Kênh CNN (Mỹ) cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nín thở trước sự kiện ngoại giao này vì lo ngại rằng Italy có thể tiếp tay cho Tổng thống Mỹ Trump khiến tình hình Liên minh châu Âu (EU) thêm rối ren. Hiện tại EU "đau đầu" vì quan điểm khác biệt giữa các thành viên.
Lo ngại của Đức và Pháp không phải là không có cơ sở bởi ông Conte đang dần trở thành người ủng hộ nhiệt thành nhất Tổng thống Trump tại châu Âu và Italy thậm chí còn đang thể hiện lập trường thiện cảm đối với Nga.
Ở thời điểm chính quyền đương nhiệm Đức và Pháp có nhiều khúc mắc với Nhà Trắng do Tổng thống Trump lãnh đạo thì bản thân ông Trump lại muốn thắt chặt hơn mối quan hệ đặc biệt với Thủ tướng Conte.
"Tình cảm đặc biệt” giữa Thủ tướng Conte và Tổng thống Trump còn vượt qua các mục tiêu đặc thù. CNN nhận định Tổng thống Trump hiểu rằng Italy là người bạn của ông tại châu Âu và có khả năng gây tác động tới trục “không ưa Mỹ” gồm Đức, Pháp.
Italy là một trong những quốc gia thành lập EU và là nền kinh tế lớn thứ ba trong eurozone.
Tổng thống Trump dường như đã tìm đúng người trong việc đối trọng với Đức và Pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Conte sẵn sàng đóng vai người bạn thân thiết của Tổng thống Trump, phần nào gây áp lực tới các đối tác châu Âu khác không sẵn sàng thay đổi cơ chế của liên minh này.
Chính quyền đương nhiệm của Italy dường như đang đi theo bước chân của Tổng thống Trump do vậy Rome muốn xem xét lại mọi thỏa thuận tự do thương mại giữa châu Âu và các quốc gia khác vốn được cho là có tác động tới thị trường việc làm và sản xuất hàng hóa của châu Âu.
Trong cuộc gặp lần này, Thủ tướng Conte nhiều khả năng muốn thể hiện cam kết với Tổng thống Trump rằng Italy ủng hộ chiến lược của Mỹ đối với Nga.
Theo CNN, chính phủ hiện nay của Italy do Phong trào 5 sao và Đảng Lega lãnh đạo đang đi theo xu hướng muốn đẩy mạnh mối quan hệ mới với Nga.
Bản thân Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini từng muốn thuyết phục các đối tác châu Âu đến cuối năm 2018 nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Moskva và tái kết nạp Nga và Nhóm G-8.
Phó Thủ tướng Salvini đánh giá các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga là không hiệu quả và gây ảnh hưởng tới xuất khẩu hành hóa của Italy vào Nga. Ông Salvini còn đánh giá việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea là hợp pháp.
Hiện tại, Rome cho rằng Nga là đối tác chiến lược của EU và NATO, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng quốc tế và chống khủng bố.