻ rất khó khăn”, bà nói rằng, giải pháp sẽ chỉ có hiệu quả khi hai bên nhất trí về các lợi ích chiến lược của nhau.

Nepal - cuộc cạnh tranh địa chính trị mới của Trung-Ấn

Theo Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, thung lũng Kathmandu hiện đang chứng kiến một số khả năng ngoại giao ở khu vực Himalaya khi thế giới theo dõi sát sao các chuyến thăm Nepal của các quan chức cấp cao từ các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bí thư đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đã có mặt tại Nepal trong các ngày 27 và 29/11 vừa qua, từ đó “làm chín muồi” những suy đoán về quan điểm địa chính trị lớn ở Nam Á và hơn thế nữa. Điều thú vị là cả hai nước đã chọn thời điểm cho chuyến thăm tới quốc gia Himalaya không giáp biển này đúng vào lúc Nepal đang xảy ra cuộc tranh chấp nội bộ nhạy cảm và kéo dài, đe dọa sự ổn định của đất nước.

Đối với Ấn Độ, đây là chuyến thăm cấp cao thứ ba tới Nepal trong năm nay. Chuyến thăm đầu tiên được cho là đã giúp “phá băng” trong quan hệ hai nước sau những tranh cãi về biên giới và bản đồ. Chuyến công du thứ hai thể hiện truyền thống lâu đời hàng thể kỷ giữa hai nước, thừa nhận mối quan hệ lịch sử sâu sắc. Trong chuyến thăm thứ ba và cũng là chuyến thăm mới nhất vừa qua, Bí thư đối ngoại Shringla kêu gọi xây dựng các cơ chế biên giới thích hợp (như đã hứa hẹn) cùng các dự án kết nối khác và các chương trình tái thiết sau động đất ở Nepal (đã được Ấn Độ hỗ trợ lâu nay). Nhìn chung, chuyến thăm của ông Shringla phản ánh tình hình có tiến triển tích cực của mối quan hệ láng giềng, vốn đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Dự án kết nối xuyên dãy Himalaya là một trong những kế hoạch đầy tham vọng đã được vạch ra trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc cùng với sự hồi sinh của “Con đường tơ lụa".

Tương tự, chuyến thăm của phía Trung Quốc cũng tập trung vào cơ sở hạ tầng và kết nối xuyên biên giới. Nepal được biết đến là một trong những thành viên quan trọng nhất của kế hoạch BRI trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc. Ví dụ, dự án kết nối xuyên Himalaya là một trong những kế hoạch tham vọng nhất được dự kiến trong chương trình này cùng với việc hồi sinh “Con đường tơ lụa". Mặc dù không có thông cáo báo chí cụ thể nào từ Bắc Kinh, song chuyến thăm Nepal của ông Ngụy Phượng Hòa là một đảm bảo cho quan hệ Trung Quốc - Nepal ngày càng sâu sắc hơn.

Theo Quỹ ORF, lâu nay, việc tận dụng cơ hội từ cạnh tranh Trung - Ấn vẫn được coi là một trong những điểm mạnh của chính sách đối ngoại của Nepal. Ngay cả khi không thể “vô hiệu hóa” các động lực giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng có hai khả năng Nepal sẽ đóng vai trò mới.

Hoặc là “cầu nối” giữa hai nước láng giềng khổng lồ này; hoặc trở thành một khu vực tranh chấp - “một chiến trường ủy nhiệm bị kẹt ở ngã tư giữa những tham vọng lớn của Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Nam Á”.

Trong bối cảnh đó, Nepal cần phải tự mình vượt ra khỏi nội hàm của “vùng đệm” vốn gắn liền với họ từ lâu. Hơn nữa, họ cũng phải nhận ra tiềm năng của mình như một quốc gia “trung chuyển” lớn ở Nam Á, quốc gia có tiềm năng tạo ra một bản sắc riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại