Hãng AMN đưa tin theo Thượng tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc , lực lượng này đã cảnh báo và yêu cầu hai tàu khu trục của hải quân Mỹ rời khỏi Biển Đông vào ngày 6/5.
Trong khi đó, chia sẻ với Reuters, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho hay hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường là USS Preble và USS Chung Hoon đã xuất hiện gần khu vực Đá Gaven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Hai thực thể này đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 khẳng định, hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon thực hiện quyền "đi lại vô hại" quanh các đảo đá nhằm "thách thức những tuyên bố hàng hải vô lý và đảm bảo quyền tiếp cận đối với những tuyến đường hàng hải được luật pháp quốc tế quy định".
Tuy nhiên phát biểu trong cuộc họp báo hôm 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc vô cùng không hài lòng và cực lực phản đối thái độ của hai tàu khu trục Mỹ ở Biển Đông .
Ông Cảnh cho rằng, sự xuất hiện của hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng xấu tới nền hòa bình và ổn định ở khu vực.
“Tình hình ở Biển Đông đang được cải thiện nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN”, ông Cảnh nói.
Nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, ông Zhang Junshe chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, “tình hình ở Biển Đông đang ổn định. Các nước trực tiếp có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines đều đồng thuận giải quyết bất đồng trong hòa bình bằng con đường đàm phán và đối thoại. Ngoài ra, các nước cũng đang chú trọng tới việc hợp tác kinh tế”.
Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường thuộc hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 6/5 được xem là động thái đáp trả mới nhất của chính quyền Washington liên quan tới những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn hoạt động tự do đi lại ở vùng biển chiến lược.
Cụ thể, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành cải tạo, xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo ở những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như triển khai quân sự hóa trên một số thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép.