Quan hệ Nga-Nhật mờ mịt nhưng buộc phải hợp tác đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Hữu Hoàng |

Nhật Bản gần đây phản đối việc Nga triển khai các máy bay chiến đấu hiện đại trên các vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước.

Cùng lúc đó thì Nga cũng không hài lòng với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản với sự giúp đỡ của Mỹ. Tương lai của mối quan hệ Nga - Nhật, vốn đã ấm dần lên trong những năm gần đây đang trở nên mờ mịt.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, do phải cùng nhau đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, hai nước đều có nhu cầu tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ.

Tranh chấp lãnh thổ vẫn nóng bỏng

Cuộc đối thoại chiến lược "2 + 2" cấp Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - Nhật vừa kết thúc tại Moscow hồi đầu tháng 8 thì Nga bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu Su-35S tiên tiến trên hòn đảo tranh chấp của quần đảo Nam Kuril, phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nhật Bản sau đó đã phản đối hành động này.

Quan hệ Nga - Nhật đã ấm dần lên trong những năm gần đây và tần suất gặp gỡ giữa lãnh đạo song phương đã tăng lên. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 5 của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hai bên đã phát động "năm nước Nga" và "năm nước Nhật".

Ông Abe cũng sẽ tới thăm Nga một lần nữa trong tháng 9 tới để tham dự cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Phương Đông do Nga tổ chức tại thành phố Vladivostok ở khu vực Viễn Đông.

Quan hệ Nga-Nhật mờ mịt nhưng buộc phải hợp tác đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong một chuyến thăm khu vực tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc (Ảnh: Sputnik / Dmitry Astakhov)

Nga vừa phát triển mối quan hệ vừa tăng cường sức mạnh quân sự

Trong khi quan hệ Nga - Nhật đang ấm dần lên thì trong những năm gần đây Moscow liên tục tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở các vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước.

Trước đó, Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống tên lửa chống các tàu chiến gần bờ, đồng thời xây dựng các sân bay và đường băng mới. Sức mạnh của lực lượng Nga đóng trên các vùng lãnh thổ tranh chấp cũng đã được tăng cường nhiều lần.

Nhiều quan chức và nghị sĩ Nga nói rằng nước này còn có kế hoạch xây dựng các căn cứ hải quân mới và các khu quân sự cho quân đội Nga tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với Nhật, cũng như củng cố lá chắn tên lửa.

Sau khi tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng dưới chính phủ của ông là Sergei Ivanov thăm quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc và bày tỏ không hài lòng về cơ sở hạ tầng nghèo nàn ở đây khi phía Nga đang còn sử dụng sân bay của Không quân Nhật trong Thế chiến 2.

Khi đồng minh thân cận của ông Putin là Dmitry Medvedev trở thành tổng thống Nga năm 2008, ông trở thành lãnh đạo Nga đầu tiên đến lãnh thổ tranh chấp này, khiến Tokyo tức giận và quan hệ song phương lạnh nhạt một thời gian.

Bất đồng nan giải

Sau khi Putin quay trở lại điện Kremlin, quan hệ Nga-Nhật được tăng cường trở lại. Tuy nhiên, động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở các vùng lãnh thổ tranh chấp vẫn là tâm điểm của Tokyo trong cuộc đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Nga cũng bất mãn với dự định triển khai lá chắn tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Nhật - động thái tương tự với điều đã diễn ra ở Hàn Quốc, khi Seoul thúc đẩy bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Một số chuyên gia khí tài của Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nhật Bản dự kiến triển khai tương tự như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Rumani. Ngoài việc phóng tên lửa đánh chặn, các bệ phóng tên lửa trong hệ thống phòng thủ tên lửa này cũng có thể phóng tên lửa đạn đạo tấn công và đe dọa tới an ninh nước Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kiểm soát vũ khí của Nga lại cho rằng những nghi ngờ của Nga về các hệ thống tên lửa tương tự có thể được giải quyết được về mặt kỹ thuật. Cả hai bên có thể thông qua cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân xác nhận rằng các tên lửa đang được phóng lên là tên lửa đánh chặn chứ không phải là tên lửa tấn công.

Nhưng vấn đề hiện tại là quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi, hai bên không có sự tin tưởng lẫn nhau, không có ý định cùng nhau thảo luận về mặt chi tiết kỹ thuật.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Nhật Bản về giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện chưa có tiến triển. Cả hai nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau đầu tư và phát triển các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Tuy nhiên, Moscow cho rằng cần lấy việc tuân thủ luật pháp Nga làm tiền đề, các hoạt động kinh tế ở các vùng lãnh thổ tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ tư pháp của Nga. Nhật Bản thì kiên quyết phản đối bởi điều này đồng nghĩa Tokyo công nhận sự kiểm soát của Nga đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Quan hệ Nga-Nhật mờ mịt nhưng buộc phải hợp tác đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Cảnh sát biên phòng Nga ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc (Ảnh: Sputnik)

Nhật lo ngại Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau

Cả Nga và Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều này được coi là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ song phương.

Valery Kistanov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản ở Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện khoa học Nga, cho rằng Nhật Bản không muốn thấy Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn với sự giúp đỡ của Nga.

Ông Kistanov đánh giá: "Tăng cường quan hệ song phương là nhu cầu chung của Nga và Nhật Bản. Nhật Bản đặc biệt lo lắng việc Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, hơn nữa Nga-Trung đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực liên quan đến kinh tế và năng lượng."

Hải quân Nhật Bản luôn được xem là kẻ thù hư cấu và đối thủ của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô và nay là Nga. Nhưng trong những năm gần đây, các tàu chiến của hai nước thường xuyên trao đổi thăm viếng lẫn nhau, thậm chí số lượng các cuộc diễn tập về cứu sinh và tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa hai nước tăng lên nhiều.

Đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đến thăm St. Petersburg, ông đã thảo luận với các tướng lĩnh hải quân và quân đội Nga Nga về hợp tác trong lĩnh vực hải quân giữa hai nước.

Đáng chú ý, ông Onodera đã đến thăm tàu tuần dương Aurora neo đậu trên sông Neva ở St. Petersburg. 

Tàu chiến này đã tham gia vào cuộc chiến trên eo biển Tsushima trong cuộc chiến tranh Nhật-Nga năm 1905. Trận chiến đó khiến hải quân của Sa hoàng Nga gần như hoàn toàn bị tiêu diệt, và Nhật giành được một thắng lợi lớn.

Tàu tuần dương Aurora là một trong hai tàu chiến hạng nặng của Nga đã sống sót sau trận chiến, và sau đó nổi tiếng với loạt đại bác tấn công Cung điện Mùa đông trong Cách mạng Tháng Mười Nga. 

Địa điểm neo đậu tàu tuần dương Aurora là điểm du lịch yêu thích của các du khách Trung Quốc khi đến St. Petersburg. Tuy nhiên, rất hiếm khi các quan chức cấp cao Nhật Bản đến thăm tàu ​​chiến này. 

Theo báo cáo, Bộ trưởng Onodera đã lưu lại tương đối lâu tại khu triển lãm Chiến tranh eo biển Tsushima ở Bảo tàng tàu chiến ở St. Petersburg. Ông cũng thăm căn cứ Hạm đội Baltic của Nga ở Kranstadt gần St. Petersburg và viếng thăm một Giáo hội Chính thống Hải quân địa phương. Nhà thờ này đang lưu giữ bài vị của sĩ quan và binh lính Hải quân Nga hy sinh trong trận chiến tại eo biển Tsushima.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại