H-6N là phiên bản mới nhất của dòng máy bay ném bom H-6, và để đáp trả sự hiện diện của hải quân Mỹ và phương Tây ở Đông Bắc Á, đã được giao nhiệm vụ mới là vai trò săn hạm.
Tên lửa mới nói trên, theo Military Watch, có vẻ lớn hơn dòng tên lửa đạn đạo Scud của Liên Xô hay dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 của Mỹ, và có một số dự đoán cho rằng tên lửa này là một phiên bản của dòng tên lửa đạn đạo mặt đất có kích cỡ lớn hơn nhiều là DF-21D “sát thủ tàu sân bay”.
Tên lửa DF-21D của quân đội Trung Quốc
Tên lửa mới có vẻ là một thiết kế sử dụng nhiên liệu rắn và mặc dù nhỏ hơn “sát thủ tàu sân bay” đặt trên mặt đất, nó được cho là có thể đạt tầm bắn tương đương nhờ kết hợp nhiên liệu tổng hợp và tính năng phóng đi từ máy bay.
Điều này đồng nghĩa rằng tên lửa có nguồn động năng và thế năng trọng trường khi được máy bay H-6N đưa lên cao.
Bản thân các máy bay H-6N của quân đội Trung Quốc đã có thiết kế đặc biệt để mang theo tên lửa, điểm khác biệt là chúng được loại bỏ khoang chứa bom như những chiếc H-6 phiên bản trước đó.
Dòng máy bay H-6, ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay vẫn còn được quân đội Trung Quốc sử dụng và thậm chí trong thập niên 2020 vẫn tiếp tục được sản xuất.
Quân đội Trung Quốc (PLA) có vẻ đã đầu tư lớn vào các dự án vũ khí chống hạm hiện đại, từ tên lửa YJ-18, YJ-100 và sắp tới là tên lửa hành trình YJ-XX được trang bị cho các tàu khu trục mới, tới tên lửa DF-21D và các biến thể của tên lửa đạn đạo DF-26, dòng hỏa tiễn có tầm bắn trung bình, cho phép quân đội Trung Quốc nhắm tới các tàu chiến đối phương trong phạm vi rộng khắp Đông Nam Á.
Tên lửa DF-21D hiện vẫn đang được nâng cấp, và các cải tiến thể hiện trong khả năng di động của hệ thống nhằm nâng cao khả năng sống sót và đồng thời mở rộng tầm bắn.
Một “sát thủ tàu sân bay” bắn đi từ trên không có thể cho phép PLA nhắm tới các tàu chiến hạng nặng của đối phương, bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục và tuần dương hạm với tầm bắn lớn hơn dòng tên lửa DF-21D.