Quân đội Trung Quốc công bố "danh sách cần diệt" trong kịch bản tấn công nhóm tàu sân bay Mỹ

Hữu Hiển |

Đơn vị tác chiến điện tử của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lập danh sách các mục tiêu của hải quân Mỹ sẽ bị tấn công trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.

Trung Quốc công bố "mục tiêu cần diệt" khi đối đầu tàu sân bay Mỹ

Trong một cuộc xung đột tiềm tàng, các radar, cảm biến và hệ thống liên lạc của quân đội Mỹ nằm trong danh sách nêu trên có khả năng sẽ hứng chịu hỏa lực tập trung từ các vũ khí tác chiến điện tử của Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tham gia dự án cho biết.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ được triển khai tới vùng Vịnh. Ảnh: AFP

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 16/12 đưa tin, thông tin chưa từng được công bố này đã được tiết lộ trong ấn phẩm số mới nhất của “Defence Industry Conversion in China” - một tạp chí thuộc Cục Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước Trung Quốc. Tạp chí này có mục đích khuyến khích các tổ chức và công ty dân sự tại Trung Quốc tham gia nghiên cứu về công nghệ quân sự và sản xuất vũ khí.

"Thông tin này có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo để phát triển công nghệ tác chiến điện tử và thiết bị liên quan trên các chiến trường trên biển trong tương lai của Trung Quốc", chuyên gia tác chiến điện tử Mo Jiaqian thuộc Đơn vị 92728 của PLA viết trong báo cáo được đăng trên tạp chí.

Báo cáo của chuyên gia Mo đi sâu nghiên cứu cơ chế hoạt động và ưu thế của hệ thống “Năng lực tác chiến hiệp đồng” (CEC) - một thành phần quan trọng trong mạng lưới phòng không và cảnh báo sớm của hạm đội tàu sân bay thuộc Hải quân Mỹ.

Hệ thống này cho phép toàn bộ hạm đội chia sẻ các nguồn lực phòng không, giúp các tàu chiến phóng tên lửa để đánh chặn ngay cả khi các cảm biến của chúng không phát hiện ra mục tiêu đang bay tới.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Mo, CEC có một điểm yếu chết người.

"Nó được hình thành thông qua mạng lưới radar mảng pha, dựa trên các liên kết truyền thông không dây. Khi lực lượng đối địch làm nhiễu điện tử, các liên kết không dây dễ bị ngắt kết nối hoặc gián đoạn", bà Mo viết.

Chiến lược của PLA

Theo báo cáo kể trên, mục tiêu chính của các cuộc tấn công trong tác chiến điện tử của PLA là radar mảng pha AN/SPY-1 trên các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ. Loại radar này do công ty hàng không vũ trụ Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất và đã được sử dụng trong hơn bốn thập kỷ, nên có thể gặp khó khăn trong việc chống chọi trước sự tấn công của nhiều công nghệ mới.

Các thiết bị đời mới, chẳng hạn như máy bay không người lái, có thể tiếp cận radar và tạo ra tiếng ồn và mục tiêu giả, "làm giảm đáng kể khả năng phát hiện chính xác mục tiêu của radar và ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống CEC", bà Mo viết.

Theo báo cáo, một mục tiêu lớn khác của PLA là máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye - một thiết bị thu thập thông tin mạnh mẽ có khả năng hoạt động từ tàu sân bay. Loại máy bay này đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp giữa toàn bộ hạm đội Mỹ.

Các tàu và máy bay của Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cùng Hải quân Hoàng gia Úc, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Anh di chuyển theo đội hình trong Cuộc tập trận Đối tác Hàng hải (MPX), ngày 17/10/2021 (Ảnh: US Navy)

Ngoài ra, PLA cũng xác định một số bộ thu phát tín hiệu quân sự của Mỹ là mục tiêu chính mà phía Trung Quốc tin rằng có thể khai thác chúng để truy cập vào mạng lưới quân sự của Mỹ và gây ra thiệt hại.

"Nếu lực lượng đối địch có được thông tin chính xác để truy cập mạng lưới và bắt chước phản hồi thân thiện bằng việc phát đi tín hiệu chuẩn xác, họ có thể xâm nhập vào hệ thống CEC như một đơn vị phối hợp và tiến hành các cuộc tấn công", bà Mo Jiaqian cho biết.

"Ngoài ra, có thể thực hiện các yêu cầu truy cập liên tục khiến cho một trong các nút mạng CEC quá tải với nhiệm vụ nhận dạng, làm gián đoạn hoạt động của nút mạng đó", chuyên gia Mo viết trong báo cáo.

Theo SCMP, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Nhiều sản phẩm trong số này không chỉ có giá thành rẻ mà còn tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và phức tạp hơn so với thiết bị của các đối thủ phương Tây.

Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng Trung Quốc có khả năng chuyển đổi hơn 90% công nghệ dân sự mới của nước này thành các ứng dụng quân sự.

Để đáp trả, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc. Đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp bị trừng phạt đã tăng đáng kể trong một thập kỷ qua.

Nhưng nghiên cứu nêu trên phát hiện ra rằng các lệnh trừng phạt này đã vô tình đẩy nhanh quá trình hội nhập giữa các ngành công nghiệp quân sự và dân sự của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại