“Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tốt lên” – Đó là kỳ vọng của dư luận Trung Quốc trước khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Thế nhưng, có vẻ sự kỳ vọng này đã bị nhanh chóng dập tắt bởi những gương mặt đầu tiên xuất hiện trong nội các của ông Biden. Giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines, Ngoại trưởng Anthony Blinken hay Bộ trưởng tài chính Janet Yellen đều có quan điểm khá tương đồng về Trung Quốc.
Bà Avril Haines (51 tuổi), người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ giữ cương vị Giám đốc Tình báo quốc gia đã từng khẳng định sẽ dồn ưu tiên cho việc huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để đối phó với Trung Quốc. Không kém phần quyết liệt, ông Blinken tin rằng: “Cựu Tổng thống Donald Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc”. Còn theo mô tả của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất”. Và tất nhiên là trên hết, các quan điểm này chính là đại diện cho quan điểm của Tổng thống.
Còn nhớ, khi bước vào tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã lên tiếng chỉ trích chính sách cứng rắn nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thế nhưng chỉ hơn một năm sau đó, quan điểm của ông Biden đã thay đổi đáng kể. Mùa xuân năm ngoái, ông đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa kinh tế thực sự” và tin rằng đây là điểm yếu của nước Mỹ, bởi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của gã khổng lồ Châu Á này sẽ là thách thức lớn đối với nước Mỹ.
Việc ông cài đặt lại mối quan hệ với các nước đồng minh Châu Âu, các thành viên trong Bộ tứ Kim cương bằng rất nhiều tuyên bố ngay sau khi trúng cử cho thấy ông đang tìm kiếm một liên minh chặt chẽ để đối phó với Trung Quốc. Đã có những cảnh báo rằng xung đột về giá trị giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng dưới thời chính quyền Biden. Bởi sự khác biệt ở đây là, “ông Trump là một doanh nhân và ứng xử theo cách rất khó đoán, trong khi ông Biden lại có cách ứng xử thường dễ đoán. Bởi vậy, ông Trump cứng rắn với Trung Quốc một cách phi lý trí, còn ông Biden cứng rắn một cách có lý trí”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cách tiếp cận về Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ giống chính quyền của người tiền nhiệm với tuyên ngôn “Trung Quốc không phải là kẻ thù” nhưng Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất. Thậm chí, nhiều nhà phân tích nhìn nhận, Mỹ sẽ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất từ trước tới nay, phần lớn là vì sức mạnh kinh tế của nước này. Nhưng thay vì đối đầu toàn diện thì Mỹ sẽ kết hợp yếu tố kiềm chế có chọn lọc với hợp tác. Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden sẽ bao trùm nhiều lĩnh vực hơn so với thời ông Trump, ví dụ như vấn đề can dự và nhân quyền.
Nếu ai đó tin rằng, ông Biden sẽ kéo mối quan hệ Mỹ - Trung về giai đoạn tốt đẹp từ 2008-2016, thời điểm ông giữ cương vị phó Tổng thống Mỹ trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của ông Obama, thì có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại. Bởi vào lúc này, nước Mỹ đã thay đổi về cách nhìn nhận đối với Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cách đây hơn 40 năm. Hai quốc gia xung đột về hàng loạt vấn đề bao gồm thương mại, nhân quyền và cả cách đối phó đại dịch Covid-19. Sự thù địch giữa hai bên đang dần tăng và theo nghiên cứu mới nhất do hãng Pew thực hiện cho thấy, hơn 70% người dân Mỹ có ấn tượng xấu về Trung Quốc. Chính vì vậy, mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong những ngày tháng tới đây đã sớm được định hình mà không cần phải “ném đá dò đường”./.