Sau khi chính thức “cấm cửa” Huawei, truyền thông Anh đưa tin nước này sẽ hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong kể từ ngày 20/7 để đáp trả Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong chính thức có hiệu lực. Những bước đi liên tiếp của Anh báo hiệu sóng gió sắp tới trong mối quan hệ Anh - Trung, dập tắt hi vọng về kỷ nguyên vàng như cựu Thủ tướng Anh David Cameron mong đợi.
Theo Hãng tin BBC, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab dự kiến công bố việc Anh hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong trước Hạ viện hôm nay. Hồng Công có thỏa thuận dẫn độ với 19 quốc gia khác ngoài Vương quốc Anh. Tuy nhiên Canada và Australia gần đây đã đình chỉ Hiệp ước này sau khi Trung Quốc ban hành Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là bước đi mới nhất của Anh gia tăng căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, từ việc đảo ngược quyết định chấm dứt hoạt động của Huawei, đến việc đề nghị cấp thị thực và quốc tịch đối với hàng triệu người Hồng Công. Đầu tháng này, Anh cũng đưa ra một cơ chế trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân mà nước này cho rằng liên quan đến vấn đề lạm dụng nhân quyền và tội phạm có tổ chức. Một số nghị sĩ Anh cho rằng lệnh trừng phạt cũng nên nhằm vào các quan chức Trung Quốc.
Trước khả năng này, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh ngày 19/7 cảnh báo sẽ có bước đi phản ứng kiên quyết trước mọi nỗ lực của Anh trừng phạt các quan chức Trung Quốc.
“Nếu chính phủ Anh đi quá xa trong việc áp đặt trừng phạt bất cứ cá nhân nào tại Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ có bước đi phản ứng kiên quyết. Như những gì chúng ta chứng kiến giữa Trung Quốc và Mỹ, họ đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc, chúng tôi có bước đi đáp trả. Tôi không muốn các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ được áp dụng trong mối quan hệ Anh-Trung. Anh nên có chính sách đối ngoại độc lập hơn là bị gây sức ép của Mỹ giống vụ Huawei”, Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói.
Hàng loạt các bước đi mới nhất của Anh đánh dấu sự đảo chiều trong mối quan hệ với Trung Quốc, đi ngược lại tiến trình đưa mối quan hệ Anh - Trung tiến vào kỷ nguyên vàng như cựu Thủ tướng Anh David Cameron mong đợi. Nhiều nhận định về sóng gió sẽ nổi lên trong mối quan hệ Trung- Anh thời gian tới, thậm chí nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại song phương.
Nếu Trung Quốc trả đũa kinh tế, thương mại, Anh sẽ là quốc gia đối mặt với nhiều thiệt hại, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Anh, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), chiếm 5% tổng thương mại của Anh. Vì vậy, mặc dù liên tiếp có những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc và thừa nhận sẽ phải đón nhận những “phản ứng” từ Trung Quốc trong những tháng tới, các quan chức Anh vẫn khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Anh vẫn đang hi vọng vào các thỏa thuận thương mại “ siêu khổng lồ” với Mỹ hay Australia, thời kỳ hậu Brexit, khiến nước này buộc phải có những suy tính chiến lược trong mối quan hệ với Trung Quốc./.