Vừa xay cà phê hột, ông Thành (chủ quán nước bình dân ở quận Gò Vấp) vừa nói: “Trước đây bình quân mỗi ngày tôi bán không dưới 100 ly cà phê. Từ khi nổ ra vụ cà phê “pin”, hiện một ngày bán không tới 100 ly”.
“Khách quen thì không ngại bởi họ uống cà phê quán tôi đã lâu nên tin tưởng. Tuy nhiên, khách đi đường ghé vào quán đa phần uống các loại nước khác.
Tôi hỏi sao không uống cà phê, họ bảo không thích. Nói thì nói vậy chứ tôi biết họ sợ uống nhầm cà phê “pin”. Vụ việc này chắc còn kéo dài” - ông Thành nói thêm.
Tương tự, bà Mai (chủ quán nước bình dân ở quận Tân Bình) cho biết bà cũng khốn đốn với vụ cà phê “pin”. “Số ly cà phê bán ra hiện nay giảm sụt so với lúc chưa bùng nổ vụ cà phê “tẩm” pin Con Ó .
Mặc dù vụ việc xảy ra ở tuốt Đắk Nông nhưng đã ảnh hưởng tới việc buôn bán cà phê tại TP.HCM. Không biết khi nào vụ này mới được im ắng để việc buôn bán cà phê trở lại bình thường” - bà Mai chặc lưỡi.
Trong khi đó, ông Hoàng (chủ sản xuất cà phê ở huyện Hóc Môn) cho biết trước đây mỗi ngày cơ sở cung cấp khoảng 300 kg cà phê bột cho các quán nước ở TP.HCM.
“Sau khi lùm xùm vụ cà phê “pin”, do bán chậm nên nhiều quán nước lấy cà phê bột ít lại, mỗi ngày cơ sở chỉ giao độ 200 kg. Tình trạng này kéo dài thì tôi càng méo mặt” - ông Hoàng lắc đầu.
Vụ việc cà phê “pin” xảy ra khiến nhiều người ghiền cà phê cũng ngại ngần khi ghé vào quán lạ. “Trước đây ghé bất cứ quán nước nghỉ chân tôi đều kêu cà phê đá.
Thế nhưng hiện giờ tôi chỉ gọi nước khoáng, nước ngọt hoặc dừa trái. Tôi sợ uống nhầm cà phê “pin” thì mạng họa vào thân” - ông Minh (quận Phú Nhuận) nói.
Liên quan đến cà phê “pin”, chiều 18-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo để cung cấp những thông tin cần thiết.
Thông tin cho biết từ ngày 15 đến 17-4, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp) làm chủ đang pha trộn nước, pin vào cà phê.
Cơ quan chức năng lập biên bản và niêm phong hơn 21 tấn cà phê nhuộm “pin” và được đóng bao bì. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn thu giữ 40 lít dung dịch, 35 kg pin đập dẹp và trên 190 kg lõi, nắp, vỏ pin.
Thông tin còn cho biết bước đầu bà Loan khai nhận đã bán ba tấn cà phê “pin” cho một người ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thể khẳng định cà phê “pin” bán ra thị trường có phải dùng cho người hay không.
Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và nếu đúng dùng làm thực phẩm cho người thì đủ yếu tố cấu thành tội phạm.