Thái Lan, từ một nước chuyên nhập khẩu vũ khí từ phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đã quay qua hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc, cụ thể là mua vũ khí từ nước này trang bị cho cả hải quân lẫn lục quân, giữa lúc quan hệ Mỹ-Thái Lan đi vào giai đoạn gập ghềnh.
Từ việc mua 6 khinh hạm các lớp Type 052T và Type 053HT tới hợp đồng mua xe tăng chiến đấu VT-4, lực lượng quân sự Thái Lan đang ngày càng phụ thuộc vào vũ khí Trung Quốc và các cuộc tập trận không quân có vẻ cũng đang làm gia tăng tính tương tác giữa không quân hai nước.
Xe tăng VT-4
Các máy bay tiêm kích Gripen do Thụy Điển sản xuất và những chiếc F-126 của Mỹ có trong không quân Thái Lan đã tham gia bay huấn luyện với các tiêm kích J-10C của Trung Quốc. Chúng được xem là có cùng trọng lượng và tầm bay.
Hiện nay trong không quân Trung Quốc chỉ có J-10 và J-7 là hai loại tiêm kích hạng nhẹ được triển khai, đa số tiêm kích còn lại là các loại hạng nặng như J-20 và J-11. Tuy nhiên theo Militarywatch, do chi phí vận hành các loại tiêm kích hạng nhẹ thấp hơn, các nước nhỏ như Thái Lan ưa dùng tiêm kích loại này hơn.
Trong đợt tập trận này, PLAA cũng cử đi một máy bay cảnh báo sớm KJ-500, loại máy bay có năng lực mà hiện không quân Thái Lan đang thiếu. J-10C là tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc tham gia tập trận ở nước ngoài tính đến nay.
Nó được trang bị radar mảng pha chủ động, động cơ phụt vector chuyển hướng giúp gia tăng năng khả năng cơ động, tên lửa không đối không tầm xa PL-15 mới.
Máy bay KJ-500
Mặc dù quân đội Trung Quốc đã có nhiều cơ hội nghiên cứu các máy bay F-16 do Mỹ chế tạo, bay huấn luyện cùng với nó kể từ những năm 1980 thông qua hợp tác quốc phòng với Pakistan, đợt tập trận Falcon Strike còn có ý nghĩa củng cố quan hệ quốc phòng với Thái Lan, đồng thời là cơ hội tiếp thị máy bay J-10C và các loại máy bay thế hệ mới của Trung Quốc tới Bangkok và một số khách hàng tiềm tàng ở Đông Nam Á khác.
Đợt tập trận không quân Thái-Trung diễn ra giữa lúc quân đội Thái Lan đã lên kế hoạch mua 120 xe bọc thép do Mỹ chế tạo vào năm 2020 và 10 chiếc đầu tiên sẽ cập cảng trong tháng tới, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thái Lan cho Reuters biết hôm 28/8.
Mỹ đã hạn chế hỗ trợ quân sự Thái Lan sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014, nhưng quan hệ song phương đã dần cải thiện sau khi các cuộc bầu bán mặc dù gây tranh cãi vừa qua ở Thái Lan đã khôi phục chế độ dân sự với một chính quyền mới được thiết lập, cho dù vẫn do ông Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng lĩnh, đứng đầu.
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Apirat Kongsompong nói với các phóng viên rằng Thái Lan sẽ nhận được 70 xe chở quân bọc thép do Mỹ chế tạo tính đến cuối năm nay và thêm 50 xe vào năm tới. Tuy nhiên ông Apirat Kongsompong không cho biết giá trị của hợp đồng.
“Đợt chuyển giao thứ nhất sẽ bao gồm 10 xe và đến cuối năm sẽ là 70 xe”, tướng Apirat nói. “Đợt chuyển giao trong năm tới sẽ là 50 xe”.
Ông Apirat nói xe bọc thép sẽ được triển khai tại một căn cứ ở phía Chachoengsao.
Trong giai đoạn chính phủ quân sự còn kiểm soát đất nước, Thái Lan đã mua một số xe tăng và xe chiến đấu bộ binh từ Trung Quốc để thay thế các xe do Mỹ sản xuất đã cũ.
Bên cạnh đó, quân đội Thái cũng lên kế hoạch thiết lập một liên doanh với Trung Quốc nhằm sản xuất và bảo dưỡng thiết bị quân sự, trong lúc quan hệ giữa Mỹ và đồng minh lâu đời nhất của họ ở Đông Nam Á xấu đi sau vụ đảo chính năm 2014.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng đối với Thái Lan. Tuần này, Thái Lan sẽ đón tiếp hải quân của các nước ASEAN và Mỹ tới đây tham gia cuộc tập trận hải quân chung giữa khối ASEAN với Mỹ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 9/9.