Nhận định trên của Giáo sư Gregory Simons của Đại học Uppsala (Thụy Điển) chia sẻ với tạp chí New Eastern Europe mới đây. Theo đó, ông Simons cho rằng, nếu Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì nhiều điều sẽ thay đổi và quan hệ Nga-Thụy Điển từ trạng thái “hữu nghị lạnh nhạt” sẽ chuyển thành thù địch công khai.
"Bất chấp thực tế là Thụy Điển nằm ngoài chính sách đối ngoại của Nga, giới tinh hoa Thụy Điển đang cân nhắc gia nhập NATO. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào của họ trong lĩnh vực này đều có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể ở vùng Baltic", ông Simons bày tỏ quan điểm.
Theo ông Simons, ban đầu Thụy Điển không gia nhập NATO chủ yếu vì lý do lịch sử. "Từng là cường quốc ở biển Baltic, nhưng sự bành trướng của Thụy Điển đã gặp phải Nga, nước trỗi dậy dưới thời Peter Đại đế. Cuộc đấu tranh bắt đầu vào đầu thế kỷ 18, và sau đó Thụy Điển quyết định không khôn ngoan khi tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga của Napoléon đã dẫn đến tổn thất thêm về lãnh thổ. Trước hậu quả thảm khốc như vậy, người Thụy Điển quyết định giữ lại những gì còn lại, và ưu tiên không tham gia vào các cuộc xung đột, mà là ở vai trò trung lập", ông Simons nhắc nhở.
Ngoài ra, Giáo sư cũng lưu ý rằng khái niệm trung lập ở Thụy Điển vẫn rất phổ biến, được coi là một "giá trị thiêng liêng và được trân trọng", mặc dù đất nước có một quân đội lớn mạnh.
"Hiện tại, xã hội Thụy Điển phản đối việc gia nhập NATO hoặc bất kỳ liên minh quân sự nào khác vì những lý do lịch sử này. Tuy nhiên, có một sự chia rẽ ở đây, với xu hướng chính trị của Thụy Điển, cả phe cánh tả và cánh hữu coi quan hệ đối tác quân sự hoặc liên minh với NATO thuận lợi hơn nhiều so với xã hội Thụy Điển nói chung, trong khi Mỹ cũng đang tiến hành ngoại giao quân sự với Thụy Điển", ông Simons cho biết.
Theo ông Simons, quan hệ Nga-Thụy Điển là "bất cân xứng". "Thực tế là một số người Thụy Điển có ý kiến cho rằng Nga là một "mối đe dọa hiện hữu" cả vì ký ức lịch sử và vì sự đối kháng địa chính trị hiện tại. Mặt khác, Nga hoàn toàn không nhìn thấy một mối đe dọa nào ở Thụy Điển và cũng không quan tâm nhiều trong chính sách đối ngoại", ông Simons giải thích.
Đồng thời, ông Simons cho rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ dẫn đến những thay đổi khá nghiêm trọng. Nga đã nói rõ rằng trong trường hợp này, quan hệ giữa Moscow - Stockholm sẽ xấu đi từ "tình bạn lạnh nhạt" thành "thù địch". Đặc biệt, điều này có thể dẫn đến thực tế là nhiều thành phố của Thụy Điển, mà trước đây không liên quan gì đến Moscow sẽ bị nhắm tới vì mục địch địa chính trị.
Trước đó, tờ Berlingske của Đan Mạch cho biết, lực lượng vũ trang Thụy Điển đã được đặt trong tình trạng báo động và một số lượng lớn các thiết bị quân sự đang được vận chuyển đến đảo Gotland.
Theo đó, nguyên nhân của việc này là do sự xuất hiện của một nhóm tàu chiến Nga gần Biển Baltic, nơi đang diễn ra một cuộc tập trận. Berlingske cho biết tình hình nói trên chưa từng diễn ra ở Thụy Điển kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Điều này được cho là do cả Nga và NATO gần đây hoạt động tích cực hơn ở khu vực này và đặc biệt là sự xuất hiện của một nhóm tàu chiến Nga ở Biển Baltic không xa quần đảo của Thụy Điển đã gây ra phản ứng gay gắt từ Stockholm. "Tuần trước nhóm tàu chiến này đã đi đến khá gần đảo Gotland, nghĩa là cách đó vài km", Berlingske cho biết.
Người đứng đầu bộ phận tác chiến của Lực lượng vũ trang Thụy Điển, Phó Đô đốc Jan Thörnqvist thông báo rằng chính quyền và quân đội Thụy Điển đang ở trong "tình thế nguy cấp", họ buộc phải ứng phó với một "mối đe dọa thực sự".
Ông Thörnqvist cũng giải thích, có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột thực sự. Theo các chuyên gia quân sự Thụy Điển, hiện nay nguy cơ không cao lắm, tuy nhiên, quân đội vẫn quyết định tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu để "không mất cảnh giác". Lực lượng vũ trang Thụy Điển đã chính thức thông báo họ đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu ở một số khu vực trên Biển Baltic, bao gồm cả xung quanh đảo Gotland.